Giá heo hơi hôm nay 18/6: Cứ duy trì mức cao, các “đại gia” FDI ngày càng phình to?
Cập nhật giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 18/6: Theo ghi nhận của phóng viên, giá heo hơi hôm nay dao động phổ biến trong khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với tuần trước, song vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2017 khoảng 15.000-20.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi vẫn tốt nhưng điều cốt lõi là không còn để bán
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Luật – chủ trang trại chăn nuôi ở Hải Hậu, Nam Định cho biết: Trong 1 tuần nay, giá heo giảm nhẹ từ 50.000 đồng xuống còn 48.000 đồng/kg, tuy nhiên nguồn cung heo hơi trên địa bàn Hải Hậu rất khan hiếm.
Tuy giá lợn có giảm nhẹ nhưng mức giá này vẫn quá tốt với người chăn nuôi chúng tôi sau khi đã qua cơn khủng hoảng giá lợn xuống thấp trong suốt 2 năm ròng. Thực tế thời điểm này, gia đình tôi và phần lớn các hộ trên địa bàn huyện Hải Hậu lại không có lợn to (trên 100kg/con) để bán bà chủ yếu còn lợn trên dưới 50kg/con" – anh Luật chia sẻ.
Giá heo hơi hôm nay 18/6 dao động phổ biến trong khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg. Tuy giá lợn có giảm nhẹ nhưng mức giá vẫn là mơ ước với người chăn nuôi. Ảnh minh họa.
|
Còn ông Tân – chủ trang trại lợn ở Kim Sơn, Ninh Bình cho biết giá lợn hơi hôm nay giảm nhẹ 1.000 đồng, dao động trong khoảng 47.000-48.000 đồng/kg, dù vậy mức giá này vẫn khá cao so với năm 2017 và đầu năm 2018. Với mức giá này, trừ chi phí bình quân người chăn nuôi lãi khoảng trên dưới 1 triệu đồng/con, song ông Tân cho biết trang trại ông cũng không được hưởng lợi nhiều vì đã phải giảm đàn 60% sau đợt thua lỗ kéo dài.
“Trước đây, gia đình tôi 200 lợn nái, hơn 4.000 lợn thương phẩm, tuy nhiên giờ chỉ còn duy trì 80 nái, 900 lợn thương phẩm. Ở Kim Sơn, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều bỏ chuồng, còn các trang trại đều giảm hơn một nửa đàn, thậm chí có trại giờ mới bắt đầu nuôi heo trở lại.
Tại miền Bắc, giá heo hơi hôm nay tại nhiều vùng chăn nuôi trọng điểm cũng có xu hướng chững lại, thậm chí là giảm nhẹ từ 1.000-2.000 đồng/kg. Cụ thể, Thái Bình và Bắc Giang cùng giảm về khoảng 48.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng so với trước đó. Các nơi khác giảm ít hơn như Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên,... đa số những địa phương này đều có giá bán thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 47.000-48.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, giá heo hơi hôm nay cũng giảm nhẹ ở nhiều tỉnh, thành. Trong đó, Thanh Hóa, Hà Tĩnh giảm từ 50.000 đồng/kg xuống còn 48.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá heo hơi hôm nay đang dao động ở mức 45.000 - 48.000 đồng/kg.
Được biết trong ngày hôm qua 17/6, Công ty CP Đồng Nai thông báo sẽ giảm giá bán 500 đồng/kg đối với heo 3 máu, về mức 47.000 đồng/kg heo hơi.
Nông hộ ngày càng teo tóp, còn các “đại gia” FDI càng phình to?
Thời điểm hiện tại, giá heo hơi vẫn được thu mua ở mức giá khá tốt từ 45.000 - 48.000 đồng/kg, mức giá này khá cao so với năm 2017 và đầu năm 2018. Điều đáng nói, mặc dù giá heo khá tốt, nhưng đối tượng được hưởng lợi lớn nhất không phải là các hộ chăn nuôi Việt Nam mà chính là các doanh nghiệp FDI có đàn heo với số lượng lớn và họ đang chi phối thị trường.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 5/2018, tổng đàn lợn trên địa bàn Đồng Nai là hơn 2,2 triệu con; trong đó, doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài có 1,2 triệu con (chiếm trên 50% tổng đàn), số còn lại thuộc về doanh nghiệp chăn nuôi trong nước, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Từ cuối năm 2016 giá lợn hơi bắt đầu lao dốc, đến tháng 5/2018 mới tăng trở lại, hiện đã đạt khoảng 47.000 đồng/kg. Trong thời gian lợn hơi rớt giá thê thảm (có lúc còn 15.000 đồng/kg), người chăn nuôi trong nước đối mặt rất nhiều khó khăn, không còn khả năng cầm cự.
Theo nhiều chuyên gia, cần phải kiểm soát được tổng đàn của các doanh nghiệp FDI và kiểm soát đàn trong các nông hộ. Ảnh minh họa.
|
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp Đồng Nai, đến đầu năm 2018, hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (quy mô dưới 100 con) đã phải treo chuồng, ngưng nuôi lợn vì không còn vốn. Tuy nhiên, giá lợn xuống thấp không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp chăn nuôi FDI, bởi các doanh nghiệp này có tiềm lực mạnh, nuôi theo chuỗi, tự túc được con giống, thức ăn, điều này giúp họ giảm giá thành.
Ông Quang khẳng định, tổng đàn lợn ở Đồng Nai hiện vẫn ở mức cao, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, trong gần 2 năm giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi nhỏ lẻ phá sản, treo chuồng nhưng doanh nghiệp FDI vẫn tăng đàn. Đây là chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đàn lợn ở Đồng Nai tăng được chứng minh qua số liệu nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu phục vụ chăn nuôi.
Tuy nhiên, một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là chính sách ưu đãi tín dụng. Chỉ ra một trong những ưu đãi được cho là đang nghiêng về doanh nghiệp FDI, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội cho biết: “Tài sản cùng là chuồng trại, tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng gia công chăn nuôi cho các doanh nghiệp FDI, hộ chăn nuôi được vay vốn không cần thế chấp, ngược lại, hộ gia đình tự chăn nuôi thì không”.
Cũng theo vị này, nếu chính sách này không thay đổi, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, hộ chăn nuôi sẽ mãi không lớn, không thể cạnh tranh và sẽ “chết” dần.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng, để ngành chăn nuôi phát triển và không “rơi” vào tay các doanh nghiệp FDI, các hộ, HTX, doanh nghiệp chăn nuôi không thể tiếp tục duy trì việc phát triển nhỏ lẻ như trong thời gian qua. Đặc biệt, ngành chăn nuôi phải chủ động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, từ chế biến thức ăn đến giống và các sản phẩm phục vụ chăn nuôi.
ĐỨC THỊNH
DÂN VIỆT
|