Người Việt đang “dính” phồn hoa ảo?
Người dân vẫn cảm thấy an toàn tài chính, có thể sở hữu bất cứ món hàng nào mình muốn mà không ai kích thích phải vay nợ để chi trả.
Với đa số cư dân nông thôn, “tăng trưởng kinh tế” là khái niệm chỉ loáng thoáng đâu đó trên báo đài. Những gì họ nhận ra về tăng trưởng kinh tế chỉ qua cách so sánh mức sống, điều kiện hiện tại với khoảng thời gian cách đây mười năm, mười lăm năm.
Vì vậy, những con số tăng trưởng GDP qua các năm, dù nó có thể đạt cao nhất Châu lục hay xác lập cột mốc nào đó vẫn khó có thể nhìn thấy ngay trong đời sống. Hiện tượng này na ná với “bẫy thu nhập trung bình”.
Tỷ dụ, một địa phương nghèo nếu tách riêng ra thì GDP không tăng, thậm chí đứng yên nhưng được các địa phương giàu có “chia” đều trong tổng sản phẩm quốc nội nên tăng lên.
Cố nhiên, tăng trưởng GDP – nếu được tính toán chi ly, thực chất thì đó là bức tranh phản ánh sự phồn hoa của xã hội. Nếu bỏ ngoài những yêu tố phi kinh tế, GDP và sự phồn hoa luôn đi kèm nhau.
Có chuyên gia cho rằng: “Sự phồn hoa hiện nay, rất có thể là do dòng vốn quá nhiều đổ vào nền kinh tế làm nhiều người có nhiều tiền chứ thực chất hoạt động kinh tế tạo ra giá trị không nhiều”.
Nhận xét này không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích dòng tiền ở “đâu đó” chảy vào, thì thực tế không hoàn toàn như vậy. Xét cụ thể, một tập đoàn nước ngoài đổ vào Việt Nam vài tỷ đô, đương nhiên sẽ tính vào GDP, con số này trong tổng sản phẩm quốc nội ít thực tế với đời sống hàng chục triệu người.
Hình minh họa (Nguồn: Internet)
|
Nhưng lưu ý, mấy tỷ đô đó không phát đều cho người dân, muốn có tiền phải tham gia vào chuỗi giá trị, đó có thể là công ăn việc làm, “sốt” bất động sản xung quanh dự án. Như vậy tiền kiếm được sẽ tạo ra đời sống thật chứ không giả tạo. Hơn nữa, làm công ăn lương may ra đủ sống chứ phồn hoa thì khó!
Giống như cơn “sốt” đất ở những đặc khu, hoàn toàn có lý do khi cho rằng, ở đó xuất hiện đầu cơ bất động sản, dòng tiền “chảy” vào túi một số người. Nhưng chỉ một vài người có tài sản tỷ đô không thể kéo cả xã hội phồn hoa theo.
Nhìn vào thị trường tiêu dùng, cũng bằng cách so sánh: Cách đây một thập kỷ ở nông thôn Việt Nam không nhiều người có tủ lạnh, xe hơi, điện thoại thông minh, phủ sóng wifi. Nhưng hiện nay sở hữu những thứ đó không quá khó. Điều đó cho thấy mức sống người dân tăng lên rõ rệt và thực chất.
“Căn bệnh Hà Lan” được nhắc đến, là một khi dòng tiền đổ mạnh vào nền kinh tế khiến đồng nội tệ tăng giá dẫn đến hàng hóa đắt đỏ, hậu quả là doanh nghiệp trong nước kém cạnh tranh. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất sức cạnh tranh thường được mổ xẻ nhiều nhất vẫn là năng suất lao động thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu.
Nếu đồng tiền tăng giá, ích lợi đầu tiên là tăng sức mua, tức là cùng một đơn vị tiền tệ nhưng có thể mua được nhiều hàng hóa hơn. Về nguyên lý, “tiền và hàng” vẫn vận hành theo công thức ‘T – H – T’ (tiền – hàng – tiền) chứ không mất đi đâu cả. Nên một khi nền kinh tế được rót nhiều tiền là lợi nhiều hơn hại.
Về lạm phát khiến GDP tăng lên khi đổi sang USD, điều này đương nhiên, không chỉ Việt Nam mà hàng chục quốc gia khác lấy đồng đô la làm tỷ giá quy đổi cũng mắc phải tình trạng tương tự. Nếu nhờ lạm phát mà GDP tăng lên thì nhiều lắm chỉ làm đẹp báo cáo chứ không ảnh hưởng đến đời sống thực tế.
Hậu quả của lạm phát làm đồng tiền rớt giá thê thảm, người ta có thể có rất nhiều tiền nhưng chẳng mua được thứ gì đáng giá. Như trường hợp của Zimbabwe: 100 tỷ USD chỉ đổi được ổ bánh mì. Có thể coi càng lạm phát càng “giàu có” nhưng nó hoàn toàn khác với khái niệm “phồn hoa giả tạo”.
Sự phồn hoa giả tạo sinh ra kiểu làm ăn chụp giật? Không thể phủ nhận sự liên quan nhưng có điều “ăn xổi ở thì” như là một đặc tính cố hữu nơi những nền kinh tế chậm phát triển, nơi có những “lỗ hổng” thể chế đủ lớn để sự giả dối có thể chui lọt.
Điển hình của phồn hoa giả tạo thể hiện rất rõ ở Hy Lạp cách đây vài năm, sau khi tổ chức Thế vận hội Athens 2004. Một phần nợ công của Chính phủ để xây dựng các công trình thể thao, phần nguy hiểm còn lại nằm ở nợ của người dân vay tiêu dùng.
Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam có tạo ra phồn hoa giả tạo hay không? Cũng có phần nhỏ nào đó, nhưng quan trọng nhất là người dân vẫn cảm thấy an toàn tài chính, có thể sở hữu bất cứ món hàng nào mình muốn mà không ai kích thích phải vay nợ để chi trả.
Trương Khắc Trà
DĐDN
|