Căn hộ "ma ám" lên hương ở Hồng Kông
Giá căn hộ từng có một người đàn ông đốt than tự sát và một nữ cảnh sát treo cổ tự tử ở Hồng Kông đã tăng hơn 4 lần sau 8 năm.
Căn hộ có hai vụ tự sát rộng 30 m2 nói trên được ông Ng Goon-lau, 66 tuổi, mua lại với giá 1 triệu HKD (tương đương 127.400 USD) vào năm 2010, thấp hơn giá thị trường khoảng 30%, nhưng hiện có giá khoảng 4,4 triệu HKD.
Được truyền thông địa phương gọi là "Vua căn hộ ma ám", ông Ng nổi tiếng vì đầu cơ "hongza" (từ địa phương chỉ những căn hộ từng xảy ra bi kịch như tự tử hay giết người). Có lúc ông mua được một số hongza với giá rẻ hơn giá thị trường đến 40%.
Ông Ng Goon-lau đứng trong căn hộ từng xảy ra hai vụ tự sát ở Hồng Kông. Ảnh: REUTERS
|
Theo Reuters, giá nhà phá kỷ lục liên tiếp 18 tháng qua ở Hồng Kông - một trong những nơi có giá bất động sản đắt nhất thế giới - khiến những căn hộ xui xẻo một thời trở thành món hời. Ông Ng cho hay vào năm 2013, giá của hongza thấp hơn giá thị trường 30% nhưng giờ chỉ thấp hơn 10%. "Thị trường hiện nay thật điên rồ vì nhu cầu quá cao. Mua một căn hộ kém may mắn là giải pháp rất thực tế trong bối cảnh cạnh tranh mua nhà vô cùng khốc liệt" - ông Ng nói.
Giá nhà Hồng Kông đắt đến nỗi một nhân viên dịch vụ lành nghề phải làm việc 20 năm mới đủ tiền mua một căn hộ 60 m2 gần trung tâm, theo báo cáo của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) hồi tháng 9 năm ngoái. Công ty tư vấn Knight Frank trong tháng này cho biết chỉ khoảng 20% trong số 1,85 triệu người đang đóng thuế tại Hồng Kông có thể mua được một căn hộ có giá trung bình 8 triệu HKD. Đặc biệt, giá nhà ở trung tâm tài chính châu Á này sẽ còn tăng khoảng 8%-17% trong năm nay.
Ngay cả ông Ng, người mua khoảng 20 căn hộ "ma ám" từ những năm 1990 và đã thu lợi nhuận từ hầu hết chúng, cũng bị sốc trước làn sóng tăng giá này. Giá nhà cao cộng với thuế nặng đối với những người mua đi bán lại khiến "vua" cũng không mua thêm được một căn hộ xui xẻo nào khác trong 6 năm qua.
Trong khi đó, các ngân hàng cũng nới lỏng quy định hạn chế nhận thế chấp "hongza" có từ một thập kỷ trước, bởi ngày càng nhiều người ít e ngại chuyện này. "Tôi không sợ một chút nào. Ai rồi cũng chết, đó là điều rất bình thường" - bà Jenny Yuen, một người từng thuê căn hộ vận rủi của ông Ng, chia sẻ.
Xuân Mai
Người lao động
|