Ngân hàng đang kỳ vọng gì vào Bancassurance?
Không chỉ các chuyên gia, mà ngay cả lãnh đạo nhiều nhà băng cũng nhìn nhận Bancassurance chính là “kho báu” mới của ngân hàng.
Bancassurance là sự kết hợp của hai thuật ngữ "Ngân hàng" và "Bảo hiểm", hiểu một cách đơn giản là ngân hàng bán chéo bảo hiểm. Theo đánh giá của các chuyên gia, Bancassurance được coi là bổ sung căn bản cho phương thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm truyền thống qua kênh đại lý và bán trực tiếp. Các sản phẩm của kênh phân phối này đã và đang phát triển mạnh tại các quốc gia trên thế giới, ở nhiều nơi đã trở thành một trong những kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm chính.
Hoạt động Bancassurance được thực hiện ở cả lĩnh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ nhưng chủ yếu phát triển trong lĩnh vực nhân thọ. Tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm nhân thọ được các chuyên gia trong ngành đánh giá là rất tiềm năng và còn nhiều dư địa tăng trưởng khi chỉ mới có khoảng 0.7% dân số sử dụng bảo hiểm nhân thọ. Điều đáng nói là việc khai thác bảo hiểm qua kênh Bancassurance chỉ mới đạt 6% tổng doanh thu của ngành trong khi trên thế giới tỷ lệ này là 70%.
Theo một bài viết trong Đặc san Toàn cảnh Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2016, đến thời điểm đầu năm 2017, tính chung toàn thị trường, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới từ việc bán bảo hiểm qua ngân hàng chiếm khoảng 10% tổng doanh thu. Tuy nhiên, lãnh đạo không ít công ty bảo hiểm, nhất là các công ty đang khai thác hiệu quả kênh này chia sẻ, kỳ vọng doanh thu phí khai thác mới từ Bancassurance trong thời gian tới đạt 40-50% tổng doanh thu như thị trường một số nước trong khu vực.
Những cái bắt tay ngày càng nhiều
Tại Việt Nam, Bancassurance đang ngày một nở rộ. Ngoài Vietcombank Cardif và Vietinbank - Aviva là hai doanh nghiệp nhân thọ có vốn góp của ngân hàng, một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác như AIA, Prudential, Bảo Việt nhân thọ, Dai-ichi, Generali, Hanwha…cũng bắt đầu thực hiện phân phối bảo hiểm thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều nhà băng.
Những cái “bắt tay” ngày một tăng dần, từ phi độc quyền sang độc quyền toàn bộ trong thời gian dài. Vào những tháng cuối năm 2017, thị trường Bancassurance chứng kiến sự hợp tác giữa Sacombank và Dai-ichi Life với cam kết bảo hiểm độc quyền kéo dài 20 năm. Đây được xem là thỏa thuận dài nhất thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực liên kết kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng. Doanh thu phí bảo hiểm và hoa hồng sau cái bắt tay này dự kiến mang về 3,000 tỷ đồng cho Sacombank, theo ước tính của ông Nguyễn Miên Tuấn - Thành viên HĐQT Ngân hàng.
Kế đến là Techcombank và Manulife Việt Nam với thỏa thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền kéo dài 15 năm được ký vào giữa tháng 9/2017. "Cuộc hôn nhân", theo như cách mà chính người trong cuộc tự gọi về việc hợp tác này, dự kiến sẽ giúp mang về 10,000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm trong 5 năm tới, gấp gần 20 lần mức hiện tại. Được biết, dịch vụ hoa hồng hợp tác bảo hiểm năm 2017 của Techcombank đã đạt mức 513 tỷ đồng.
Đến tháng 10/2017, SHB và Dai-ichi Việt Nam, VPBank và AIA Việt Nam cũng lần lượt ký các thỏa thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền cùng kéo dài trong 15 năm.
Ngân hàng đang kỳ vọng gì?
Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, việc bắt tay giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Các doanh nghiệp bảo hiểm có thể khai thác tập khách hàng, giảm thiểu chi phí mở rộng và duy trì chi nhánh kinh doanh khi tận dụng được hệ thống phân phối dày đặc sẵn có của các ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng có thể tìm kiếm thêm lợi nhuận từ việc triển khai bán chéo sản phẩm, khai thác thêm mảng thị trường dịch vụ tiềm năng, tận dụng những khách hàng tham gia bảo hiểm để khai thác các dịch vụ gửi tiết kiệm, cho vay qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ,…
Trong một báo cáo cập nhật cổ phiếu VPB của CTCK VNDirect (VND) công bố ngày 23/03/2018, công ty này nhận định, Bancassurance sẽ là động lực mới cho tăng trưởng thu nhập ngoài lãi của VPBank với 900 tỷ đồng đã đóng góp trong năm 2017 và dự kiến sẽ góp thêm 1,445 tỷ đồng giai đoạn 2018- 2020. Như đã đề cập phía trên, cách đây gần 7 tháng, VPBank đã ký kết hợp tác độc quyền 15 năm với AIA, qua đó cung cấp một loạt các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Tương tự như VPBank, trong một báo cáo khác công bố ngày 30/03/2018, VNDirect dẫn lại lời Ban lãnh đạo MBB cho rằng phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) thông qua hợp tác độc quyền với MB Life sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng thu nhập phí và đóng góp 10% vào lợi nhuận ngoài lãi trong tương lai.
MB Aegus Life (MBAL), công ty bảo hiểm nhân thọ mới thành lập của MBB đã ghi nhận doanh thu thuần 300 tỷ đồng và doanh thu phí bảo hiểm 250 tỷ đồng trong năm 2017. Đồng thời đặt mục tiêu doanh thu đạt 1,100-1,200 tỷ đồng, lợi nhuận trước trích lập dự phòng khoảng 200 tỷ đồng trong năm 2018.
Trước đó, hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mà nổi trội nhất là về bảo hiểm đã giúp SHB gặt hái “mùa vàng” trong quý 3/2017 khi lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt 528 tỷ đồng. Được biết, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý này của SHB ghi nhận 844 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ và vượt cả thu nhập lãi thuần; thậm chí qua mặt cả các ông lớn quốc doanh như BIDV, Vietcombank, VietinBank. Lũy kế cả năm 2017, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của SHB đạt 1,457 tỷ đồng, gấp 4.3 lần năm 2016.
Có thể thấy, bên cạnh công ty tài chính tiêu dùng, Bancassurance đang tạo nên kỳ vọng mới cho nhiều ngân hàng. Những đóng góp của Bancassuran vào kết quả hoạt động kinh doanh cũng đã được Ban lãnh đạo nhiều nhà băng đề cập tại các ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 thời gian gần đây.
Trước các cổ đông, lãnh đạo VIB chia sẻ, nhờ việc đầu tư vào sản phẩm cùng sự cải tiến về quy trình mà Ngân hàng đã tăng 45% doanh số bán Bancassurance.
Còn LienVietPostBank (LPB), đại diện Ngân hàng cũng cho biết, năm vừa qua, Ngân hàng hợp tác độc quyền với Bảo hiểm Dai-Ichi, phân phối trên kênh bưu điện. Trong năm 2017, thu phí mảng bảo hiểm của Ngân hàng ở mức hạn chế vì liên quan đến việc mở rộng mạng lưới, đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, bảo hiểm là một trong những hoạt động tăng nguồn thu rất tốt cho Ngân hàng. Riêng trong năm 2017, thu phí bảo hiểm đạt 26 tỷ, kỳ vọng năm nay đạt 80 tỷ đồng.
Hay như tại OCB, Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng khẳng định, doanh thu bảo hiểm trên toàn thị trường tăng rất cao, người tiêu dùng ở Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến bảo hiểm và OCB cũng tranh thủ điều đó trên thị trường. Song song với các hoạt động truyền thống, OCB đã bắt đầu bán chéo các sản phẩm bảo hiểm và doanh thu bảo hiểm quý 1 năm nay đã gấp đôi cùng kỳ năm trước. Bảo hiểm là một kênh tạo ra doanh thu cho Ngân hàng, tạo an toàn tài chính cho khách hàng và là một sản phẩm mà OCB rất kỳ vọng.
Mới đây nhất, tại Hội thảo Giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu chiều 12/04, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank (TPB) nhấn mạnh, thu từ hoạt động dịch vụ ngân hàng tăng trưởng tốt. Trong đó, riêng Bancasurance hiện đang thu về 20 tỷ đồng mỗi tháng.
Còn tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 mới đây của Sacombank (STB), đại diện Ngân hàng cho biết, Bancassurance sẽ góp phần gia tăng lợi nhuận và tăng tỷ lệ thu dịch vụ qua các năm kể từ năm 2017. Được biết năm 2017, Sacombank thu từ dịch vụ hoa hồng hợp tác bảo hiểm gần 75 tỷ đồng.
Báo cáo tại Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2018, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Bảo hiểm cho biết, kết thúc năm 2017, tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm đạt 131,990 tỷ đồng, tương đương 2.64% GDP. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 315,158 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2016; đầu tư trở lại nền kinh tế ước 251,639 tỷ đồng, tăng 27%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước 189,793 tỷ đồng, tăng 29.5%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước 30,472 tỷ đồng, tăng 19.1%..
Năm 2018, đại diện Cục Quản lý Bảo hiểm dự kiến mức tăng trưởng đạt 20%. Riêng 3 tháng đầu năm 2018, theo Theo Báo chí tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2018 của Tổng cục thống kê, thị trường bảo hiểm duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý 1/2018 ước tính tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 28%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%.
|
Thu Phong
FILI
|