Bến xe Miền Đông mới xây mãi không xong
Công trình xây dựng bến xe Miền Đông mới (tại Q.9, TP.HCM - Bình Dương) khởi công từ tháng 4-2017 và được kỳ vọng đưa vào sử dụng ngay dịp tết 2018 để giảm kẹt xe cho nội ô TP nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Toàn cảnh công trình thi công bến xe Miền Đông mới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Đầu tháng 6 này, chúng tôi ghi nhận trên công trường còn rất ngổn ngang, công nhân đang thi công các cột bêtông khung của nhà ga bến xe.
Thi công lai rai
Đi một vòng quanh công trình xây bến xe Miền Đông mới, chúng tôi thấy tấm biển báo công trình nằm khuất sau đám cỏ mọc um tùm.
Không chỉ vậy, đường dẫn vào khu vực xây nhà ga bến xe ngập trong bụi bẩn, các xe ben chở vật liệu ùn ùn di chuyển ra vào khiến khu vực này luôn trong tình trạng ồn ào, bụi bặm khắp nơi.
Nhìn từ xa, chúng tôi không thể định hình được một bến xe lớn, cả công trường là một bãi đất được đào xới thành nhiều đống.
Trong đó vẫn còn lác đác vài căn nhà chưa được tháo dỡ, giải tỏa.
Gần đó, một đoạn đường đang thi công vẫn chỉ là đường đất, không có rào chắn và trở thành đường tắt cho người dân trong khu vực đi từ đường Hoàng Hữu Nam ra xa lộ Hà Nội.
Ở khu vực công trình, người dân và các doanh nghiệp xung quanh bến xe mới vẫn đi lại trên một phần đất công trình.
Sát cạnh công trình này là công trình xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), hầm chui tại ngã ba đường 621 và dự án mở rộng xa lộ Hà Nội.
Rất nhiều xe container, xe tải ra vào liên tục khiến cả khu vực này đầy bụi bặm, gây ô nhiễm môi trường.
Hệ lụy là các tuyến đường xung quanh khu vực như đường Hoàng Hữu Nam (Q.9) ngày càng xuống cấp trầm trọng. Mặt đường nhỏ, xe tải, xe container... ra vào liên tục dễ dẫn đến ùn tắc, kẹt xe, gây tai nạn giao thông...
Anh Hoàng Văn Hào, người dân trong khu vực, bức xúc: "Công trình thi công ì ạch, đất đá vương vãi khắp nơi ở những tuyến đường xung quanh có nguy cơ gây ra tai nạn cho người đi đường. Tiếng ồn, bụi bặm do xe tải, xe container chạy khiến người dân nơi đây chịu cảnh đinh tai nhức óc".
Cuối năm 2018 có xây xong?
Giải thích việc thi công bến xe Miền Đông mới chậm trễ so với dự kiến, lãnh đạo Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (gọi tắt SAMCO, chủ đầu tư) cho biết đến cuối tháng 2-2018 trong khu đất thi công vẫn còn vướng hai hộ dân chưa giải tỏa.
Trong đó, dù được cơ quan thẩm quyền cấp nền đất tái định cư có diện tích 57,6m2 nhưng hộ dân N.T.N.H. đề nghị được cấp nền đất từ 100m2 trở lên.
Tương tự, SAMCO và UBND Q.9 cũng thống nhất kiến nghị cơ quan thẩm quyền giải quyết cho hộ dân P.T.M.L. được mua một nền đất tái định cư có diện tích 140m2 nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền chấp thuận.
Ông Lê Văn Pha - phó tổng giám đốc SAMCO - cho biết đến tháng 5 mới giải quyết xong cho hộ dân N.T.N.H.. Với hộ dân còn lại thì tiếp tục vận động giải tỏa.
Bên cạnh khó khăn về đền bù giải tỏa, lãnh đạo SAMCO cho biết doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về công tác giao đất và thủ tục thuê đất để làm dự án.
Ngoài ra, mặt bằng thi công đường D11 và đường E3 (hai đường trong dự án) trùng với vị trí đường hiện hữu nên nhà thầu vừa thi công hai tuyến đường này vừa phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trên đường tạm vừa thi công. Điều này đã gây ảnh hưởng đến an toàn và tiến độ thi công...
Theo SAMCO, phần hạ tầng kỹ thuật dự kiến thi công xong vào cuối tháng 10-2018 với điều kiện mặt bằng thi công đường F (đường trong dự án, đang bị vướng dự án xây dựng tuyến metro số 1 và dự án nâng cấp mở rộng xa lộ Hà Nội) phải bàn giao cho đơn vị thi công trong tháng 6 này.
Vậy đến bao giờ công trình mới được xây xong? Ông Lê Văn Pha cho biết tiến độ thi công các gói thầu xây lắp và gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị dự kiến hoàn thành vào ngày 31-12-2018, lúc đó có thể đưa bến xe Miền Đông mới vào sử dụng.
Bến xe mới lo ế khách
Theo lãnh đạo bến xe Miền Đông mới, đơn vị đã bàn kế hoạch phục vụ hành khách ở bến xe này.
Trong đó, Sở Giao thông vận tải TP đã giao cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP có kế hoạch đưa xe buýt vào trung chuyển khách từ bến xe Miền Đông hiện hữu ở Q.Bình Thạnh đến bến xe Miền Đông mới.
Đồng thời, bến xe cũng có kế hoạch chuyển dần từng tuyến xe đi các tỉnh ra hoạt động ở bến xe mới.
Một cán bộ của bến xe Miền Đông băn khoăn liệu hành khách có chấp nhận tốn thêm tiền đi xe buýt và mất 30-40 phút để đi từ bến xe cũ ra bến xe mới?
"Một số doanh nghiệp vận tải mở các bến cóc, xe dù hoạt động trong nội thành thu hút hành khách đi xe với chi phí thấp hơn so với bến xe Miền Đông. Do đó, việc đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động mà chưa có kết nối với tuyến metro sẽ rất bất lợi" - vị này lo lắng.
Theo quy hoạch, bến xe Miền Đông mới được kết nối với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), nên hành khách từ trung tâm TP đi đến bến xe mới rất thuận lợi.
"Thế nhưng theo kế hoạch của Ban quản lý đường sắt đô thị TP, đến năm 2020 mới đưa tuyến metro số 1 vào hoạt động. Vì vậy, việc đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động từ cuối năm 2018 sẽ rất khó thu hút hành khách đi xe" - vị cán bộ bến xe Miền Đông than thở.
|
NGỌC ẤN - THU DUNG
TUỔI TRẺ
|