Tôm xuất khẩu liên tục bị cảnh báo "dính" chất cấm
Liên tiếp bị thị trường nhập khẩu “cảnh báo” vi phạm về an toàn thực phẩm khiến mục tiêu xuất khẩu tôm 4 tỉ USD trong năm 2018 có thể gặp khó
Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phía Hàn Quốc sẽ cử đoàn công tác sang đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh của Việt Nam trong chế biến, xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc trong tháng 6 tới.
Nafiqad cho biết Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã gửi liên tiếp 2 công thư trong tháng 4 thông báo đã phát hiện liên tiếp dư lượng Nitrofurans (một loại kháng sinh cấm dùng trong thủy sản) trong các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam, mặc dù đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% từ năm 2017.
Còn trong báo cáo vi phạm khi nhập khẩu hàng thực phẩm vào Úc tháng 3 vừa được Bộ Công Thương công bố thì Việt Nam có 2/38 lô vi phạm. Cả 2 lô thực phẩm Việt Nam vi phạm đều là tôm, những lô hàng này sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2017, kim ngạch tôm xuất khẩu đạt trên 3,8 tỉ USD, là mặt hàng chủ đạo (chiếm từ 45-75%) của xuất khẩu thủy sản trong 10 năm tới. Như vậy, trong mục tiêu xuất khẩu thủy sản 8,5 tỉ USD năm 2018, riêng ngành tôm phải đạt ít nhất 4 tỉ USD.
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần tôm nguyên liệu sạch kháng sinh
|
Trong quý I/2018, xuất khẩu tôm rất khả quan, khi đạt 742,9 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý là Hàn Quốc và Úc, 2 thị trường có cảnh báo lại có mức tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, Hàn Quốc (đứng vị trí thứ 5 trong nhóm các thị trường chính) tăng mạnh nhất 46,7% và Úc (đứng vị trí số 6) có mức tăng trưởng 44%.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, việc những thị trường tăng trưởng cao vướng "cảnh báo" cũng dễ hiểu vì khi số lượng hàng tăng thì tỉ lệ rủi ro cũng tăng lên.
"Tuy nhiên, việc các nước nhập khẩu còn áp dụng biện pháp cảnh báo và tổ chức đoàn sang Việt Nam kiểm tra nghĩa là ngành tôm Việt Nam vẫn còn cơ hội. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn các nước còn có thể cấm nhập khẩu, khi đó ngành tôm sẽ thiệt hại hơn" – ông Hòe đánh giá.
Đối với vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh, theo ông Hòe, nguyên nhân thuộc về khâu nuôi, không phải do nhà máy cho vào trong quá trình sơ chế, chế biến.
"Trách nhiệm của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu là quá trình kiểm soát đã để lọt nguyên liệu có dính kháng sinh vào nhà máy. Để khắc phục tình trạng này cần có một chương trình lớn về kiểm soát kháng sinh trên tôm do nhà nước chủ trì và VASEP đã đề nghị rất nhiều lần vì sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam. Đó là, cần phải kiểm soát việc nhập khẩu, lưu thông kháng sinh trên thị trường kể cả nguồn chính thức và nhập lậu; cần tạo môi trường sạch để nuôi tôm để hạn chế dịch bệnh cũng là hạn chế sử dụng kháng sinh. Đối với người nuôi tôm cần nâng cao nhận thức trong việc sử dụng kháng sinh (đúng loại, đúng cách) để đảm bảo cho tôm thương phẩm không còn tồn dư" – ông Hòe kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp có lô tôm xuất khẩu bị Hàn Quốc cảnh báo cho biết doanh nghiệp phải chịu toàn bộ thiệt hại dù nguyên nhân thuộc về khâu nuôi. "Khi mua tôm chúng tôi đã trả tiền cho nông dân và không thể bắt đền được. Chúng tôi có kiểm soát khi mua hàng những đã để lọt nên phải chịu rủi ro.
Mỗi năm, doanh nghiệp chúng tôi phải chi 1 triệu USD để kiểm soát kháng sinh bao gồm chi phí tuyên truyền hỗ trợ nông dân, kiểm soát quá trình nuôi, kiểm soát thu mua và chi phí xét nghiệm từng lô hàng trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, nỗ lực của các nhà máy là không đủ để kiểm soát tình hình. Bởi lẽ, vẫn còn 2 thị trường chưa kiểm soát chỉ tiêu kháng sinh là Trung Quốc và nội địa" – đại diện doanh nghiệp bức xúc.
Ngọc Ánh
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|