Doanh nghiệp bán lẻ đang “ăn quá dày”
Đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - trước tình trạng 1 món hàng sản xuất ra, nhưng khi đến tay người tiêu dùng (NTD) thì giá đã “đội” lên 30%, thậm chí 50% bởi qua quá nhiều “góc khuất” của hệ thống bán lẻ. Chính điều này đang là một trong những nguyên nhân khiến hàng nội gặp khó ngay trên sân nhà, nhất là trong thời đại hội nhập, hàng ngoại tràn vào với giá rẻ và chất lượng cao.
Với quá nhiều chi phí để vào siêu thị, hàng Việt Nam khó có cơ hội cạnh tranh trên "sân nhà". (Ảnh minh họa)
|
Trong nhiều lần trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú không hề e ngại nói thẳng về những “góc khuất” đang tồn tại trong ngành bán lẻ ở Việt Nam: Tình trạng "né" thuế GTGT, những chi phí tạo nhãn, phí lên kệ... “Khâu trung gian (bán lẻ) hưởng lợi quá lớn, trong khi người sản xuất ra sản phẩm (đặc biệt là nông dân - PV) chỉ được hưởng phần lợi nhuận rất nhỏ, nhiều khi không có lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ”- ông Vũ Vinh Phú nêu ý kiến. Điều này thể hiện rất rõ, khi có thời điểm giá thịt lợn hơi nông dân bán ra giá chỉ 19.000 - 22.000đ/kg, nhưng tại siêu thị, giá thịt lợn vẫn từ 80.000 -100.000đ/kg. Về những lý do khiến hàng hóa đưa vào siêu thị bị đội giá cao, nhiều doanh nghiệp đã “kêu khản cổ”, nhưng kết quả "đâu vẫn hoàn đấy". Quá bức xúc, chủ 1 nhãn hàng hải sản đông lạnh đã lên tiếng: Có cảm giá chúng tôi cần họ, chứ nhà bán lẻ không cần chúng tôi. Hải sản đông lạnh là mặt hàng không được vồ vập, trong khi nhà nước đang cố gắng thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam: Chuyển từ ăn thịt cá "nóng" sang thịt cá "lạnh", chế biến sẵn.
Tại hội nghị kết nối cung cầu cuối năm 2017 vừa qua, nhiều nhà cung ứng phản ánh: Họ bị ép chiết khấu, chi phí đưa vào một số siêu thị, nhất là siêu thị lớn, chiếm khoảng 30% giá thành. Điều này khiến sản phẩm của họ bị đội giá khủng khiếp. “Tại thời điểm này, chi phí sản xuất tăng cao, chi phí kho bãi, vận chuyển cao, hàng vào siêu thị lớn phải chịu thêm 20-25% mức phí, chúng tôi chỉ có nước ôm hàng về nhà tự bán, hoặc đóng cửa dừng sản xuất” - chủ 1 doanh nghiệp trong ngành hàng thực phẩm đông lạnh bày tỏ ý kiến. Nhiều hội nông dân phản ánh, để đưa được hàng vào siêu thị rất khó, phải chịu bao nhiêu chi phí vô lý: Chiết khấu, hoa hồng, phí gầm bàn, phí đầu kệ, phí sinh nhật, chiếm dụng vốn... Chính những chi phí này đã khiến nhiều nhà sản xuất không dám đưa hàng vào siêu thị, mà phải tự tìm cách phân phối. Những doanh nghiệp nào vào được siêu thị rồi, thì hậu quả là người tiêu dùng phải mua 1 món hàng quá đắt.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng ấn tượng với cách làm của Vingroup khi DN này miễn chiết khấu 1 năm cho những người gửi thực phẩm tươi sống vào hệ thống siêu thị Vin, thậm chí còn đầu tư cho các hợp tác xã vốn, kinh nghiệm và thu mua cho nông dân với giá tương đối hợp lý. “Đã hết rồi thời các nhà bán lẻ trực tiếp ngồi máy lạnh, đút chân gậm bàn chờ hàng đưa đến tận nơi và tìm cách o ép các nhà cung ứng. Các cơ quan quản lý chức năng cần vào cuộc để kiểm tra, giám sát, tạo sân chơi công bằng, để người nông dân không bị bán lẻ ăn mất lợi nhuận, và người tiêu dùng không bị “móc ví” một cách vô lý, còn những doanh nghiệp bán lẻ thì ngồi "rung đùi" thu lợi nhuận - chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu ý kiến.
Phong Nguyễn
LAO ĐỘNG
|