Check-in quận 1, đi cổng VIP ở sân bay Tân Sơn Nhất
Đó là một trong những kết quả nếu dự án ga trung chuyển hàng không đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động tại quận 1 (TP.HCM).
Sẽ có bãi đậu xe ngầm và ga trung chuyển hàng không đầu tiên của TP.HCM tại khu vực sân khấu Trống Đồng (đường Cách Mạng Tháng 8, Q.1). ĐÀO NGỌC THẠCH
|
Bộ GTVT vừa có công văn "hối" Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) nhanh chóng đề xuất giải pháp để triển khai dự án Trung tâm Dịch vụ hàng không Trống Đồng (Q1, TP.HCM). Cụ thể, Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên đánh giá tính khả thi của dự án, hiệu quả đầu tư, tác động của dự án đến xã hội, môi trường, đồng thời xác định những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn về thủ tục pháp lý sau đó đề xuất giải pháp để triển khai dự án, báo cáo Bộ trước ngày 6.7 tới.
Đến sân bay bằng buýt cao cấp, trễ chuyến được đền tiền
Trung tâm Dịch vụ Hàng không (ga hàng không trung chuyển H-CAT) là một phần của dự án Hầm đỗ xe công cộng và Trung tâm Dịch vụ Hàng không Trống Đồng do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương là chủ đầu tư. Công trình gồm 3 tầng nổi, 7 tầng ngầm với tổng sức chứa 827 xe.
Ngày 28.6, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó chủ tịch Tập đoàn Đông Dương cho biết theo chủ trương ban đầu của TP.HCM, chủ đầu tư nhận dự án bãi đậu xe ngầm Trống Đồng với thiết kế 40% diện tích thương mại và 60% diện tích đỗ xe. Tuy nhiên, đánh giá tình hình kinh doanh mặt bằng thương mại cho thuê đang có xu hướng thoái trào, kinh doanh bán lẻ đang dần nhường chỗ cho thương mại điện tử, Tập đoàn quyết định điều chỉnh toàn bộ công năng của phần thương mại sang mục tiêu phục vụ giao thông công cộng của thành phố.
“Trước việc sân bay Tân Sơn Nhất luôn rơi vào tình trạng kẹt cứng người đi kẻ đón, quá tải cả trong lẫn ngoài, đặc biệt trong thời gian cao điểm, ga hàng không trung chuyển kết nối đưa đón khách từ trung tâm thành phố đến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không Long Thành trong tương lai sẽ giúp giảm lượng khách nhỡ chuyến, chậm chuyến. Đồng thời giảm thời gian lưu lượng hành khách check-in tại sân bay, dự kiến giảm tải khoảng 20 - 25% cho nhà ga hiện tại”, bà Quỳnh nói.
Theo thiết kế của chủ đầu tư, H-CAT sẽ bao gồm thêm các tiện ích như vận chuyển hành khách hai chiều từ sân bay đến H-CAT bằng xe buýt cao cấp có cập nhật thông tin về chuyến bay, có các bãi đỗ xe, giữ xe qua đêm dài ngày cho hành khách, có nhà hàng, siêu thị tiện lợi và kho ký gửi hành lý dành cho khách du lịch muốn gửi lại.
Theo đó, hành khách thuộc khu vực trung tâm thành phố có nhu cầu ra sân bay sẽ đến cảng hàng không trung chuyển, gửi xe, check-in, gửi hành lý sau đó được đưa đến sân bay đúng giờ bằng hệ thống xe buýt cao cấp. H-CAT còn kết nối với các khách sạn trong khu vực dành cho khách quá cảnh (transit) và khách du lịch bằng loại xe nhỏ 15 chỗ.
Đặc biệt, bà Quỳnh thông tin hành khách sau khi check-in tại H-CAT, khi đến sân bay sẽ được qua cửa an ninh bằng cổng VIP, không phải xếp hàng chờ như hiện nay. Đồng thời trong trường hợp kẹt xe, tắc đường, có sự cố khiến xe buýt đưa khách đến sân bay muộn, trễ chuyến, công ty đã mua bảo hiểm để đền bù thiệt hại cho cả phía hành khách và hãng hàng không.
“Ngoài giảm tải sân bay, đem đến thuận tiện cho hành khách, H-CAT còn góp phần đáng kể giảm ách tắc giao thông cho tuyến đường ra sân bay vì một chuyến buýt từ cảng trung chuyển ra sân bay có sức chứa 45 hành khách, tức có thể thay thế cho 20 - 40 xe cá nhân, một giờ có 4 chuyến xe tức có thể thay cho 80 - 160 xe cá nhân đi trên tuyến đường này, góp phần rất đáng kể giảm số lượng xe lưu thông trên toàn tuyến”, đại diện chủ đầu tư nhấn mạnh.
8 năm chật vật
Ngày 13.8.2008, Tập đoàn Đông Dương chính thức được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án hầm ngầm chứa xe và dịch vụ công cộng Lam Sơn. Tuy nhiên sau khi thay đổi quy hoạch, ngày 26.2.2010, UBND TP đã đề nghị chủ đầu tư thay thế dự án tại công trường Lam Sơn bằng dự án tại sân khấu Trống Đồng.
Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh cho biết khi đó, do sự thay đổi của một loạt các quy định liên quan nên chi phí đầu tư của dự án có nhiều phát sinh ngoài dự kiến, cao hơn nhiều so với khi lập dự án ban đầu. Thêm vào đó tiếp tục có nhiều thay đổi về quy định tín dụng khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.
Khởi động cách đây 8 năm, đến giờ dự án vẫn chưa được bắt đầu khởi công. Chủ đầu tư lý giải: Trước năm 2015, do không có đơn giá xây dựng công trình ngầm nên chủ đầu tư phải xin chủ trương của UBND TP cho phép tạm tính giá xây dựng để xác định đơn giá thuê đất và được phê duyệt vào ngày 7.11.2014. Sau đó, mất 3 năm để các đơn vị chức năng kiểm toán và xác định mức đền bù cùng doanh thu hằng năm của sân khấu Trống Đồng.
Đến năm 2017, sau khi hoàn tất và gửi hồ sơ xin phép xây dựng, Sở Xây dựng lại yêu cầu doanh nghiệp phải làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM và được thông báo về việc ranh bảo vệ tuyến đường sắt đô thị số 2 trùng lấn ranh dự án Trống Đồng, do đó chủ đầu tư phải tính toán và điều chỉnh lại thiết kế.
Tức là các bước đã thực hiện trong suốt thời gian từ năm 2015 phải làm lại từ đầu, chi phí đã chi trả cho các hạng mục tư vấn thiết kế phải tiếp tục đưa vào chi phí dự án nhưng vẫn chưa hoàn tất. Do thiết kế đã thay đổi nhiều lần, chi phí đầu tư đến thời điểm này đã phát sinh rất cao (nếu tính chi phí dự án Lam Sơn thì chỉ riêng phí thiết kế đã trên 100 tỉ đồng, chưa bao gồm các chi phí khác).
“Sau 8 năm, đến giờ, chủ trương chuyển toàn bộ mục đích thương mại sang giao thông công cộng nhận được sự đồng thuận của hầu hết các đơn vị, tuy nhiên do chưa có tiền lệ nên dự án đang chờ sự hoàn thiện về quy định nhà nước. Phải đương đầu với nhiều khó khăn như vậy nhưng nhà đầu tư không nản chí. Do đó, Công ty rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND TP, Bộ GTVT và các Sở, ban ngành để dự án được triển khai thuận lợi, trở thành hầm đỗ xe công cộng đầu tiên của thành phố và là trung tâm dịch vụ hàng không đầu tiên của cả nước”, bà Quỳnh chia sẻ.
Dự án đề xuất giá vé 40.000 đồng/khách/lượt với xe buýt cao cấp và dịch vụ cộng thêm của Trung tâm Dịch vụ hàng không.
Để khuyến khích khách chiều từ sân bay Tân Sơn Nhất về Trung tâm Dịch vụ hàng không, giá vé chiều về sẽ rẻ hơn chiều đi (dự kiến 20.000 - 30.000 đồng tùy thời gian cao điểm hoặc thấp điểm).
Nhằm giảm số lượng người đưa tiễn, giá vé xe buýt cao cấp đối với khách đưa tiễn sẽ cao hơn giá cho hành khách (dự kiến 60.000 - 80.000 tùy thời gian cao điểm hoặc thấp điểm).
|
Hà Mai
THANH NIÊN
|