Nỗi niềm cao su
Nếu không chuyển đổi sang phát triển cao su bền vững thì Việt Nam sẽ khó mà ở lại Top 3 thị phần thế giới.
Với hàng trăm công ty cao su và rất nhiều cải tiến kỹ thuật của các nhà nghiên cứu trong nước được ứng dụng rộng rãi, Việt Nam gần như đang dẫn đầu toàn cầu về năng suất mủ cao su những năm gần đây khi đạt bình quân 1,6 – 1,7 tấn/ha.
Xuất khẩu tới hơn 80 thị trường
Năng suất cao đồng thời cũng là lợi thế sống còn giúp ngành cao su Việt Nam vượt qua đợt khủng hoảng giảm giá suốt gần 6 năm qua.
Sau khi vươn lên vị trí thứ 3 toàn cầu về sản lượng cao su thiên nhiên từ năm 2013, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế này với sản lượng gần 1,1 triệu tấn trên diện tích gần 1 triệu ha. Cao su thiên nhiên Việt Nam cũng đồng thời được xuất khẩu tới hơn 80 thị trường, chiếm gần 12% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu (chỉ sau Thái Lan - gần 40% và Indonesia - khoảng 25-26%).
Những năm gần đây, các dự án rừng cao su do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào hay Campuchia liên tục đối mặt với các chỉ trích khắc nhiệt của nhiều tổ chức quốc tế.
Cao su thiên nhiên Việt Nam cũng đồng thời được xuất khẩu tới hơn 80 thị trường, chiếm gần 12% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu
|
Trong khi đó, hiện, các nhà sản xuất cao su toàn cầu đã chính thức bước vào cuộc “chạy đua” phát triển sản phẩm theo hướng bền vững. Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam thông tin, 11 nhà sản xuất vỏ xe lớn nhất thế giới tiêu thụ đến 85% lượng cao su thiên nhiên toàn cầu đã cùng thống nhất chủ trương sẽ đi theo hướng phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi Việt Nam cũng phải có những bước chuyển mình nhanh chóng.
Cần hướng tới phát triển bền vững
Được biết, ngành cao su Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, ổn định về diện tích, gia tăng năng suất và sản lượng cao su thiên nhiên.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, để ứng phó, chống chịu với thời kỳ giá thấp có thể còn kéo dài trong vài năm tới, ngành cao su Việt Nam đã tìm những giải pháp tăng năng suất và hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng cao su thiên nhiên và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su cũng như gỗ cao su.
Việc thúc đẩy sử dụng gỗ cao su là nguyên liệu thân thiện môi trường, giảm rủi ro về thị trường và biến đổi khí hậu với những mô hình trồng xen hoặc trồng kết hợp để đa dạng nguồn thu nhập, giảm hóa chất...
Theo Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng Ban tư vấn phát triển ngành cao su (VRA), xu hướng chung của ngành cao su thế giới là cam kết phát triển bền vững theo các tiêu chí cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng, hỗ trợ phát triển rừng bền vững, quản lý nguồn nước, tôn trọng nhân quyền và các quyền lao động…
Trong xu hướng đó, ngành cao su Việt Nam muốn tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ hội nhập để mở rộng thị trường cần tập trung xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam kết hợp với việc thực hiện nguyên tắc chất lượng, uy tín và tiêu chí phát triển bền vững.
Theo đó, các doanh nghiệp phải đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia hoặc cao hơn. Cùng đó, xây dựng uy tín thông qua việc tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt chính sách về người lao động và trách nhiệm xã hội.
Hơn nữa, hiệp hội ngành nghề cũng cần đẩy mạnh hợp tác công tư trong quản lý hướng tới phát triển bền vững, có trách nhiệm để ngành cao su duy trì hiệu quả kinh tế lâu dài, đóng góp hữu hiệu về cải thiện điều kiện xã hội và môi trường
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng cho biết, để hỗ trợ ngành cao su tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã quy hoạch đẩy mạnh việc tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước từ 18% như hiện nay lên hơn 30% và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su.
Đồng thời, quy hoạch diện tích cao su ổn định, cân đối với nhu cầu của thị trường và kế hoạch tái canh phù hợp để phát triển ngành gỗ cao su bền vững.
Tiến Minh
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|