Nhịp đập Thị trường 03/05: Phiên bắt đáy thứ N
Phiên chiều chứng kiến sự rung lắc khá đau tim với 1 bên bắt đáy và bên xả hàng, trong đó có cả nước ngoài. VN-Index đúng ra bắt đầu hồi ngay từ trong phiên sáng, khi chỉ số về sát nút 1,000 điểm. Sự hưng phấn này tưởng chừng bị dội khi chỉ số giật thành hình chữ M khi bắt đầu phiên chiều, nhưng sau đó được kéo mạnh lên.
Kết thúc phiên chiều, VN-Index leo dốc gần thành công, với mức giảm điểm chỉ còn chưa đến 3 điểm, hay -0.25%. Thanh khoản sàn HOSE cũng tăng lên hơn 6,200 tỷ đồng. Nhìn chung, có thể coi đây là 1 phiên bắt đáy thứ N, tức khoảng 6-7 lần tùy cách nhìn vào biểu đồ kỹ thuật, tính từ khi thị trường bắt đầu đổ đèo ngày 10/04. Tất nhiên, vẫn phải chờ đến ngày mai, thậm chí đầu tuần sau để đánh giá độ thành công của phiên bắt đáy chiều nay.
Nhóm ngân hàng cho thấy rõ nhất tâm lý bắt đáy trong phiên chiều nay. Nếu như trong phiên sáng chỉ có 1-2 mã tăng giá thì kết thúc phiên chiều, chỉ có 4 mã giảm giá. Các cổ phiếu ngân hàng đảo chiều ấn tượng nhất là CTG, ACB, HDB, MBB, STB và VIB.
Hưởng ứng lời kêu gọi của nhóm ngân hàng, nhiều nhóm ngành khác cũng có cổ phiếu xanh trở lại như chứng khoán, sản xuất điện, cao su thiên nhiên, sắt thép… Nhóm dầu khí và BĐS dân dụng vẫn có sự phân hóa, có lẽ là do số lượng cổ phiếu khá nhiều. Những cổ đông của NLG, PVS, VCG… có lẽ đang vui mừng vì cổ phiếu đang có dấu hiệu hồi.
Tâm lý bắt đáy trong phiên chiều diễn ra còn hưng phấn hơn trên sàn HNX, và UPCoM, vốn không có những mã Large Cap lớn đè chỉ số như GAS hay NVL của sàn HOSE. Dù số lượng cổ phiếu giảm giá vẫn nhiều hơn số tăng giá, nhưng với sự dẫn dắt của ACB (+3.6%) và PVS (+3.1%), HNX-Index đã leo cao hơn 1.27% so với tham chiếu.
GAS vẫn lau sàn, nhưng lượng bắt đáy đã tăng mạnh hơn phiên sáng với gần 360,000 được khớp lúc ATC. Chỉ có điều là khối ngoại bán ròng gần 700,000 cp, nếu chỉ tính trên lượng bán thì họ đã đóng góp 62%. Bắt đáy là chuyện tất yếu bởi cổ phiếu rớt sâu, nhưng khi bắt đáy, có lẽ nhà đầu tư sợ nhất chính là khối ngoại bán ròng.
Tương tự với GAS là HSG, kể cả 2 yếu tố lau sàn và khối ngoại bán ròng. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 Large Cap này là yếu tố cơ bản: hoạt động của doanh nghiệp. PVD thì may mắn hơn HSG ở chỗ cổ phiếu này thoát sàn trong nửa cuối phiên chiều.
Hiệp hội BĐS TPHCM kiến nghị chuyển loại tiền sử dụng đất thành một sắc thuế. Điều này có thể sẽ tác động mạnh lên giá nhà đất trong thời gian tới, khi kiến nghị này được bàn luận công khai trong giới chuyên gia và các nhà phát triển thị trường BĐS, kể cả người dân.
Phiên sáng: Đang hồi thì nghỉ trưa
VN-Index về sát ngưỡng 1,000 điểm, chính xác là 1,003.7 điểm thì bắt đầu hồi, tuy nhiên khi VN-Index lên đến gần 1,015 điểm thì… nghỉ trưa, hết giờ giao dịch phiên sáng. Dù sao đi nữa, hiện tượng này đã lan tỏa trên “tất cả mặt trận”, và giúp nhà đầu tư hy vọng vào phiên chiều tươi sáng hơn.
Cho đến lúc này, vẫn còn khó để xác định cổ phiếu nào, nhóm ngành nào đang kéo chỉ số lên. Có lẽ, giá cổ phiếu bớt giảm là nguyên nhân. GAS, NVL, PVD, HSG… vẫn lau sàn, nhưng nhiều mã khã đã hồi trở lại, ví dụ như BID, BHN, CTG… Thanh khoản sàn HOSE bắt đầu tăng trở lại với lực cầu bắt đáy.
Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, thì nhóm BĐS dân dụng lại nhận tin xấu, đó là nhận định của ngân hàng HSBC đại ý rằng Việt Nam nên thận trọng với thị trường BĐS, và 1 số thông tin rằng các ngân hàng đang tăng lãi suất cho vay đối với người mua nhà đất. NLG lại dư bán sàn, như vậy những ai bắt đáy 2-3 hôm trước thì coi như đang lỗ. HDG, VCG giảm 6%, vẽ chart giảm dài thêm.
Nhóm thủy sản vẫn có tín hiệu xanh ở ABT và IDI. IDI vừa công bố lãi quý 1/2018 tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước, chính vì thế đã giúp cổ phiếu này đi ngược thị trường sáng nay, dù tổng thể từ giữa tháng 3 đến nay gần như là đi ngang. VHC vẫn giảm nhẹ 1.9%.
Trong nhóm dầu khí, PGD bỗng dưng tăng trần. Đây là cổ phiếu xanh khá hiếm trong nhóm này. Ngành dầu khí nói chung lại bắt đầu phải chờ đợi thông tin từ thế giới bên ngoài, cụ thể là quyết định sắp tới của Tổng thống Mỹ có trừng phạt Iran hay không.
Một số doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu vừa trình lên Bộ Công thương đề xuất sớm "khai tử" xăng RON 95, hoặc đúng hơn là pha E5 vào cả RON 92 lẫn RON 95. Chưa rõ thị trường sẽ phản ứng với đề xuất này như thế nào.
10h40: Nhiều Large Cap đang gia nhập nhóm “lau sàn”
VN-Index tiếp tục giảm sâu hơn so với đầu phiên sáng. Diễn biến các sàn khác cũng chả có gì sáng sủa, hầu như nhuộm đỏ. Khá nhiều mã Large Cap vẫn giảm sàn như GAS, NVL, PVD… Thị trường đang bước vào những thời điểm sôi động nhất của mùa báo cáo tài chính quý 1/2018, nhưng với những diễn biến mang tính “lây lan” như thế này, thông tin tốt cũng khó mà cứu giá cổ phiếu.
Sáng nay Chính phủ họp phiên thường kỳ bàn về kết quả tháng Tư và kế hoạch tháng Năm. Hy vọng TTCK sớm đón nhận tin tức tốt để ngăn chặn đà giảm.
VCB tuy vẫn tăng nhẹ 300 đ/cp, nhưng có lẽ cũng khó duy trì đà tăng này, khi cả nhóm ngân hàng đang nhuộm sắc đỏ. ACB công bố báo cáo quý 1/2018 tích cực, tuy hơi muộn so với nhiều ngân hàng khác. Giá cổ phiếu này sáng nay giảm nhẹ 1.2%, nhưng về kỹ thuât thì khá tích cực vì đầu phiên sáng còn giảm sâu hơn. Ngạc nhiên nhất là KLB, bỗng dưng tăng vọt hơn 14%, tuy nhiên lượng mua rất mỏng, và khoảng cách giữa 2 mức giá mua tốt nhất và giá bán tốt nhất đang rất xa.
FPT sáng nay hở room khoảng 1.3 triệu cp khoảng 15 phút vì là ATO, nhưng khối ngoại đã ngay lập tức trám kín. Có lẽ lượng mua ròng này do liên quan đến số cổ phiếu ESOP vừa phát hành xong.
VHC quay lại giảm hơn 4% sau khi từng tăng nhẹ đầu phiên. Tuy nhiên lượng mua và bán hai bên đều thấp, đây rõ ràng không phải là hiện tượng giải chấp.
Mở cửa: Mòn mỏi chờ đáy
VN-Index mở cửa sáng nay giảm 1% về 1,018.4 điểm, một phần là “nhờ” GAS giảm sàn. Tất nhiên, không chỉ GAS mà nhìn chung Large Cap vẫn là nhóm giảm khá mạnh, ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số, nhưng có lẽ tâm điểm chú ý là GAS.
Theo Reuters, chứng khoán Mỹ suy giảm ngày hôm qua khi những biện pháp hạn chế của Mỹ đối với các công ty viễn thông Trung Quốc lại làm dấy lên lo ngại của nhà đầu tư về làm xấu đi quan hệ thương mại giữa 2 nước. Tuy nhiên có lẽ tin tức này không làm xấu thêm diễn biến trên TTCK Việt Nam, vì nhà đầu tư đang có rất nhiều thứ để lo lắng rồi.
Thị trường có vẻ tiếp tục đốt đuốc đi tìm nhóm ngành đi ngược, vì sáng nay “dạo” quanh trên các sàn đều thấy đa phần sắc đỏ. Tuy nhiên có vẻ như nhóm thủy sản đang có dấu hiệu lan tỏa sắc xanh. VHC đang tăng nhẹ 1.4% còn ABT tăng tới hơn 5%.
GAS tiếp tục giảm sàn phiên thứ tư liên tiếp, bất chấp kết quả quý 1 tăng trưởng tích cực. Sáng nay, có vẻ như nhà đầu tư dồn lệnh bán vào mức giá sàn, hơn là đặt ATO, nhằm tranh thủ quyền ưu tiên về thời gian đặt lệnh, khi ATO không khớp sẽ bị chuyển thành lệnh giới hạn giá sàn.
VJC dù lãi quý 1 tăng trưởng mạnh, nhưng không cứu được giá cổ phiếu. Sáng nay cổ phiếu này giảm tiếp 0.8% về 178,000 đ/cp. Suốt từ đầu tháng 4 đến nay hầu như cổ phiếu này luôn giảm. Thậm chí nhìn từ góc độ kỹ thuật, thì chỉ có duy nhất 2 phiên xuất hiện “nến xanh”. Có lẽ VJC cũng là cổ phiếu gây sốc và khó lý giải trên TTCK lúc này.
BSR giảm hơn 6% liên quan đến thông tin về kết luận kiểm toán. Có thể coi BSR như là SAB thứ hai, với điểm chung là truy thu cổ tức. Tuy nhiên, BSR có 1 điểm khác biệt so với SAB là BSR chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài, do đó chưa rõ kết luận của kiểm toán sẽ được phần hồi như thế nào.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed mới công bố quyết định duy trì biên độ lãi suất trong khoảng 1.50-1.75%, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục đà gia tăng gần đây để tiến tới gần ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đề ra, mở đường cho cơ quan này tăng lãi suất trong tháng Sáu tới. Thông tin này có lẽ chưa tác động ngay đến TTCK Việt Nam, nhưng cần lưu ý khi đến tháng Sáu tới.
Hoàng Nam
FILI
|