Nhịp đập Thị trường 14/06: Giảm theo thị trường châu Á
Dù “khởi nghĩa” sớm vào phiên chiều, tuy nhiên không thành công, thậm chí VN-Index còn rơi sâu hơn. Tin Fed tăng lãi suất không chỉ ảnh hưởng lên TTCK Mỹ mà khiến hầu hết các TTCK châu Á đỏ rực. Việt Nam cũng không thoát khỏi tâm lý suy giảm này.
Cuối phiên, VN-Index về 1,015.72 điểm, giảm 1.44%. VN30-Index về sát ngưỡng 1,000 điểm, giảm 1.4%. Hầu như các chỉ số chính và phụ cả 3 sàn đều đỏ, trừ 2 nhóm cứng đầu nhất là VN Mid Cap và VN Small Cap index. Tin Fed tăng lãi suất đã tác động tâm lý nhà đầu tư nội trong cả ngày hôm nay. Thậm chí với lực bán ròng gia tăng của khối ngoại, nhất là trong phiên chiều, tâm lý càng nặng nề hơn và gây ra đợt tháo chạy vào cuối phiên.
Thống kê cho thấy chứng khoán thường giảm vào các kỳ World Cup, điều này cũng có thể thật sự có tác động tâm lý lên nhà đầu tư, tất nhiên ngoại trừ 1 số nhóm ngành hay cổ phiếu được coi là hưởng lợi từ sự kiện thể thao này, ví dụ như phân phối điện máy, hay thực phẩm FMCG…
Là 1 trong 2 chỉ số phụ duy nhất giữ được sắc xanh vào phút chót, VN Mid Cap được các trụ đỡ như HBC, HBG, QCG, VHC, TCM… Nhiều mã trong số đó luôn giữ được lực cầu mạnh giúp giá cổ phiếu tăng cao suốt cả ngày, hoặc tăng mạnh vào đợt ATC như QCG, CSV…
Nhóm ngân hàng có 2 mã tăng giá, nhiều hơn so với phiên sáng, tuy nhiên với 13 mã giảm giá còn lại, mức giảm phổ biến trên 2%, giảm mạnh hơn nhiều so với phiên sáng. Khối ngoại cũng bán ròng mạnh trên một số mã nhóm này như STB, SHB và BID. VCB tuy được mua ròng, nhưng lượng mua thấp, hơn nữa cổ phiếu này luôn giữ sắc đỏ do khối nội xả ra.
Trong nhóm Large Cap, có lẽ chỉ còn 2 mã bán lẻ liên quan đến World Cup là MSN và MWG giữ được sắc xanh, thậm chí kéo dài chuỗi tăng điểm trong tháng 6.
Nhóm mía đường bất ngờ tăng giá hầu hết trừ SLS, trong bối cảnh dư cung trên thế giới, và tình hình thua lỗ của nhiều nhà máy đường phía Nam. Tăng giá tương tự, có lẽ là nhóm cao su thiên nhiên.
HPG tuy được khối ngoại tăng mua trong phiên chiều, lên đến hơn 1.2 triệu cp, nhưng lượng bán ra cũng tăng tương ứng, thậm chí gần gấp 4 lần lượng mua. Diễn biến giao dịch cho thấy dường như khối ngoại bên bán rải sẵn lệnh ở vùng giá trên 42,600 đ/cp, bên mua muốn đẩy lên là phải khớp với lệnh của họ. Cổ phiếu này vài lần được đẩy lên 43,000 đ/cp hoặc cao hơn, nhưng sau đó lại giảm xuống do khối ngoại tăng bán ra.
BSR sẽ chuyển sàn qua HOSE vào tháng 4 năm sau, đây có thể là tin giúp cổ phiếu này tăng vào hôm nay, bên cạnh thông tin về tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm ở mức cao.
Phiên sáng: Tin ra giờ mới ngấm?
VN-Index sau khi được kéo lúc 10h thì sau đó lại giảm mạnh, và tạm thời chốt phiên sáng nay ở mức 1,023.9 điểm, giảm 0.64%. VN30-Index giảm mạnh hơn chút, -0.74%. Diễn biến HNX-Index đồng dạng. UPCoM-Index đỏ nhưng theo lối đi riêng. Riêng chỉ số nhóm midcap sàn HOSE vẫn xanh.
Thị trường sáng nay đón nhận tin không tốt từ Fed, dù đã được dự báo trước. Với diễn biến sáng nay, có thể tạm suy luận rằng thông tin này đã tác động lên thị trường, tuy nhiên có lẽ mới chỉ dừng ở mức tâm lý, và “đánh” vào nhà đầu tư nội. Giao dịch khối ngoại (vốn nhiều chuyên gia e ngại rằng sẽ rút ra khi Fed tăng lãi suất) dù bán ròng tăng lên nhưng chưa hẳn là thảm họa, trừ trường hợp của HPG.
Giao dịch ảm đạm trong nửa đầu phiên sáng, nhưng đến khi index giảm, nhóm ngân hàng rõ ràng là có “tiếp sức”. 13/16 mã trong nhóm này giảm giá, chỉ có EIB tăng 1% với vỏn vẹn 8.740 cp được khớp.
Nhóm dầu khí nhìn chung giảm, tuy nhiên bộ ba đấu giá hồi tháng 1 là BSR, POW và OIL lại đồng loạt tăng giá sáng nay.
Hiện tượng bán ròng mạnh của khối ngoại trên HPG có lẽ là điều khó lý giải, không chỉ vì họ đang bán ròng hơn 2.2 triệu cp sáng nay, mà trong 3 phiên vừa qua, họ bán ròng đến 3.8 triệu cp. lưu ý rằng báo chí đều đang đăng tin giá thép thế giới lẫn trong nước tăng cao trong quý 2 năm nay. Sáng nay HPG tăng giá mạnh đầu phiên lên 44,450 đ/cp, nhưng sau đó giảm nhanh về 42,850 đ/cp có lẽ do khối ngoại “đạp xuống”.
Một số mã trụ của nhóm mid cap sàn HOSE, ngạc nhiên thay vẫn giữ được mức tăng hết sức ổn định trong suốt phiên sáng như HBC, HSG, HAG, PHR…
Bộ đôi HAG và HNG đều tăng giá sáng nay, dù tập đoàn HAGL vừa công bố kế hoạch năm 2018 với chỉ 200 tỷ đồng lãi trước thuế hợp nhất, giảm so với năm 2017.
Sáng nay NHNN đã công bố tỷ giá trung tâm tăng thêm 5 đồng lên 22,583 đồng/USD. Như vậy sau một tuần liên tục tăng, tỷ giá trung tâm tăng 25 đồng. trên thị trường tự do, tỷ giá đã vượt 22,900 đồng/USD, tuy nhiên điều này chưa hiện diện trên các bảng giá của các ngân hàng thương mại. Dù sao đi nữa thì tin Fed tăng lãi suất chỉ vừa mới công bố, ảnh hưởng của nó lên tỷ giá công bố tại các ngân hàng có lẽ cần chờ thêm chút thời gian.
10h30: Diễn biến khó lường
VN-Index vừa tạo một “miệng vực – gap” lớn ngay sau đợt ATO, khiến nhiều người lo sợ rằng tác động từ thông tin Fed tăng lãi suất đã đến. Tuy nhiên cũng ngay sau đó, VN-Index đã quay trở lại ngay vị thế được thiết lập đầu phiên sáng.
Quan sát giao dịch trên nhóm Large Cap, có thể thấy một số mã chính là tác nhân “tạo gap” là VIC, VHM, FPT, GAS, MWG… tuy nhiên sau đó chỉ số được MSN, MWG, PLX, FPT… kéo lên. Dù vậy, hiện tượng trên cũng cho thấy diễn biến khó lường trên chỉ số hôm nay, không loại trừ rủi ro chỉ số còn tiếp tục tạo gap khác trong những phút tới.
Chỉ số VN-Index lẫn đại diên nhóm Large Cap là VN30-Index chỉ cao hơn tham chiếu một chút, nhưng chỉ số đại diện cho Mid Cap sàn HOSE thì đang tăng rất tích cực. Có lẽ dòng tiền đang hướng vào Mid Cap như HBC, PNJ, HSG…
Nhóm bank giao dịch vẫn có vẻ buồn chán, chỉ vài mã tăng giá trong điều kiện thanh khoản yếu, còn đa số đỏ.
Diễn biến của VN-Index tác động lên cả HNX-Index, tuy nhiên trên UPCoM thì tình hình có vẻ khác. Chỉ số này chủ yếu dao động dưới tham chiếu, do những trụ như HVN, VIB, ACV, SCS, SGT… HVN quay lại sắc đỏ và chưa thấy dấu hiệu mua của khối ngoại, vốn là nhân tố chủ yếu giúp cổ phiếu này xanh ngày hôm qua.
HAG vừa công bố tài liệu trình đại hội cổ đông thường niên năm 2018 dự kiến tổ chức vào ngày 23/6, trong đó HAG đặt mục tiêu 6,217 tỷ đồng doanh thu thuần và 2,766 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 200 tỷ đồng. Quý 1 năm nay số liệu hợp nhất cho thấy HAG mới chỉ đạt 1,027 tỷ doanh thu thuần và 32 tỷ LNTT. Giá cổ phiếu HAG vẫn đang vùng vẫy dưới đáy 4,500 đ/cp.
Thông tin giá đường thế giới giảm mạnh chưa thấy tác động lên nhóm mía đường niêm yết. SBT, LSS và SLS vẫn xanh, riêng KTS giảm 9.6% chủ yếu do có mỗi 100 cp khớp.
ROS giảm do nước ngoài chưa mua. Lượng mua ròng sáng nay mới chỉ đạt gần 14,000 cp, có lẽ ETF chưa đặt lệnh.
Mở cửa: Fed tăng lãi suất chưa tác động lên VN-Index
Fed đã tăng lãi suất và sẽ còn tăng lãi suất, thông tin đã ra chính thức đúng như dự báo, TTCK Mỹ đã giảm vì tin này. Tuy nhiên, sáng nay VN-Index mở cửa vẫn tăng nhẹ khoảng 0.1% lên 1,030.5 điểm dù có sự phân hóa lớn trong nhóm Large Cap. Chỉ số chính sàn HOSE tăng nhờ sự hỗ trợ từ SAB, HPG, MSN…
Ảnh minh họa.
|
Nhóm ngân hàng chưa cho thấy sự đột phá dù cũng sắp kết thúc quý 2, khi đa số được dự báo sẽ tiếp tục là một quý làm ăn tốt đẹp. Sáng nay nhiều mã có lượng đặt bán cao hơn lượng đặt mua, trừ VCB, nhưng đến 9h15 thì ngay cả VCB cũng giảm giá nhẹ. Phía tăng giá đáng chú ý có HDB, BID và TCB.
Nhóm dầu khí đang lan tỏa sắc xanh, dẫn đầu bởi GAS (+1.2%), nhưng PVD lại giảm nhẹ 0.6% sau khi tăng bất ngờ tới 4.% chiều qua.
Cổ đông lớn nước ngoài tại BMP là Nawaplastic Industries (Saraburi) Co,.Ltd vừa thông báo đã mua vào gần 1.7 triệu cp BMP, qua đó tăng sở hữu lên 43.35 triệu cp, tương đương tỷ lệ 52.96%. Như vậy BMP chính thức được coi như là 1 công ty “đến từ Thái Lan”. Trong 1 tháng gần đây, giá cổ phiếu BMP gần như chỉ dao động quanh vùng 55-65 ngàn đồng/cp. Tuy nhiên, đối thủ lâu năm của BMP là NTP sáng nay bất ngờ tăng tới 9.8%.
Mới 6 tháng đầu năm, lãnh đạo BSR cho biết ước lợi nhuận sau thuế khoảng 2,947 tỷ đồng, hoàn thành đến 84.7% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2018. Tuy nhiên, giá cổ phiếu BSR vẫn kiên định đi ngang, sáng nay chỉ tăng chừng 0.5%. Có lẽ kế hoạch thấp là ly do dù tỷ lệ hoàn thành cao, nhưng chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
HPG tiếp tục đà tăng nhờ thông tin tăng gia thép thế giới lẫn trong nước, cũng như khả năng sản lượng tiêu thụ quý 2 dự báo vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn bán ròng cổ phiếu này, sáng nay họ đã bán được hơn 200,000 cp.
PNJ tăng 4.7% vào đúng ngày giao dịch không hưởng quyền. Điều này có thể được lý giải rằng ngoài lời trấn an của Chủ tịch PNJ, nhà đầu tư còn quay lại mua PNJ vì nếu mua ngày hôm nay, sẽ không bị “kẹt hàng” (cổ phiếu phát hành thêm chờ về).
Fitch Ratings mới đưa ra lời cảnh báo cho các lãnh đạo kinh tế Việt Nam, rằng Việt Nam không được hy sinh sự ổn định để đổi lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nếu quốc gia này muốn trở thành một nền kinh tế hạng “đầu tư” (investment-grade). Đây không hẳn là 1 lời cảnh báo trực tiếp liên quan đến kỳ vọng nâng hạng MSCI mà mọi nhà đầu tư đang mong chờ, tuy nhiên cũng cho thấy nền kinh tế đang có 1 số dấu hiệu rủi ro liên quan đến chất lương tăng trưởng.
Hoàng Nam
Fili
|