Giá tiêu xuống đáy
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ NN-PTNT, sản lượng tiêu VN đạt khoảng 240.000 tấn, chiếm gần 48% sản lượng tiêu thế giới.
Nâng cao chất lượng để đẩy giá hồ tiêu Việt. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Trong năm 2017, VN xuất khẩu được 215.081 tấn tiêu, tăng 20% so năm 2016 nhưng kim ngạch giảm đến 22,2%, chỉ đạt chưa tới 1,2 tỉ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, VN xuất khẩu 86.849 tấn, đạt 307 triệu USD, giảm 34%.
Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu VN tại Hội nghị tổng kết ngành hồ tiêu năm 2017 tổ chức hôm qua (11.5) nhận định: 2017 là năm giá tiêu giảm thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và dự báo mức giá năm nay cũng không thể khá hơn. Nguyên nhân chủ yếu là cung vượt cầu quá lớn. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch hiệp hội, cho biết số lượng tiêu tồn kho toàn thế giới từ năm 2016 chuyển sang 2017 đạt 86.000 tấn, từ 2017 chuyển sang 2018 lên tới 103.746 tấn. Lượng hàng tồn kho của VN hiện nay khoảng 160.000 tấn, đủ cung cấp 20% nhu cầu sử dụng của thế giới trong vòng 1 năm. “Cộng thêm nguồn cung từ các nước sản xuất tiêu vẫn duy trì ổn định, như vậy cho dù VN, nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, nếu mất mùa thì nguồn cung toàn cầu năm 2018 vẫn sẽ cao hơn 2017 khoảng trên 30.000 tấn. Trong khi tiêu thụ toàn cầu chỉ tăng khoảng 2,6% mỗi năm, tương đương 10.000 - 12.000 tấn. Điều này sẽ tạo áp lực trực tiếp, khiến giá hồ tiêu khó có thể đi lên trong năm nay”, ông Hải thông tin.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết giá tiêu giảm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của người dân. Các hộ trồng tiêu bắt đầu bỏ bê, không quan tâm đầu tư sản xuất khiến không những năng suất giảm mà chất lượng tiêu VN cũng ngày càng đi xuống, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cao, làm giảm uy tín của hồ tiêu Việt. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị hồ tiêu nước ta còn lỏng lẻo, các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ - phát triển rất khó khăn, gây nhiều rủi ro về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông William, Giám đốc Nedspice VN, cho rằng: Giải pháp duy nhất cho các doanh nghiệp tiêu VN là cần củng cố liên kết với nhà nông, tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm tốt nhất để đưa tiêu VN vào được các thị trường khó tính nhất, đàm phán được mức giá cao nhất. Nếu có thể, nên tiến đến truy xuất nguồn gốc để quản lý triệt để chất lượng tiêu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải rà soát các khâu trung gian để cắt giảm tối đa chi phí và có kế hoạch ngắn hạn, cụ thể, chi tiết cho từng bước đi của mình.
HÀ MAI
THANH NIÊN
|