Coteccons - Central Cons: Chuyện 'người cũ' ra làm đối thủ hay 've sầu thoát xác'?
Là công ty của người cũ ra đi từ Coteccons, nguồn khách hàng có liên quan tới Coteccons, phong cách triển khai cũng giống Coteccons... nên nhiều câu hỏi được đặt ra là Central Cons là "đối thủ" hay là một dạng "ve sầu thoát xác" của Coteccons?
Sự đi xuống khó hiểu của nhà thầu số 1 Việt Nam
Khoảng 10 năm trở về trước, Coteccons chỉ là một doanh nghiệp nhỏ lọt thỏm giữa muôn vàn doanh nghiệp khác, không nằm trong danh sách chú ý của những chủ đầu tư lớn mỗi khi dự tính gọi thầu cho dự án lớn nào của họ vì vốn liếng chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ.
Thế nhưng, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, từ một doanh nghiệp không tên tuổi, Coteccons vươn mình trở thành nhà thầu số 1 Việt Nam mà người người ta dành cho Coteccons danh xưng: Ở đâu có công trình lớn, ở đó có Coteccons.
Từ tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam bên bờ sông Sài Gòn đến tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD tại Hải Phòng đều do nhà thầu số 1 Việt Nam này đảm nhiệm. Sau 9 tháng triển khai kể từ ngày khởi công (2/9/2017) với tốc độ thần tốc, khu nhà điều hành Vinfast dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2018, khu nhà xưởng sản xuất xe máy đang lắp đặt thiết bị, khu sản xuất ôtô sẽ lắp đặt từ 1/8.
Tòa Landmark 81 thời điểm sáng ngày 9/3/2018.
|
Coteccons còn là chủ thầu xây dựng Khu liên hợp gang thép Dung Quất của Hòa Phát, dự án Casino Hội An với giá trị hợp đồng lên đến gần 7.000 tỷ đồng ở khu vực miền Trung.
Và nhiều dự án nghìn tỷ khác được dự án Coteccons ký kết trong năm 2017 như Dragon Bay do Tập đoàn Doji làm chủ đầu tư với giá trị hợp đồng là 1.025 tỷ đồng, dự án Vinhomes GreenBay và Vinhome Skylake do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư với giá trị hợp đồng lần lượt là 1.250 tỷ đồng và 1.260 tỷ đồng...
Vinhomes Central Park, Vinhomes Gardenia, Vinhomes Golden River, căn hộ cao cấp Diamond Island, căn hộ cao cấp Diamond Lotus,... cũng đều có sự góp mặt của nhà thầu này.
Mặc dù vẫn là doanh nghiệp có lợi nhuận vượt trội trong ngành xây dựng, tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh cũng như giá trị cổ phiếu của Coteccons - công ty do ông Nguyễn Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT - lại đang có dấu hiệu giảm sút bất ngờ.
Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Coteccons.
|
Kể từ đỉnh cao 240.000 đồng/cổ phiếu từ hồi tháng 11/2017, giá cổ phiếu CTD đã giảm một nửa, có thời điểm xuống ngưỡng 120.000 đồng/cổ phiếu, trong khi không ít nhà đầu tư không lý giải nổi nguyên nhân của câu chuyện này là gì. Hiện tại, cổ phiếu CTD đang giao dịch quanh ngưỡng 140.000 đồng/cổ phiếu.
Cuối tháng 1, nhiều công ty chứng khoán đã công bố nhận định về triển vọng không mấy tích cực của Coteccons sau những số liệu tài chính đã công bố. "Lỡ kế hoạch lợi nhuận năm 2017 do biên lợi nhuận gộp quý IV/2017 thấp kỷ lục", tiêu đề báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) về Coteccons ghi rõ.
Kết thúc năm 2017, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (lãi ròng) của Coteccons đạt 1.652 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2016. Đây là mức tăng lợi nhuận thấp nhất xét trong nhiều năm trở lại đây, cho thấy đà tăng lợi nhuận của “trùm xây dựng” này đang chững lại đáng kể.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 của Coteccons cũng cho thấy các con số doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều sụt giảm nhẹ.
Nguyên nhân chính, theo ACBS, là do giá nguyên liệu tăng, một số dự án ký mới với các khách hàng trung thành có biên lợi nhuận thấp (khoảng 6%) và việc ghi nhận một số dự án bị đẩy sang năm 2018.
Người cũ ra làm đối thủ
Trong khi cổ phiếu của Coteccons đã mất 50% giá trị và kết quả kinh doanh có dấu hiệu đi xuống thì Central Cons - công ty của người cũ ra đi từ Coteccons đang nổi lên thành đối thủ đáng gờm trong ngành xây dựng.
Central Cons mới được thành lập vào tháng 7/2017. Chủ tịch HĐQT của Central Cons là ông Trần Quang Tuấn - nguyên Phó tổng giám đốc và cũng là một trong những cổ đông sáng lập Coteccons.
Ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Central Cons, người từng giữ chức Phó tổng giám đốc Coteccons.
|
Dù mới thành lập nhưng Central Cons đã liên tiếp trúng thầu nhiều hợp đồng lớn, đặc biệt từ những khách hàng truyền thống của Conteccons như Vingroup, SSG Group, Phát Đạt...
Các dự án do Coteccons làm nhà thầu có thể kể đến như Vinhomes Star City Thanh Hoá, Vincom Shophouse Cà Mau, Vinpearl Nam Hội An, Vinhomes Riverside – The Harmony của Tập đoàn Vingroup; Opal Tower (Saigon Pearl) của SSG Group, Westin Resort & Spa Cam Ranh của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt; khu nghỉ dưỡng Lotus Cam Ranh do Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành làm chủ đầu tư; dự án The Arena Cam Ranh của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang.
Ngoài ra, còn một số dự án khác như: Văn phòng Thế Giới Di Động (MWG), Triều Châu Hotel, Trường liên cấp Edison, Nhà máy bao bì nhựa Thành Phú Văn phòng ETOWN 5 (REE), Tropicana Nha Trang (Beau Rivage), Khu nghỉ dưỡng ALMA (Cam Ranh)...
Ve sầu thoát xác?
Năm 2002, khi chuyển từ Descon sang Coteccons, 2/3 nhân sự Descon đã đi theo ông Nguyễn Bá Dương tới một nơi "hoàn toàn chưa có gì". Nay người cũ của Coteccons lại ra lập công ty Central Cons hoàn toàn mới nhưng bứt phá rất nhanh.
Là công ty của người cũ của Coteccons, nguồn khách hàng có liên quan tới Coteccons, phong cách triển khai cũng giống Coteccons... nên nhiều câu hỏi được đặt ra là Central Cons là "đối thủ" hay là một dạng "ve sầu thoát xác" của Coteccons?
Website của Central Cons giới thiệu, "chỉ sau hơn 10 tháng hoạt động, tính đến tháng 5/2018, Central đã sở hữu trong tay hơn 500 nhân sự là Kỹ sư – Kiến trúc sư chất lượng cao đến từ các tập đoàn, công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam, cùng hơn 6.000 công nhân đang làm việc tại 22 dự án lớn nhỏ, với tổng giá trị hợp đồng đã ký lên đến 5.000 tỷ đồng".
Một công ty xây dựng mới thành lập chưa đầy 1 năm, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nhưng đã ký hợp đồng lên tới 5.000 tỷ đồng thực sự là rất đáng gờm.
THU PHƯƠNG
NHÀ ĐẦU TƯ
|