Thứ Năm, 10/05/2018 11:05

'Ván cờ' TrustBank trong tay bà Sáu Phấn

Không nắm giữ bất cứ chức vụ nào trên danh nghĩa của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) mà chỉ đứng ở vai trò cố vấn cấp cao cho Hội đồng quản trị và Hội đồng tín dụng Ngân hàng, nhưng mọi đường đi nước bước trong hoạt động kinh doanh của Đại Tín đều chỉ như một 'ván cờ' trong tay bà Sáu Phấn (Hứa Thị Phấn).

*Triệu tập đại diện NHNN đến phiên tòa xét xử bà Hứa Thị Phấn

Ván cờ này của bà Phấn không có “đối thủ” mà chỉ có “trợ thủ”. Cùng với các trợ thủ là toàn bộ HĐQT, ban điều hành, cán bộ, nhân viên của Đại Tín và các chi nhánh, bà Phấn đã toàn quyền chi phối, rút ruột Ngân hàng.

Ngân hàng Đại Tín, tiền thân của Ngân hàng Xây dựng (CB) ngày nay

Bước ngoặt của Ngân hàng Đại Tín bắt đầu từ năm 2007. Khi đó, bà Hứa Thị Phấn và CTCP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ đã dùng các cá nhân có quan hệ gia đình họ hàng đứng tên để góp vốn trong quá trình Ngân hàng tăng vốn điều lệ. Kết quả, gần 85% cổ phần của Đại Tín thuộc sự kiểm soát của bà Phấn – một tỷ lệ sở hữu vượt nhiều lần giới hạn theo luật. Đáng chú ý là số tiền bà Phấn có được để góp vốn vào Đại Tín lại là tiền đi vay từ chính ngân hàng này, cũng thông qua những người thân quen đứng tên vay.

Thủ đoạn đầu tiên của bà Phấn là nâng khống giá trị tài sản thế chấp cho khoản vay hơn 3,500 tỷ đồng để góp vốn trở thành cổ đông lớn của Đại Tín. Đây là hai miếng đất tại TP.HCM và đã được định giá cao gấp 400 lần.

Thủ đoạn này không chỉ được bà Phấn dùng một lần. Khi đã nắm quyền chi phối, với sự góp sức của các lãnh đạo Đại Tín, bà còn rút ruột Ngân hàng thêm hàng ngàn tỷ khác thông qua việc nâng khống giá trị tài sản và bán lại cho Đại Tín với giá cao tại các căn nhà trên đường Lý Tự Trọng (Quận 1), Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3) và Phạm Ngọc Thạch (Quận 3)...

Ngoài ra, bà Phấn còn chỉ đạo thu chi khống để sử dụng bất hợp pháp hơn 5,200 tỷ đồng. Số tiền này liên quan đến hồ sơ cho CTCP Đầu tư Phương Trang vay nhưng bà Phấn đã không giải ngân đủ cho Công ty Phương Trang, đến nay không thu hồi được.

Lãnh đạo Ngân hàng chỉ là “bù nhìn”

Đứng trước Hội đồng xét xử (HĐXX), Nguyên Chủ tịch HĐQT Đại Tín – ông Hoàng Văn Toàn từng cho biết, mặc dù không nắm giữ bất cứ chức vụ nào nhưng theo lời bà Phấn thì đây là Ngân hàng của bà, ông không được phép can thiệp sâu.

Bà Phấn muốn biến Ngân hàng Đại Tín theo mô hình “ngân hàng trong ngân hàng”, tức là hai chi nhánh Lam Giang và Sài Gòn được coi như những ngân hàng nhỏ của Đại Tín và toàn quyền điều khiển dưới tay bà.

Thời điểm đó, Chủ tịch Hoàng Văn Toàn là người đại diện trước pháp luật của Đại Tín, còn Tổng Giám đốc là ông Trần Sơn Nam nhưng hai ông chỉ là người quản lý và điều hành trên danh nghĩa. Bản thân hai ông trong quá trình HĐXX thẩm vấn cũng khẳng định mình chỉ là “người làm thuê”, được bà Phấn mời về làm với mức lương hậu hĩnh và thuộc sự chỉ đạo của bà.

Theo nhận xét của hai ông, bà Phấn là người rất hiểu biết, thông minh và quản lý tiền bạc chặt chẽ, “không ai có thể lấy được tiền của bà”. Mặc dù bà Phấn luôn nói rằng không nắm giữ bất cứ vị trí tại nhà băng nào và không có chuyên môn về ngân hàng nhưng thực chất bà đã kinh qua 5 ngân hàng.

Bên cạnh hai cánh tay đắc lực là ông Hoàng Văn Toàn và ông Trần Sơn Nam, các “chân rết” xuyên suốt trong bộ máy quản trị, điều hành của Ngân hàng Đại Tín đều là người thân, người quen được bà Phấn đưa về Ngân hàng làm.

Dưới thời bà Hứa Thị Phấn, Đại Tín từ một ngân hàng có vốn điều lệ 1,000 tỷ đồng, qua nhiều thủ đoạn đã mất luôn vốn và ngày càng âm nặng. Theo cáo trạng, tại thời điểm ngày 29/02/2012, tổng tài sản thực còn hơn 20,800 tỷ đồng (giảm so với sổ sách gần 6,000 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu âm 2,855 tỷ đông; lỗ lũy kế hơn 6,000 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong BCTC kiểm toán hợp nhất cuối năm 2011. Thời gian này, Đại Tín được NHNN chính thức xác định là một trong 9 ngân hàng thương mại yếu kém phải tái cơ cấu và kiểm soát đặc biệt.

Nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu của NHNN, đầu tháng 10/2012, bà Phấn tiến hành chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Đại Tín cho nhóm cổ đông mới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh chi phối). Giá trị của thương vụ là hơn 4,600 tỷ đồng nhưng không phải tiền thực mà chỉ là tổng nghĩa vụ nợ của bà Phấn được xác định tại thời điểm này. Đại Tín được đổi tên (thành VNCB, sau nữa là CB) và đổi chủ, hoạt động những tưởng sang một trang mới nhưng thực chất chỉ nối dài thêm những sai phạm và thua lỗ.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Luật sư: Vay tiêu dùng 'hoạt động như tín dụng đen' (10/05/2018)

>   VietABank: Sau kiểm toán, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi (10/05/2018)

>   Ngân hàng lãi hàng ngàn tỉ từ phí dịch vụ (10/05/2018)

>   Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo dừng tăng phí ATM (09/05/2018)

>   Phát triển kênh đối tác để gia tăng giá trị cho khách hàng (09/05/2018)

>   Trước Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn đã từng “kinh” qua 5 ngân hàng (09/05/2018)

>   Đón đầu làn sóng M&A của FDI (09/05/2018)

>   Triệu tập đại diện NHNN đến phiên tòa xét xử bà Hứa Thị Phấn (09/05/2018)

>   2 nguyên nhân bị mất tiền gửi trong ngân hàng (09/05/2018)

>   Hai 'ông lớn' VietinBank, Vietcombank tăng phí rút tiền ATM (09/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật