Thứ Ba, 19/06/2018 16:04

Lãnh đạo PGBank nói gì về “cuộc hôn nhân” với HDBank?

Bên cạnh việc tập trung nguồn lực để hoàn tất bàn giao sáp nhập trong tháng 8/2018, PGBank sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh như bình thường và thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong phương án sáp nhập.

Năm 2018, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỷ đồng, tăng 128% so với thực hiện năm 2017; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm hơn phân nửa xuống 1.51%.

Đề cập trong dự thảo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018, HĐQT Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) cho biết đang tích cực triển khai phương án sáp nhập vào HDBank theo đúng phương án đã trình và được ĐHĐCĐ bất thường thông qua ngày 21/04/2018.

Hiện tại PGBank và HDBank đang phối hợp để trình NHNN xem xét chấp thuận việc sáp nhập, đồng thời chuẩn bị các công việc cho công tác bàn giao sáp nhập.

Theo HĐQT Ngân hàng, bên cạnh việc tập trung nguồn lực để hoàn tất việc bàn giao sáp nhập trong tháng 8/2018, PGBank sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh như bình thường và thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong phương án sáp nhập.

Trước đó, trả lời các cổ đông trong đại hội bất thường ngày 21/04, lãnh đạo PGBank khẳng định toàn bộ quyền lợi của khách hàng hiện tại tại PGBank sẽ được Ngân hàng sau sáp nhập thực hiện đầy đủ và sẽ được cộng hưởng thêm các dịch vụ hiện có của HDBank.

“HĐQT và Ban điều hành khi đàm phán đã lường trước các rủi ro về tiến độ thực hiện chưa? Như thời gian trong đề án, thời gian xin chấp nhận của NHNN khoảng 2 tháng có quá nhanh không? Có nên điều chỉnh thời gian thực hiện không?”, cổ đông đặt hàng loạt câu hỏi.

Các vị này đáp, trong quá trình đàm phán, xây dựng lộ trình thực hiện, HĐQT và Ban điều hành của cả hai Ngân hàng đã lường trước những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, bộ hồ sơ sáp nhập mới được xây dựng trên cơ sở bộ hồ sơ sáp nhập mà PGBank và VietinBank cùng thực hiện trong gần 2 năm qua, đáp ứng các quy định của Nhà nước và cơ bản cũng đã được các cơ quan chức năng chấp thuận trước đây. Nhiều khả năng, nếu không có rủi ro về chính sách, bộ hồ sơ sáp nhập giữa PGBank và HDBank sẽ sớm được thông qua.

Về vấn đề hạn chế chuyển nhượng sau sáp nhập, Chủ tịch HĐQT PGBank Bùi Ngọc Bảo cho rằng, đối với một định chế tài chính vốn gần 10,000 tỷ phát hành thêm 30% vốn điều lệ rõ ràng sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường và khó kiểm soát. Vì vậy, điều khoản về hạn chế chuyển nhượng là chấp nhận được. Tuy nhiên, tùy tình hình thị trường, nếu cổ phiếu của ngân hàng sau sáp nhập cần tính thanh khoản cao hơn, HĐQT ngân hàng sau sáp nhập sẽ xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi điều khoản hạn chế chuyển nhượng.

Ông cũng cam kết, quá trình đàm phán, thương lượng sẽ cố gắng đưa ra điều khoản tốt nhất cho cổ đông và cán bộ nhân viên ngân hàng.

Trước khi về một nhà với HDBank, các thông tin sáp nhập từng ảnh hưởng gì tới PGBank?

Dừng sáp nhập với VietinBank sau 2 năm đàm phán, từng có nhiều đồn đoán sẽ “nên duyên” với MBB, nhưng HDBank mới là “bến đỗ” cuối cùng của PGBank. Nhiều thông tin liên quan đến việc sáp nhập của PGBank với những đối tác khác nhau được đưa ra một cách bất ngờ và chóng vánh, khiến cho giới đầu tư đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Trong tài liệu gửi cổ đông cho đại hội sắp tới đây, ngân hàng này đã hé lộ một số chỉ tiêu tài chính bị ảnh hưởng bởi các thông tin sáp nhập thời gian qua.

Trước hết, về kinh doanh nguồn vốn, PGBank cho biết, hoạt động kinh doanh vốn liên ngân hàng bị ảnh hưởng bởi các thông tin sáp nhập dẫn đến các ngân hàng vẫn chưa cấp lại hạn mức liên ngân hàng. Ngoài ra, lãi suất ổn định ở mức thấp trong thời gian dài, nhu cầu vay vốn liên ngân hàng chủ yếu kỳ hạn ngắn nên lợi nhuận không cao.

Kế đến, về nhân sự, tổng số nhân sự cuối năm 2017 là 1,612 người, tăng 159 người so với năm 2016. Số nhân viên tuyển thêm trong năm là 479 người, số nhân viên thôi việc là 320 người, tương ứng khoảng 20%, tỷ lệ này tương đối cao do ảnh hưởng bởi các thông tin sáp nhập. Được biết, PGBank dự kiến tuyển dụng thêm 125 nhân sự trong năm 2018.

Năm 2018, kế hoạch lãi trước thuế tăng gấp đôi, tỷ lệ nợ xấu giảm phân nửa

Như đã đề cập trước đó, lãnh đạo PGBank cho biết, bên cạnh việc tập trung nguồn lực để hoàn tất việc bàn giao sáp nhập trong tháng 8/2018, Ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh như bình thường.

Năm 2017 vừa qua, do huy động và cho vay không đạt kế hoạch, xử lý và thu hồi nợ bao gồm cả nợ bán VAMC cũng không đạt kế hoạch kéo theo trích lập dự phòng tăng nên lợi nhuận trước thuế của PGBank chỉ đạt 80 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2016 và thực hiện xấp xỉ 54% kế hoạch.

Đến năm 2018, trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh và đánh giá nguồn lực của Ngân hàng, PGBank “mạnh tay” đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỷ đồng, tăng 128% so với thực hiện năm 2017, tương ứng tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn bình quân là 6%.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2018 dự kiến đạt 34,199 tỷ đồng, tăng trưởng 17%; tổng huy động ước đạt 29,289 tỷ đồng, tăng 19%; trong đó huy động vốn thị trường 1 khoảng 26,176 tỷ đồng, tăng trưởng 14%.

Dư nợ cho vay khách hàng ước tính đạt 23,992 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cuối năm 2017. PGBank định hướng cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng không tập trung vào một nhóm khách hàng, ưu tiên cho vay khách hàng quy mô vừa và nhỏ, thúc đẩy các sản phẩm đặc thù như cho vay các đại lý xăng dầu. Ngân hàng đặt mục tiêu tỷ trọng nợ ngắn hạn trên trung hạn ở mức 60:40.

Một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2018
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo PGBank cũng cho biết sẽ đẩy nhanh công tác xử lý, thu hồi nợ, nhất là các khoản nợ đang giải quyết tại Tòa án và Cơ quan thi hành án. Ngân hàng dự kiến thu hồi tổng cộng 650 tỷ đồng; trong đó nợ xấu là 245 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC là 360 tỷ đồng, thu nợ đã sử dụng dự phòng rủi ro là 45 tỷ đồng. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay sẽ giảm hơn phân nửa xuống 1.51% vào cuối năm 2018.

Thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của PGBank khá cao, đạt 3.23% (tăng 0.76% so với cuối năm 2016). Tính theo con số tuyệt đối, nợ xấu (nhóm 3-5) của PGBank khi đó ở mức 691 tỷ đồng, tăng 258 tỷ đồng so với cuối năm 2016.  

Theo giải trình của Ngân hàng, nợ xấu tăng của khách hàng bán lẻ ở mức 107 tỷ đồng là những khoản cho vay nhỏ lẻ có đủ tài sản đảm bảo, nợ xấu tăng của khách hàng doanh nghiệp đạt 151 tỷ đồng chủ yếu là của một số khách hàng vẫn trả nợ đúng hạn tại PGBank nhưng đang có nợ xấu tại các ngân hàng khác nên theo quy định phải chuyển nhóm nợ xấu.

Trong năm 2017, PGBank đã thu hồi được 180 tỷ đồng nợ xấu (nợ gốc), đạt 102% kế hoạch; thu nợ sử dụng dự phòng là 46 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Thu nợ đã bán cho VAMC trong năm ở mức 103 tỷ, tăng 40.5 tỷ đồng so với năm 2016 nhưng chỉ đạt 30% kế hoạch.

Nhìn chung công tác xử lý nợ còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc do thị trường chuyển nhượng, phát mại tài sản chưa thuận lợi, thủ tục để phát mại tài sản phức tạp, kéo dài.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn khác trong phân tích nợ xấu và chi phí dự phòng (19/06/2018)

>   Giá USD tăng cao, bình tĩnh mà lo! (19/06/2018)

>   Bí ẩn 13,4 triệu USD trong đại án DongABank (19/06/2018)

>   Mất tiền vì số điện thoại lạ (19/06/2018)

>   “Click” để nhận quà cực chất từ PVcomBank (19/06/2018)

>   TCTD, ngân hàng chi nhánh nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp để cấn nợ (19/06/2018)

>   Cẩn trọng khi nới room tín dụng (19/06/2018)

>   Đôla tự do và ngân hàng bật tăng (18/06/2018)

>   “Quét” và “chạm”, cách thanh toán vừa an toàn vừa thời thượng (18/06/2018)

>   Đăng ký Internet Banking phải dùng số điện thoại 'chính chủ' (18/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật