Chiến tranh thương mại ngày 6-7-2018?
Những dòng tít của các hãng truyền thông quốc tế mấy ngày nay không chỉ khiến giới đầu tư lo lắng, mà cả giới quan sát cũng như kinh tế, tài chính thế giới bồn chồn.
Một tuần sau khi chỉ số chứng khoán sàn Thượng Hải (Shanghai) rời mốc 3.000 điểm - ngưỡng “nhạy cảm” mà ba năm trước khi nó chạm đến, Trung Quốc đã cho phép các quỹ đầu tư nhà nước tham gia mua vào hàng trăm tỉ đô la Mỹ cổ phiếu để “cứu” thị trường - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố giảm mức dự trữ bắt buộc đối với một số ngân hàng thương mại nhằm “bơm” ra thêm 108 tỉ đô la Mỹ. Sự cắt giảm dự trữ bắt buộc này sẽ diễn ra ngày 5-7-2018, tức một ngày trước khi phía Mỹ (nếu không thay đổi) áp dụng mức thuế mới lên thép, nhôm và nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trên thị trường tài chính quốc tế đã xuất hiện không ít ý kiến nói đến suy thoái kinh tế toàn cầu nếu chiến tranh thương mại giữa các cường quốc thực sự nổ ra. Ảnh: MAI LƯƠNG
|
Sự việc đã không dừng lại ở đấy. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào (các doanh nghiệp) công nghệ Mỹ. Ngày 25-6-2018, CNBC trích lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh các hạn chế đầu tư của Mỹ sẽ áp dụng đối với “tất cả các nước có ý định đánh cắp công nghệ Mỹ”. Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng dữ dội. Sau đợt điều chỉnh mạnh trong tháng 1-2018, các chỉ số Dow Jones, S&P500 và nhất là Nasdaq còn dao động nhẹ là nhờ sự “chống đỡ” hiệu quả của các cổ phiếu công nghệ như Amazon, Microsoft, Apple, Google, Facebook, Netflix... Nay thì chiến tranh thương mại đang “đụng chạm” đến chính những trụ cột đỡ thị trường này.
Trên thị trường tài chính quốc tế đã xuất hiện không ít ý kiến nói đến suy thoái kinh tế toàn cầu nếu chiến tranh thương mại giữa các cường quốc thực sự nổ ra. Đây đó, chuyên gia của các định chế tài chính đã bóng gió về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới bắt nguồn từ khu vực thị trường mới nổi, rất có thể từ Trung Quốc.
Chỉ số Shanghai đã tụt về gần 2.844 điểm ngày 26-6-2018 và theo Bloomberg, sự bất an của giới đầu tư nước này về các đợt bán tháo cổ phiếu ký quỹ (margin) trị giá hàng trăm tỉ đô la Mỹ đang hiện hữu. Những biện pháp của Chính phủ Trung Quốc như hỗ trợ các công ty niêm yết mua vào cổ phiếu quỹ, việc bán cổ phiếu thế chấp cầm cố phải được sự đồng ý của chính phủ, giảm dự trữ bắt buộc cho ngân hàng để tăng thanh khoản, tuyên truyền để củng cố niềm tin của nhà đầu tư... dường như chưa mang lại kết quả mong muốn.
Những biện pháp của chính phủ có thể làm nhà đầu tư nhận ra, ở mặt kia của vấn đề, cơ quan quản lý đã nhìn thấy điểm yếu thật của thị trường - Bloomberg nhận xét. Trong bài viết “Bóng ma ở Phố Wall Trung Quốc” (Nightmare on China’s Wall Street) Bloomberg không chỉ nhắc nhở “bóng ma” đã bao trùm chứng khoán Trung Quốc ngày 28-6-2015 đang trở lại, mà còn nhấn mạnh đến những khoản nợ của doanh nghiệp nước này và sự “yếu đuối” của thị trường trước cả khi nguy cơ chiến tranh thương mại xuất hiện.
Các chỉ số chứng khoán quốc tế không phải là những chỉ báo duy nhất phản ánh tâm trạng của mọi chủ thể liên quan đến thị trường tài chính. Giá các loại hàng hóa nguyên liệu từ nông sản như gạo, bột mì, đậu nành, đường, bông, ngũ cốc, cao su, cà phê... đến kim loại như vàng, bạc, đồng, chì, kẽm, nhôm... đều tụt dốc không phanh. Chỉ còn giá năng lượng như dầu thô là đang duy trì ở mức cao so với đầu năm nay, nhưng cũng không thoát khỏi cảnh chật vật. Giá bắp đang rất gần vùng đáy của năm năm. Tương tự là giá đậu nành và cao su. Khoảng 25% đậu nành xuất khẩu của Mỹ là vào thị trường Trung Quốc. Khi Trung Quốc áp thuế đậu nành nhập từ Mỹ 25%, dĩ nhiên các nước xuất khẩu khác hưởng lợi.
Vì sao hàng hóa nguyên liệu bị bán tháo? Vì chiến tranh thương mại làm cản trở giao thương, suy thoái kinh tế, không loại trừ khủng hoảng, nhu cầu nguyên liệu sẽ giảm sút và giảm đột ngột. Chưa kể trước nguy cơ chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế, người ta có xu hướng giữ tiền mặt, tiết kiệm nhiều hơn, bóp chặt chi tiêu. Động lực cho phát triển kinh tế luôn là tiêu dùng và tăng trưởng sức mua. Hai yếu tố này bị ảnh hưởng, tất yếu dẫn đến sản xuất đình đốn, nhu cầu nguyên liệu đầu vào tụt áp.
Việt Nam không thể tránh khỏi tác động của chiến tranh thương mại khi nó xảy ra. Rất nhiều mặt hàng nông sản thô của chúng ta xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và chính ngạch. Giá mua cao su, đường, cà phê, thủy hải sản, trái cây, thịt heo... của Trung Quốc giảm, là xuất khẩu của Việt Nam chịu thiệt. Mỹ đánh thuế lên sắt thép nhập từ Trung Quốc, Canada, Mexico và châu Âu cũng sẽ gây nên làn sóng bảo hộ mậu dịch toàn cầu. Liên hiệp châu Âu và Canada đã bắt đầu rà soát thuế chống bán phá giá sơ bộ thép nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam. Những gì đang diễn ra với thép cũng có thể diễn ra với bất kỳ loại hàng hóa nào.
Ngoài ra cũng không nên quên rằng Việt Nam đang có thặng dự thương mại với Mỹ và một số nước châu Âu. Mỹ đã dựng rào cản cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ. Những câu chuyện như vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa... trong điều kiện bình thường có thể dịu bớt, nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch tăng cao có thể trở thành khắc nghiệt cho nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam.
Xa hơn nữa, đằng sau chiến tranh thương mại còn ẩn hiện chiến tranh tiền tệ mà chủ yếu là tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền. Đô la Mỹ mạnh lên so với các ngoại tệ khác bao nhiêu, xuất khẩu của Mỹ càng khó bấy nhiêu và các nước khác càng có khả năng hưởng lợi. Ngân hàng Trung ương châu Âu, Anh, Nhật đang cố gắng trì hoãn việc nâng lãi suất đồng euro, bảng, yen. Đồng nhân dân tệ đang tịnh tiến về 6,6 tệ/đô la Mỹ, cách mốc cao nhất 6,8 tệ/đô la Mỹ trong vòng mười năm qua không xa. Nhân dân tệ là một đồng tiền trong rổ ngoại tệ xác định tỉ giá hối đoái của Việt Nam. Vì thế, không thể nói rằng chiến tranh thương mại chỉ là chuyện của Trung Quốc hay Mỹ, hay châu Âu... khi Trung Quốc ở ngay sát nách chúng ta.
Hải Lý
tbktsg
|