Thứ Hai, 18/06/2018 20:25

9 thói quen phung phí bạn cần từ bỏ nếu muốn tiết kiệm được nhiều tiền

Tôi lớn lên trong một gia đình chi tiêu tiết kiệm. Cha mẹ tôi luôn để hệ thống điều hòa ở mức thấp để tiết kiệm tiền điện. Còn chúng tôi sẽ mang theo đồ ăn trưa mỗi ngày để không phải tốn từ 1-2 USD cho việc ăn trưa ở trường.

Chúng tôi phải sống như thế bởi vì chúng tôi cần tiết kiệm tiền, do vé máy bay về Đài Loan thăm họ hàng rất đắt.

Sau này, khi đã trưởng thành, dù cũng thành công về mặt tài chính, tôi vẫn giữ những thói quen cũ. Tôi biết rằng tôi hay để nhiệt độ trong nhà khá thấp nhưng bởi vì tôi đã quen với việc đó rồi. Chúng tôi có đủ tài chính để giữ cho ngôi nhà ấm hơn. Nhưng do hồi nhỏ, nhà tôi mát hơn mức trung bình nên tôi thích để nó mát hơn.

Thông thường, vì nhu cầu người ta mới trở nên tiết kiệm, nhưng cuối cùng nó lại trở thành một thói quen.

Nếu tiết kiệm là một thói quen, thì sự phung phí cũng vậy. Ở đây, chúng ta không nói đến những chiếc nĩa được chạm trổ bằng vàng hay những chiếc muỗng bạc, những thứ đó hầu hết mọi người đều có thể tránh được mà không gặp khó khăn gì. Chúng ta đang nói về những sự phung phí nho nhỏ hàng ngày mà khi bạn cộng dồn chúng lại, bạn sẽ thấy chúng làm suy giảm ngân sách và trì hoãn những mục tiêu của bạn.

Dưới đây là một loạt những thói quen phung phí hàng ngày mà nếu bạn muốn tằn tiện và tiết kiệm tiền cho những thứ bạn muốn thì bạn cần phải từ bỏ chúng.

1. Để người khác thúc bạn chi tiền

Áp lực đồng trang lứa là một thế lực mạnh mẽ, đó là lý do tại sao nhiều người tham gia vào việc trao đổi quà… khi họ lẽ ra không việc gì phải làm như thế.

Có một việc bạn ít để ý nhưng lại thuyết phục hơn, bạn nghĩ sao về việc ra ngoài ăn trưa với đồng nghiệp? Nghe thì có vẻ không có gì nhưng nó sẽ trở thành vấn đề nếu mục đích ra ngoài ăn trưa chỉ vì họ và bạn muốn xem như “những người cùng một đội”.

Những người biết tiết kiệm hiểu được họ phải chịu trách nhiệm cho những khoản tiết kiệm của chính họ và do vậy, họ nên có trách nhiệm với việc họ đang chi tiền vào đâu. Đừng để những người khác, thông qua áp lực đồng trang lứa, khiến bạn phải chi tiền.

2. Quên việc đi dọ giá

Sự hài lòng tức thì là một cảm giác khó cưỡng lại, nhưng những ai biết tiết kiệm nhận ra rằng bạn có thể trì hoãn nó lại một chút và điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều tiền.

Thói quen dọ giá, bất kể là khi bạn đang muốn mua một gallon sữa hay muốn tìm chỗ giúp bạn sửa chữa lại nhà cửa, đều rất quan trọng. Đối với những mặt hàng như sữa và trứng, tôi chỉ nhớ cửa hàng nào bán giá hời nhất và tôi sẽ không phải đi dọ giá mỗi lần khi mua. Việc này tôi có thể mắt nhắm mắt mở, chỉ là đừng để bản thân thường xuyên chi quá nhiều.

Đối với những tình huống chi tiêu lớn hơn, như công việc sửa chữa, tôi thường dọ giá 3 nơi hay nhiều hơn. Khi bạn có 3 mức giá, bạn sẽ biết được mức giá thị trường cho công việc đó là bao nhiêu. Nếu bạn có thời gian, hãy tìm hiểu thêm nhưng hãy dừng lại ở mức 10 hay nếu quá trình đó kéo dài hơn 2 tuần lễ. Tại thời điểm đó, bạn sẽ không nhận thêm được nhiều thông tin hữu ích nữa và thực sự điều đó chỉ là đang trì hoãn mọi thứ lại (đó cũng có thể là dấu hiệu bạn không muốn làm việc đó nữa!)

Hãy tận dụng những thông tin trên thị trường để mang lại lợi ích cho bạn!

3. Chi trả nhiều hơn vì muốn được thuận tiện

Hãy nghĩ về những thứ bạn mua – nơi nào chúng được bán rẻ nhất? Ở những nơi bán sỉ.

Nơi nào chúng được bán mắc nhất? Máy bán hàng tự động. Những cửa hàng tiện lợi.

Sự thuận tiện là một thứ tuyệt vời. Khi con bạn cứ hay khóc, hay bạn đang mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, các cửa hàng tiện lợi là một thứ tuyệt vời. Nhưng nếu bạn sử dụng chúng thường xuyên thì nó sẽ trở thành vấn đề. Bạn có thể mua một bịch khoai tây chiên lớn với giá 3 USD hay bạn có thể mua vài bịch nhỏ với giá 1 USD từ những máy bán hàng tự động.

Một lần? Không vấn đề gì cả, chúng ta không phải là những người quá bủn xỉn. Nhưng lúc nào cũng vậy? Không được rồi. Hãy lên kế hoạch trước và tiết kiệm tiền cho những thứ quan trọng khác đối với bạn.

4. Phớt lờ những cơ hội để trữ hàng

Trừ khi nhà bạn không có nhiều không gian, dự trữ những mặt hàng có thể để lâu được là một cách hay để tiết kiệm tiền thường xuyên. Nếu bạn thấy những sản phẩm bạn hay mua đang được bán hạ giá, bạn nên mua nhiều hơn và trữ trong tủ bếp.

Điều này giống như thói quen không chi tiền nhiều quá cho các cửa hàng tiện lợi và đề cập đến cách những người biết tiết kiệm thường nghĩ về lâu về dài - những gì họ sẽ cần trong 1, 2 hay 6 tháng.

5. Lãng phí thức ăn

Lãng phí thức ăn là một vấn đề nghiêm trọng. Việc quên đi trong tủ lạnh của bạn đang có những gì và cứ để đồ ăn tồn bị hư, sau đó đem đi bỏ là một điều tội lỗi. Những người thật sự biết tiết kiệm sẽ học cách vận dụng hệ thống để tránh điều đó.

Đối với tủ lạnh, chúng ta sẽ treo một tấm bảng trắng bên ngoài và liệt kê những thứ có bên trong. Nó giúp chúng ta nhanh chóng xác định được những thứ đã cũ và cần phải sử dụng, như thịt đông có những khoảng thời gian dự trữ an toàn khác nhau, do vậy chúng ta không sử dụng thịt quay sau 2 năm.

Đối với hàng tồn kho, chúng ta sẽ lên lịch sử dụng chúng. Đó là vừa lên kế hoạch nấu ăn cho những ngày sắp tới, vừa tạo nên một hệ thống nhắc nhở trong tủ lạnh còn những hàng tồn nào. Đó là một hệ thống đơn giản, mỗi ngày chúng ta lên thực đơn các bữa ăn, sau đó gạch chúng đi khi chúng ta đã ăn xong hoàn toàn. Thứ nào chưa được gạch đi tức là còn trong tủ lạnh. Không nên để thứ gì lâu hơn một tuần.

Không phải nói quá nhưng nhiều năm rồi chúng tôi chưa phát hiện ra bất kỳ món chính nào bị mốc trong tủ lạnh. (Tuy vậy, chúng tôi có thấy mấy miếng sườn bị mốc, do chúng tôi đã không đưa chúng vào lịch sử dụng đồ ăn tồn).

6. Chi trả cho những dịch vụ bạn không còn dùng nữa

Netflix rất tuyệt vời và khá lâu về trước, lần đầu tiên tôi đăng ký là sử dụng gói 2 DVD. Sau đó, tôi chuyển qua gói 1 DVD và streaming. Và cuối cùng, chỉ xài dịch vụ streaming mà thôi, mặc dù gói DVD chỉ tốn có khoảng 1 USD. 1 USD thì không nhiều nhưng một năm thì tới 12 USD mà tôi thì lại không dùng. Như thế thì quá nhiều.

Bao nhiêu dịch vụ mà bạn đang trả tiền nhưng lại không sử dụng? Bao nhiêu dịch vụ bạn đang trả tiền chỉ đơn giản bởi vì bạn không có thời gian để hủy nó?

Bạn có thể hủy dịch vụ truyền hình cáp, tiết kiệm được một mớ, và tìm cách đầu tư khoản tiền đó!

7. Lúc nào cũng mua đồ rẻ

Có những thứ bạn không nên mua nhiều, như xăng chẳng hạn, và có vài sản phẩm bạn mua rồi sau này còn phải tốn tiền thêm. Bạn mua một thứ gì đó rồi phải thay đổi nó thường xuyên thì không phải là một chiến lược để thành công trong dài hạn. Không những bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách trả nhiều hơn một chút, bạn còn có thể tiết kiệm thời gian để thay thế những thứ đó.

Tôi vận dụng chiến lược Nâng cấp và Tiết kiệm để tránh điều này. Điều này đòi hỏi bạn phải nghĩ đến những khía cạnh trong cuộc sống bạn có thể chi nhiều tiền hơn một chút trong hôm nay để tiết kiệm nhiều hơn trong tương lai.

Nâng cấp và Tiết kiệm cũng có thể giúp bạn tránh những thói quen chi tiêu vô thức đã hình thành nào giờ. Tôi đã mua một chiếc máy Nespresso và bây giờ chỉ 30 giây là tôi có thể uống được một ly espresso ngon lành, đồng nghĩa với việc tôi không còn phải đi ra cửa hàng Starbucks để mua với giá gấp ba.

8. Biến những trải nghiệm đặc biệt thành chi tiêu thông thường

Những lần trải nghiệm đặc biệt là những thứ bạn không thể thường xuyên làm nhưng có tác động tích cực đến bạn, như đi spa hay ăn kem. Cũng quá dễ dàng để biến những trải nghiệm đặc biệt này thành những chi tiêu thông thường và thế là có hai tác động tiêu cực. Một trải nghiệm đặc biệt sẽ trở nên hết đặc biệt khi nó xảy ra thường xuyên. Những trải nghiệm đặc biệt thường tốn khá nhiều tiền. Đơn giản mà nói, kết hợp hai điều này là bạn có một công thức cho sự thảm bại.

9. Ngăn chặn hiệu ứng Diderot

Hiệu hứng Diderot là một hiện tượng xã hội khi người ta mua những thứ có tính chất bổ sung, và đó là khi họ mua được một món đồ thì họ có cảm giác cần mua thêm nhiều thứ khác để người khác khen ngợi những gì họ đang sở hữu. Câu chuyện kinh điển kể về Denis Diderot đã mua một chiếc áo choàng và theo ông cảm nhận nó hoàn toàn lạc lõng trong tủ quần áo của ông. Vì muốn mọi thứ tương xứng với nhau, ông đã mua thêm nhiều thứ khác. Ở đây, chúng ta không đề cập đến những phụ kiện, mà chúng ta đang nói về đồ nội thất và những bức tranh mới, bởi vì chúng không xứng với vẻ đẹp của chiếc áo choàng. (Kristin tại Get Money có một video tuyệt vời về Hiệu ứng Diderot.)

Nếu điều này nghe có vẻ nực cười, hãy nghĩ về lần cuối bạn mua một chiếc xe hơi và sau đó mua tiếp những thứ cần thiết cho chiếc xe đó. Hay lần cuối bạn chuyển nhà sang một nơi mới và thay đổi một vài đồ nội thất bởi vì chúng không còn phù hợp nữa.

Hãy từ bỏ những thói quen phung phí hàng ngày kể trên rồi bạn sẽ thấy càng ngày bạn sẽ càng tiết kiệm được nhiều tiền.

Tác giả Jim Wang, chuyên viết bài về tài chính cá nhân tại Wallet Hacks, một trang blog nơi anh chia sẻ những chiến lược và kỹ thuật để có được cuộc sống và nguồn tài chính tốt hơn.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Người trẻ Việt chuộng cà phê Việt gu Tây (16/06/2018)

>   15 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới (13/06/2018)

>   World Cup rồi về đâu? (11/06/2018)

>   Giới trẻ Việt Nam dễ sở hữu nhà hơn các nước phát triển (10/06/2018)

>   Bài học bất ngờ chàng trai 25 tuổi học được từ Warren Buffett (10/06/2018)

>   Phụ nữ Việt muốn thăng tiến không phải vì tiền (07/06/2018)

>   9 câu nói từ các tỷ phú tự thân khiến bạn thay đổi cách nghĩ về tiền bạc và thành công (09/06/2018)

>   Tỷ phú Ray Dalio: 2 thói quen xấu bạn cần từ bỏ để thành công (07/06/2018)

>   Gần 800.000 USD một chỗ đỗ ôtô ở Hồng Kông (06/06/2018)

>   Người Việt và xu hướng 'chuộng hàng ngoại' (05/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật