“Đẻ”... thêm điều kiện kinh doanh đối với ngành xăng dầu
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, đối với danh mục hàng hóa, về quy định hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hàng năm.
Đây là một trong những vấn đề mà Tổng cục Hải quan đang lấy ý kiến về danh mục thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (gọi tắt là danh mục).
Trong danh mục có phần hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hàng năm do Bộ Công Thương phân giao.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 83/2014, thì “trên cơ sở nhu cầu định hướng về xăng dầu nhập khẩu, thực tế tiêu thụ nội địa năm trước liền kề và đăng ký của thương nhân, Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan”.
Theo VCCI, có thể hiểu là đối với sản phẩm xăng dầu, Nhà nước quản lý bằng phương thức sử dụng mệnh lệnh hành chính buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu một số lượng xăng dầu tối thiểu hàng năm. Phương thức này có thể là thích hợp trong bối cảnh trước đây, khi số lượng đầu mối xăng dầu hạn chế chỉ ở một số ít các doanh nghiệp theo chỉ định của Bộ Công Thương. Hiện nay, khi quyền nhập khẩu xăng dầu về nguyên tắc đã được mở cho bất kỳ doanh nghiệp nào đáp ứng các điều kiện, và các doanh nghiệp này phải tuân thủ pháp luật cạnh tranh, lo ngại về tình trạng độc quyền gây thiếu hụt nguồn cung là không thỏa đáng. Do đó, Nhà nước hoàn toàn không thể là căn cứ để sử dụng biện pháp can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp (trong việc xác định số lượng hàng hóa mua vào).
VCCI đề xuất biện pháp quản lý không tiếp tục áp dụng cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp như trước. Cần giảm bớt các điều kiện kinh doanh để nhiều chủ thể kinh doanh có thể tham gia vào hoạt động nhập khẩu xăng dầu, qua đó đảm bảo nguồn cung trên thị trường. Đồng thời đề nghị bỏ “hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hàng năm do Bộ Công Thương phân giao”.
Cũng liên quan đến điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối. Dự thảo này đưa ra nhiều quy định tạo “giấy phép con”. Điển hình là quy định: Mỗi năm các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức ba đợt bán hàng giảm giá được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền.
Theo VCCI, các quy định giới hạn về khuyến mãi, giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Phan Nam
Diễn đàn doanh nghiệp
|