8 bài học tài chính tuyệt vời CEO Blue Ocean Global Wealth học được từ cha
Marguerita Cheng, CEO và là đồng sáng lập của Blue Ocean Global Wealth, đã chia sẻ với CNBC những bài học tài chính tuyệt vời mà cô học được từ cha cô là ông Paul S. Cheng.
Marguerita Cheng và cha.
|
Cha tôi di cư từ Đài Loan đến Mỹ vào những năm 1960 chỉ với 17 USD lận lưng và một ba lô quần áo. Mặc dù ông nghèo về vật chất và tài chính, nhưng ông chưa bao giờ cho rằng bản thân là một người nghèo cả. Ông có quan niệm tài sản tài chính không đủ đại diện cho "tài sản thực sự" của một con người.
Cha đã dạy tôi đừng định nghĩa bản thân bằng số tiền tôi có, mà bằng việc tôi đã làm được gì với những gì tôi có. Tôi sớm học được việc không để tiền bạc là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến những quyết định trong cuộc đời mình, nhưng tôi cũng học được mặc dù tiền không thể mua được hạnh phúc nhưng nó có thể mang lại sự bình an trong tâm trí, sự tự do và linh hoạt. Tôi rất biết ơn những giá trị mà cha tôi đã truyền đạt cho tôi về "tài sản đích thực", nhưng tôi cũng biết ơn vì ông đã dạy tôi về tài chính. Cha tôi hiểu được tầm quan trọng của việc có được sự hiểu biết về tài chính và đã để lại cho tôi một di sản mà giờ tôi đang truyền lại cho 3 đứa con.
Có sự hiểu biết về tài chính là có được những kiến thức cần thiết để quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả. Những người hiểu biết về tài chính biết cách làm thế nào để đạt được những mục tiêu dài hạn và đưa ra những quyết định tài chính tích cực.
Ngược lại, những người không có kiến thức về tài chính sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định tài chính trong những tình huống thực tế. Không những họ thường đưa ra những quyết định tài chính sai lầm, vốn sẽ dẫn đến những vấn đề tài chính về sau, mà họ còn gặp khó khăn trong việc đạt được những cột mốc tài chính của bản thân. Hiện tại, ở Mỹ, sự thiếu hiểu biết về kiến thức tài chính đã trở thành một vấn nạn. Một nghiên cứu thực hiện bởi Cơ quan Quản lý Công nghiệp Tài chính ước tính gần 2/3 người Mỹ không thể vượt qua bài kiểm tra kiến thức tài chính đơn giản. Đó chính là vấn đề.
Trong khi việc xóa mù chữ là điều ưu tiên trong giáo dục cộng đồng, việc phổ cập kiến thức về tài chính thì lại không.
Những nhà giáo dục và các học giả vẫn đang tranh luận nên để các trường học công và đại học góp phần thúc đẩy kiến thức về tài chính - và rõ ràng, nên như thế. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không cần phải chờ mà có thể bắt đầu bồi dưỡng sự độc lập tài chính cho con ngay tại nhà.
Đây là những việc bạn có thể bắt đầu làm ngay để dạy con những kiến thức về tài chính.
1. Dạy con biết làm việc chăm chỉ. Trẻ em cần hiểu được mối liên hệ giữa lao động và thu nhập ngay từ lúc còn nhỏ. Nếu con bạn thực sự chịu làm việc để kiếm tiền thì đừng e ngại trả tiền để chúng làm việc. Phần thưởng sẽ tạo động lực cho những đứa trẻ và tiền bạc là một phần thưởng hấp dẫn. Việc để cho chúng làm những công việc mà chúng có thể kiếm được tiền không chỉ dạy cho những đứa trẻ hiểu được giá trị của sự lao động chăm chỉ mà còn giúp chúng học được cách quản lý tiền bạc. Nếu chúng không làm phần việc của mình, thì đừng trả tiền cho chúng.
Bạn cũng có thể bồi dưỡng tinh thần kinh doanh bằng việc khuyến khích chúng chăm em, chăm sóc thú cưng và dọn vườn, hay là cung cấp dịch vụ dọn nhà cho bạn bè, hàng xóm hay là họ hàng. Những đứa trẻ biết làm việc để kiếm tiền có thể học được giá trị của sự lao động mỗi khi chúng bốc đồng muốn mua thứ gì đó mà không nghĩ tới những hệ quả về sau. Chúng cũng có thể trải nghiệm sự hào hứng mỗi khi làm việc chăm chỉ để tiết kiệm và đạt được những mục tiêu.
Trẻ hiểu được giá trị của việc lao động chăm chỉ sẽ học được cách chịu trách nhiệm cho những gì chúng gây ra.
2. Cho con tầm nhìn. Lên kế hoạch tài chính là thiết kế những mục tiêu cá nhân và lập ra một kế hoạch thực tế để đạt được chúng. Hãy thảo luận những mục tiêu tài chính của gia đình với các con của bạn và để chúng biết những gì bạn sẽ làm để đạt được những mục tiêu đó. Hãy khuyến khích chúng khám phá ra những khát vọng và nguồn cảm hứng riêng về tương lai và đặt ra những mục tiêu tài chính cá nhân.
Kế hoạch và những mục tiêu của chúng có thể sẽ thay đổi, nhưng học được cách đưa ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn sẽ giúp chúng trải nghiệm được mùi vị của sự thành công và tận hưởng thành quả của việc lên kế hoạch tốt.
3. Giúp con học cách tiết kiệm. Hãy giúp con bạn học được giá trị của việc tiết kiệm có kỷ luật và thường xuyên. Ngay khi chúng đủ lớn để bắt đầu biết bỏ ống heo, thì chúng có thể bắt đầu tiết kiệm. Khi ống heo đã đầy, hãy mở một tài khoản tiết kiệm và để chúng quản lý số dư, nhờ vậy chúng có thể biết được từ đó đến giờ chúng đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Đây sẽ là một bài học quý giá trong những năm tháng niên thiếu của chúng, khi chúng sẽ đối mặt với những cám dỗ sử dụng khoản tiền tiết kiệm dành để mua xe hơi hay học đại học để chi vào việc ăn uống, đồ đạc và bạn bè.
Trẻ em học tập thông qua thực hành. Hãy giúp chúng tạo một ngân sách phù hợp ưu tiên cho việc tiết kiệm và phát triển tính tự kiểm soát. Sau đó, dạy cho chúng tiết kiệm thường xuyên và có hệ thống bằng cách thiết lập một lịch trình để đạt được những mục tiêu cụ thể. Khi chúng dần trực tiếp trải nghiệm lợi ích của việc tiết kiệm, chúng sẽ bắt đầu tự có ý thức biết tiết kiệm.
4. Nói chuyện với con về đầu tư. Sớm dạy cho con của bạn những điều cơ bản về đầu tư là một sự đầu tư có giá trị cho sự hiểu biết về tài chính của chúng. Điều này không cần phải quá phức tạp. Ngay cả những đứa trẻ rất nhỏ cũng có thể biết trồng một hạt giống và nhìn nó phát triển qua thời gian. Những trò chơi board game (trò chơi cờ bàn) dạy về tiền bạc sẽ cung cấp những cơ hội tuyệt vời để trẻ thấy được cách thức hoạt động của việc đầu tư. Những đứa trẻ cũng có thể thấy được lãi suất kép hoạt động như thế nào với một máy tính lãi kép, điều đó giúp chúng có thể tính được ngay một khoản đầu tư nhỏ có thể mang lại bao nhiêu lợi nhuận qua thời gian.
Chỉ bằng việc kể cho chúng nghe những gì đang xảy ra trong nền kinh tế, bạn có thể giới thiệu cho con những khái niệm cơ bản nhưng không kém phần quan trọng như lạm phát, lãi suất hay nên đầu tư vào công ty nào.
“Bạn cần tự nỗ lực trang bị cho bản thân kiến thức về tài chính. Việc bạn sẵn lòng gia tăng chỉ số IQ tài chính không những tạo nên một tấm gương cho con cái mà còn có thể giúp bạn cải thiện tình trạng tài chính của bản thân.”
5. Hãy dạy con biết cho đi. Trẻ em cần được học cách biết chia sẻ, bởi vì chúng cần biết được đồ đạc của chúng không phải là những thứ quan trọng nhất. Học cách cho đi từ những gì chúng kiếm được không chỉ dạy cho chúng biết được giá trị của lòng độ lượng mà còn giúp chúng nhận ra kiếm tiền không phải là việc quan trọng nhất trên đời.
Những tổ chức như World Vision cung cấp những danh mục quà tặng cho phép trẻ em có thể lựa chọn những món quà thiết thực như gà, dê và nước sạch gửi cho những đứa trẻ và hộ gia đình ở những nơi khác trên thế giới. Việc cho đi một phần thu nhập cho những đứa trẻ trong bệnh viện hoặc đóng góp cho Đạo quân Cứu Thế (Salvation Army) vào dịp Giáng Sinh sẽ tạo cơ hội để các bé khám phá ra những gì chúng xem trọng nhất và ủng hộ cho những điều đó theo những cách xác thực.
6. Chỉ con cách “hoạch định tài chính”. Hãy dạy trẻ biết rằng bất kể chúng làm việc vất vả thế nào, nếu không biết “hoạch định tài chính” thì chúng cũng không thể nào tiết kiệm, đầu tư hay làm từ thiện được. Ngay cả những đứa trẻ nhỏ cũng có thể học được cách cân đối bằng cách phân chia tiền của chúng vào những chiếc lọ có dán nhãn: Tiết kiệm dài hạn, tiết kiệm ngắn hạn, từ thiện và tiêu xài. Những đứa lớn hơn có thể chuyển qua một hệ thống chi tiết hơn, hay một bảng ngân sách viết tay và cuối cùng là quản lý ngân sách của chúng thông qua một ứng dụng.
Biết cách “hoạch định tài chính” sẽ giúp trẻ học được cách tiết kiệm cho những gì chúng muốn và cần mà không phải dính tới nợ nần. Những nguyên tắc của việc “hoạch định tài chính” có thể được dạy từ khi chúng còn nhỏ và duy trì đến khi đứa trẻ phát triển thành một thanh thiếu niên và người lớn.
7. Cảnh báo con về nợ nần. Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa tiêu dùng. Thậm chí, khi chúng ta đã lên kế hoạch kỹ càng rồi, nợ nần cũng là việc khó tránh khỏi. Trẻ em cần hiểu được những chi phí và rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nợ nần để chúng có thể phát triển khả năng tự kiểm soát để tránh nợ xấu và sử dụng nợ tốt một cách thông minh. Việc thỏa mãn nhu cầu bốc đồng của trẻ nhỏ bằng cách mua cho chúng những gì chúng muốn và biện hộ rằng chúng sẽ kiếm tiền trả lại sau không phải là cách để dạy chúng quản lý nợ nần; điều đó chỉ khuyến khích việc mua sắm bốc đồng mà thôi.
Nợ xấu là những gì có giá trị giảm dần theo thời gian. Số dư thẻ tín dụng và các khoản trả góp xe hơi là nợ xấu. Thông thường, nợ tốt là những gì mang lại lợi nhuận. Từ trước đến giờ, người ta vẫn xem việc mượn tiền để xây nhà hay học đại học là một khoản nợ tốt, nhưng thời thế đã thay đổi. Người Mỹ hiện tại đang nợ hơn 1.48 ngàn tỷ USD dưới hình thức nợ sinh viên dàn trải cho hơn 44 triệu người đi vay. Chúng ta chỉ mới bắt đầu hồi phục lại từ cuộc khủng hoảng nợ thế chấp dưới chuẩn gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc Đại suy thoái sau đó. Hãy chắc chắn con bạn hiểu được rằng thậm chí nợ tốt cũng có cái giá của nó. Hãy giúp chúng biết cách tính chi phí và hiểu được những nghĩa vụ đi kèm với nợ nần.
8. Đừng thay con giải quyết những vấn đề của chúng. Cha mẹ thường thích khắc phục mọi thứ cho con cái. Chúng ta không muốn nhìn thấy con chúng ta bị tổn thương. Thật không may, việc xoa dịu nỗi đau của những quyết định tài chính tệ hại chỉ gia tăng thêm sự thiếu hiểu biết về tài chính, thậm chí điều đó chỉ đơn giản như việc bạn cho tiền đứa con 10 tuổi đi mua bộ trò chơi điện tử mới nhất sau khi con bạn đã dần xài hết số tiền tiết kiệm. Những đứa trẻ có kiến thức về tài chính hiểu được rằng những thói quen chi tiêu không tốt sẽ mang lại hậu quả.
Đương nhiên, để dạy được cho con cái hiểu biết về tài chính, bạn cần nỗ lực trang bị cho bản thân những kiến thức về tài chính. Việc bạn sẵn lòng gia tăng chỉ số IQ tài chính không những tạo nên một tấm gương cho con cái mà còn có thể giúp bạn cải thiện tình trạng tài chính của bản thân.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|