Thứ Sáu, 15/06/2018 08:26

Chuyện chung cư - Hộp diêm hay hộp xì gà?

Khoảng đầu năm 2010, sau một thời gian lao đao với sự tuột dốc của thị trường bất động sản, một "sáng kiến" đã ra đời...

Chung cư Hoàng Anh Gia Lai ở Q.7, những căn hộ "hộp xì gà" khá hiện đại. Diệp Đức Minh

"Sáng kiến" mới hy vọng là "người đỡ đầu" cho một số doanh nghiệp, đồng thời để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho một bộ phận dân chúng ít tiền, gây nhiều tranh cãi: Căn hộ hộp diêm.

Câu chuyện của một nữ phóng viên

Trên Báo Thanh Niên, tháng 5.2010, xuất hiện một bài viết gây xôn xao giới địa ốc của một nữ phóng viên trẻ Phương Thanh. Đó là bài Khó chấp nhận căn hộ "hộp diêm" 20 m2. Bài báo "đánh thẳng" vào ý tưởng của một DN (sẽ đề cập ở phần sau) với những từ ngữ rất gắt, gọi đó là nhà "ổ chuột trên cao". Đồng thời, với việc phỏng vấn nhiều chuyên gia nêu những ý kiến khá thuyết phục, nữ phóng viên này đã khởi sự cho một cuộc tranh cãi rất hay về quan niệm nhà chung cư. Ngoài chuyện phê phán về diện tích quá nhỏ, còn mở rộng ra nhiều vấn đề khác như quy hoạch của các khu vực, đường sá đi lại sẽ ra sao nếu nở rộ loại hình nhà kiểu này.

Trong bài viết, phóng viên dẫn lời tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, công kích ý tưởng này: "Nói căn hộ 20 m2 có giá thấp thực chất là lập lờ về tổng số tiền người dân phải trả. Thực tế là xây căn hộ nhỏ, tổng số tiền càng nhỏ thì tính thanh khoản và quay vòng vốn càng nhanh, có lợi cho doanh nghiệp".

Lúc này, luật Nhà ở quy định căn hộ thương mại phải có diện tích tối thiểu là 45 m2, nhưng Bộ Xây dựng cũng đã "xé rào" cho DN có sáng kiến kể trên xây dựng căn hộ 39 m2, và bán rất chạy.

"Cuộc khẩu chiến" này chưa thể dừng lại, vì lúc đó DN vẫn chờ mong một ý kiến quyết định từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, người viết bài này cũng tham gia theo tính chất ngoài lề bằng một cuộc phỏng vấn "bỏ túi" với kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, một người rất am hiểu về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng nhà cửa của vài ba chục quốc gia, đồng thời là tác giả của cuốn sách Lang thang phố thị khá nổi tiếng viết về những đô thị trên thế giới.

Ông Dũng nói: "Loại hình nhà chung cư có diện tích nhỏ kiểu này thì chỉ có ở Hồng Kông vào khoảng thập niên 60-70 của thế kỷ trước, lúc đó lượng dân du nhập quá đông, nhiều người không có khả năng sở hữu nhà rộng. Bây giờ một số nơi vẫn còn lưu lại hình ảnh đó". Nhưng ông Dũng hoàn toàn không ủng hộ kiểu căn hộ "hộp diêm", nên cuối cuộc phỏng vấn, tôi nói đùa: "Vậy là anh ủng hộ căn hộ "hộp xì gà" rồi”!

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà chủ trì một cuộc hội thảo vào tháng 3.2008. Diệp Đức Minh

Ông "hộp diêm"!

Đó là một người đàn ông tầm thước, có giọng nói rổn rảng và giàu ý tưởng. Hầu như cuộc hội thảo hội nghị nào về lĩnh vực bất động sản, ý kiến của ông cũng đều gây sôi động trong hội trường, có khi ông "đả kích" luôn cả những vị chủ tọa hội nghị, đại diện cho những cơ quan nhà nước cấp bộ, cấp cục. Chứng kiến nhiều cuộc họp, tôi vỡ ra một điều rằng, sự sôi nổi và ý tưởng của ông không chỉ nhắm đến một hướng là lợi nhuận. Ông nói thẳng thừng "đã là kinh doanh thì ai không nghĩ đến lợi nhuận. Nhưng...".

Sau chữ "nhưng" ấy là hàng loạt vấn đề, đó là tạo điều kiện cho người ít tiền có nhà ở, là sự say mê với cái thị trường căn hộ mà ông đã theo đuổi, bởi với mấy dự án căn hộ mà ông đã xây dựng, nếu xếp lên bàn cân phân hạng, thì mức nặng ký của nó không hề thua kém so với một số căn hộ vào hạng hiện đại nhất thời bấy giờ!

Ông tên là Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, và dấu ấn ông lưu lại là mấy khu căn hộ Thái An 1, Thái An 2 ở khu vực Q.12 (TP.HCM).

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA phát biểu góp ý dự thảo sửa đổi luật Đất đai tháng 3.2008. Diệp Đức Minh

Khi nảy ra cái ý tưởng căn hộ "hộp diêm" ấy, có lẽ ông cũng đã nghiên cứu, tham khảo nhiều thị trường căn hộ của các quốc gia khác ở những giai đoạn khác, hay như một số khu chung cư ở Hà Nội hồi xưa. Nhưng có lẽ điều ông "cố tình" quên, là với các cơ quan chức năng, thì đủ thứ lo ngại về mật độ dân số của TP.HCM ở thời điểm 10 năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba đã đông đúc chật chội như nêm. Nếu cho xây dựng kiểu ấy, thì lấy đường đâu để đi? Tiện ích sống của cư dân sống trong đó làm sao đảm bảo...

Tại sao đồng ý "hộp diêm"?

Suốt một thời kỳ dài theo đuổi ý tưởng ấy, ông Đực vẫn không nản lòng bỏ cuộc. Nhưng rồi cái ý tưởng xem ra khó thực hiện của ông dần dần lại được một số vị chức sắc trong lĩnh vực bất động sản ủng hộ. Hãy nghe ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nói trên một tờ báo vào tháng 9.2017: "Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM đã chấp thuận cho thí điểm xây dựng căn hộ chung cư nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 38 m2 sàn với một tỷ lệ nhất định tại một số dự án. Luật Nhà ở 2014 đã giao thẩm quyền cho Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thẩm quyền quyết định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại, nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội nghị lấy ý kiến sửa đổi luật Đất đai tháng 5.2008. Diệp Đức Minh

Ông Châu cũng cho rằng, tại TP.HCM, nhu cầu căn hộ chung cư nhà ở xã hội, nhà ở thương mại nhỏ có 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền là rất lớn, cần phải được giải quyết thật thỏa đáng. Do đó, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM cho phép căn hộ chung cư nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25 m2 sàn.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, lúc trước làm Cục trưởng Cục Quản lý nhà thuộc Bộ Xây dựng không biết có bị những "ràng buộc" từ phía nào hay không, mà suốt nhiều năm ông Đực đề xuất ý tưởng, vẫn cứ không thấy "lắc hay gật". Nay, đã là nguyên Cục trưởng, ông Hà công khai ủng hộ bằng một câu nói: "Hiện nhiều người cho rằng, phát triển chung cư 25 m2 sẽ biến thành các khu ổ chuột. Tôi xin nói, ổ chuột hay không nằm ở chất lượng sống của người dân trong chung cư đó. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rằng, bước tiếp theo sẽ phải xây dựng quy trình quản lý các chung cư 25 m2 này sao cho phù hợp. Quan trọng là làm sao đảm bảo nhu cầu hiện tại".

Nhưng tới thời điểm này, quan điểm về "căn hộ hộp diêm" giữa TPHCM và Bộ Xây dựng vẫn vênh nhau. Trong khi Bộ Xây dựng đã có văn bản chấp thuận đề xuất xây dựng căn hộ 25m2 của một DN bất động sản tại TPHCM thì TP lại không chấp thuận vì lo ngại hình thành nhà ổ chuột trên cao và đã 2 lần "bác" đề xuất này. Câu chuyện "căn hộ hộp diêm" vì thế vẫn chưa có hồi kết.

"Việc Công ty Đất Lành dẫn chứng các thành phố lớn trên thế giới (như London, Hồng Kông, Singapore, Tokyo, Seoul...) cũng xây dựng những căn hộ rất nhỏ cho người độc thân là một so sánh hết sức khập khiễng. Bởi các đô thị này có mức độ phát triển cao, hạ tầng hoàn hảo, mảng xanh nhiều, hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tại các khu dân cư rất chặt chẽ, mà TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung không thể nào sánh kịp"

(Trích một đoạn trong bài viết Khó chấp nhận căn hộ "hộp diêm" 20 m2 của nữ PV Phương Thanh đăng trên Thanh Niên tháng 5.2010)

An Phong

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Đất công viên giao cá nhân làm sân tennis (14/06/2018)

>   Nhà không phép thoát án phạt 'khủng' (14/06/2018)

>   Bến xe Miền Đông mới xây mãi không xong (14/06/2018)

>   Lúng túng trước 'lệnh' ngừng giao dịch các lô đất liên quan đến Vũ 'nhôm' (14/06/2018)

>   Cận cảnh nhà hàng và bến du thuyền của Vũ 'nhôm' Đà Nẵng tính thu hồi (14/06/2018)

>   Dự án Bắc Rạch Chiếc sai phạm, Công an TPHCM vào cuộc điều tra (14/06/2018)

>   Đủ chiêu lách thuế và huy động vốn của doanh nghiệp địa ốc (14/06/2018)

>   Nguồn cung căn hộ tại TP HCM giảm gần 45% (14/06/2018)

>   Khi người trẻ chọn nhà: Giá hợp lý nhưng phải sống đẳng cấp  (14/06/2018)

>   Hà Nội công bố thêm 108 tòa nhà cao tầng vi phạm PCCC (14/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật