Bài cập nhật
ĐHĐCĐ Coteccons: Những trăn trở của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và đề xuất sáp nhập các công ty con
ĐHĐCĐ thường niên sáng 02/06 của CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đã giải đáp được rất nhiều khúc mắc của cổ đông xung quanh hoạt động kinh doanh cũng như những thông tin bên lề và cả về giá cổ phiếu. Trong đó, chốt lại mức cổ tức năm 2017 được tăng từ 30% lên 50%, kế hoạch lợi nhuận 2018 nâng lên 1,500 tỷ đồng và vấn đề sáp nhập các công ty con sẽ được bàn tại một đại hội gần đây.
Thảo luận
Cổ đông đề xuất hợp nhất các công ty con, nâng cổ tức lên 50%
Vào phần thảo luận, khá nhiều cổ đông đề cập đến vấn đề giá cổ phiếu của CTD, trong đó một số ý kiến cho rằng, khả năng có cổ đông có ý định thao túng giá cổ phiếu của Công ty. Đồng thời, cổ đông cũng đặt câu hỏi, Chủ tịch có tâm huyết với CTD hay không khi nắm khá ít cổ phiếu tại đây và cũng từng có ý nguyện nhường lại cho đội ngũ kế cận trong 5-10 năm nữa?
Về kế hoạch 2018, cổ đông thắc mắc vì sao đặt kế hoạch giảm và Công ty có thay đổi chiến lược hay không? Đồng thời đề nghị CTD nên nâng cổ tức bằng năm ngoái là 50%, và tăng kế hoạch lợi nhuận 2018.
Cổ đông cũng đề nghị sáp nhập Ricons nhằm đảm bảo tính minh bạch, không có rủi ro về mặt tài chính, tránh thông tin bên ngoài.
Trả lời các câu hỏi từ phía cổ đông, ông Nguyễn Bá Dương cho biết, CTD đã phát triển một giai đoạn dài và rất nhanh. Một công ty muốn phát triển lâu dài bền vững thì phải quan tâm đến đời sống cán bộ công nhân viên, mang lại lợi ích cho chủ đầu tư, cải tiến hoạt động.
Năm 2016 lợi nhuận cao hơn 2017 vì thị trường tốt. Nhưng cả thế giới này lợi nhuận trong ngành xây dựng bình quân 3% trong khi CTD đã làm cao hơn bình quân của thế giới. Lý do CTD đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2018 đạt 1,400 tỷ đồng là để thực hiện tốt hơn, vượt kế hoạch hơn là đưa ra con số để đánh bóng tên tuổi như năm ngoái một cổ đông lớn ép đặt kế hoạch cao để rồi lần đầu tiên trong lịch sử không đạt.
CTD đang đàm phán nhiều dự án và không thể công bố. Công ty có nhiều kế hoạch phát triển chứ không riêng dựa vào xây dựng. Một dự án dưới 500 tỷ đồng CTD sẽ không đấu thầu vì quá nhỏ.
"CTD là nguồn sống của tôi, tôi muốn CTD phát triển. Cổ đông có muốn sáp nhập các công ty con để phát triển thêm hay không? Thế giới phát triển thì người ta phải lớn lên, nhiều công ty lớn trên thế giới cũng rất phát triển sau sáp nhập", ông Dương nói.
CTD có hệ thống các công ty tốt nhất với các giải pháp tài chính, tiền bạc sạch sẽ. Có thể hôm nay chưa có nghị quyết sáp nhập, nhưng cần có cuộc họp sắp tới để bầu về vấn đề này.
Bản thân Ban lãnh đạo làm hết sức mình, không ngụy biện. Kế hoạch doanh thu 27,000 tỷ đồng là phải có hợp đồng 35,000 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm không kém năm ngoái nhưng năm nay khó hơn khi đóng bảo hiểm cao. CTD bù đắp bằng cách doanh số lớn lên, đẩy mạnh mảng đầu tư.
Vấn đề cổ tức 50% hay 100% thì không có vấn đề gì bởi tiền mặt của CTD lớn. Cuối cùng, ông Dương chốt lại nâng cổ tức lên 50% và kế hoạch lợi nhuận lên 1,500 tỷ đồng, “đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ vất vả hơn” – ông chia sẻ. Đồng thời vấn đề sáp nhập sẽ được lấy ý kiến cổ đông cụ thể vào một đại hội gần nhất.
Nếu sáp nhập thành công, đến năm 2020 CTD sẽ đạt doanh số 3 tỷ USD.
Kusto có muốn bán cổ phiếu CTD hay không?
Đại diện Kusto cho biết sẽ không bán cổ phiếu CTD và từ trước đến nay cũng chưa bán một cổ phiếu nào.
CTD đồng thuận với phương án sáp nhập các công ty, nhưng cũng cần suy nghĩ kỹ làm sao đảm bảo lợi ích nhất cho cổ đông cũng như Công ty. Cần có chiến lược về mặt thời gian đề ra để cổ đông có thể đồng thuận với kế hoạch sáp nhập này bằng cách bỏ phiếu.
Thị trường nói nhiều về mâu thuẫn của HĐQT, CTD có ý kiến gì về vấn đề này?
Với việc cán bộ nghỉ thì họ có quyền nghỉ, CTD tôn trọng họ. Nhưng với thông tin những người này mang 50-60% công việc của CTD đi thì cổ đông phải hiểu là không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của Công ty. Đồng thời qua việc này cũng thanh lọc được những người như vậy.
Ông Nguyễn Bá Dương đã có những chia sẻ rất chân tình về tình hình hiện nay của CTD.
|
"Giá trị lớn nhất hiện nay của CTD là con người, ngoài ra không có gì khác"
Mở đầu Đại hội, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương đã có những chia sẻ rất chân tình về tình hình hiện nay của CTD. Từ một Công ty bé nhỏ với vốn điều lệ chỉ 15.2 tỷ đồng, CTD đã vượt qua chặng đường 14 năm với nhiều câu chuyện lý thú và thay đổi, làm được nhiều điều nhưng cũng có những điều muốn thay đổi, cải tiến Công ty tốt hơn. Trong giai đoạn đầu tư 2004-2009, CTD đã tập trung cho việc xây dựng bộ máy, cải tiến hoạt động và đạt được thành công khi trở thành công ty số 1 Việt Nam. Năm 2010, CTD chính thức lên sàn chứng khoán, đến năm 2014 thì cất cánh, nhưng năm 2017 vừa qua tốc độ phát triển bắt đầu chững lại, và năm 2018 này sẽ phải bàn bạc lại định hướng tốt nhất cho Công ty.
Với việc xây dựng bộ máy, liên kết với các trường Đại học, nên tối thiểu mỗi năm CTD nhận được 30-50 học sinh của trường về làm việc. Hiện CTD có đội ngũ hùng hậu với 3,000 kỹ sư, “nên giá trị lớn nhất hiện nay của CTD là con người, ngoài ra không có gì khác” – ông Dương cho biết. Từ hai bàn tay trắng, sau đó CTD được nước ngoài góp vốn đầu tư, hiện vốn điều lệ đã lên hơn 700 tỷ đồng.
Ông Dương chia sẻ, năm nay sẽ có khó khăn hơn khi bảo hiểm xã hội thay đổi (công nhân cũng đóng bảo hiểm) nên con số chi ra sẽ cao hơn nhiều. Nhưng trong bức tranh khó khăn đó CTD có nhiều cơ hội khi nhận nhiều dự án rất lớn, 70% công việc đều đến từ các nhà đầu tư cũ với giá cũng như chất lượng tốt nhất để làm sao bán được giá cao hơn tối thiểu 5-7% dự án bên cạnh. Cách đây 6 năm, CTD đã áp dụng mô hình BIM và đây là lợi thế lớn của Công ty hiện nay.
Một vấn đề nữa là CTD đang cải tiến nhiều về công tác quản lý, mở trung tâm đào tạo về các chứng chỉ, chuẩn bị nguồn nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, trong bức tranh đó cũng có một số không hài lòng về chính sách đãi ngộ của Công ty, vấn đề này cũng sẽ được bàn sau.
Biến động cổ phiếu CTD trong vòng 12 tháng qua
|
|
Năm vừa rồi là một năm rất kỳ lạ, ông Dương thắc mắc vì sao giá cổ phiếu giảm trong khi VN-Index tăng trưởng rất mạnh còn CTD có lúc về tới 122,000 đồng/cp trong khi hoạt động kinh doanh của Công đang làm tốt.
Lý do là gì, trong khi Công ty đang có thời cơ rất tốt, thứ nhất các dự án lớn đều có công ty vệ tinh đi cùng, đóng góp lớn cho CTD, nếu không có họ Công ty sẽ không làm được các công trình lớn? “Cái áo đã chật thì chúng ta phải nghĩ đến cái mới, thay đổi để tăng lên. Lẽ ra chúng tôi là những người không muốn sáp nhập nhưng cần phải đổi mới để làm các dự án lớn” – ông Dương khẳng định. Ông cũng lấy ví dụ trên thế giới có nhiều thương vụ lớn như Uber bán cho Grab để phát triển. Và vấn đề này sẽ được bàn bạc trong hôm nay để làm những gì tốt nhất cho CTD.
Kế hoạch 2018 lãi ròng 1,400 tỷ đồng, cổ tức 30%
Theo tờ trình của HĐQT, trong năm 2018, CTD xây dựng kế hoạch dựa trên triển vọng về thị trường xây dựng trong năm có xu hướng chậm lại khi Nhà nước hạn chế dòng tín dụng cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, một số dự án có khả năng bị chậm triển khai vì các thủ tục liên quan đến chính sách quản lý tài nguyên đất đai.
Ngoài ra, 5 tháng đầu năm 2018, nguồn công việc đã ký kết của Công ty giảm so với cùng kỳ, trong đó nhiều dự án có quy mô nhỏ, kể cả dự án D&B, trong điều kiện cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt. Công ty cũng dự toán chính sách về bảo hiểm xã hội và một số chính sách khác sẽ làm tăng chi phí quản lý trong năm.
Theo đó, CTD đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 27,200 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với con số thực hiện năm 2017. Trong khi đó, lợi nhuận hợp nhất ở mức 1,400 tỷ đồng, giảm 15% so với thực hiện năm 2017. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 30%.
Trong khi năm 2017, CTD vượt kế hoạch doanh thu với 27,153 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với con số thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,653 tỷ đồng, tăng 16%. Cổ tức năm 2017 đề xuất các cổ đông thông qua là 30%.
Riêng trong quý 1/2018, doanh thu của CTD đạt hơn 4,300 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%; lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (tương đương giảm 3.3%).
Tại thời điểm 31/12/2018, các chỉ tiêu tài chính của CTD khá lành mạnh khi tổng tài sản ở mức 14,477 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần gần 3,000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2,031 tỷ đồng, Công ty không hề vay nợ.
Các chỉ tiêu tài chính tại thời điểm cuối năm 2017 của CTD
|
Thanh Nụ
Fili
|