Họ chọn chủ tịch ngân hàng
Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2018 chủ tịch hội đồng quản trị các tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm, đảm đương các chức vụ lãnh đạo ở những doanh nghiệp khác. Hầu hết các vị chủ tịch của các ngân hàng đã quyết định thôi lãnh đạo ở doanh nghiệp. Họ chọn vị trí đứng đầu ngân hàng.
TPBank là một trong những ngân hàng có lãnh đạo chọn thôi lãnh đạo ở doanh nghiệp để làm ngân hàng. Ảnh: NGUYỄN NAM
|
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng kể trong một cuộc trò chuyện rằng ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), là một doanh nhân say mê với kinh doanh vàng, chế tác nữ trang. Ông gắn bó với nghề này lâu năm và Công ty Vàng bạc Đá quý Doji là tâm huyết cuộc đời ông.
Tuy nhiên để thực hiện đúng quy định của NHNN, ông Phú đã nhường vị trí chủ tịch Doji cho người khác và chọn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank. Không chỉ ông Phú, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch LienVietPostBank, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank... đều từ nhiệm chức vụ ở các doanh nghiệp khác. Thế mới biết chiếc ghế chủ tịch tổ chức tín dụng có sức hấp dẫn đến mức nào.
Giới tài chính đưa ra các lý do giải thích cho hiện tượng trên. Nào là ngân hàng là những doanh nghiệp lớn, vốn chủ sở hữu thấp cũng vài ngàn tỉ đồng, cao thì hàng chục ngàn tỉ đồng, vốn hóa thị trường từ vài trăm triệu đến vài tỉ đô la Mỹ. Có bao nhiêu doanh nghiệp trong nền kinh tế đạt được quy mô vốn liếng như các tổ chức tín dụng?
Thứ hai ngân hàng là ngành nghề đặc thù. Để trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của một ngân hàng, ứng cử viên phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Luật các tổ chức tín dụng khá khắt khe. Rồi phải được NHNN phê duyệt, được đại hội đồng cổ đông bầu vào hội đồng quản trị. Chủ tịch một doanh nghiệp đâu cần phải phức tạp như vậy. Bất kỳ người dân nào, không cần trình độ học vấn cao, không cần kinh nghiệm, có đủ vốn là có quyền thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật và làm chủ tịch công ty đó.
Chức chủ tịch ngân hàng được ngầm hiểu là một đẳng cấp khác so với doanh nghiệp bình thường do hoạt động ngân hàng là dòng máu nuôi nền kinh tế. Thiếu nó, nền kinh tế sẽ kiệt quệ.
|
Do đó chức chủ tịch ngân hàng được ngầm hiểu là một đẳng cấp khác so với doanh nghiệp bình thường. Do đặc thù được phép huy động tiền gửi tín chấp của mọi người trong xã hội nên ngân hàng phải có uy tín và uy tín tốt. Chủ tịch các ngân hàng cũng phải có uy tín tương tự. Chỉ cần ông/bà chủ tịch ngân hàng có vấn đề, là người dân rút tiền về, có thể không chỉ tại một ngân hàng đó, mà lan sang cả một số ngân hàng khác.
Mọi nhận xét của giới tài chính đều không sai. Tựu trung lại vẫn là vai trò sống còn của hệ thống tổ chức tín dụng với nền kinh tế. Hoạt động ngân hàng là dòng máu nuôi cơ thể. Thiếu nó, nền kinh tế sẽ kiệt quệ.
Năm 1995, khi kinh tế Việt Nam đã mở cửa, đổi mới được gần thập kỷ, ông Lê Trọng Nhi, một chuyên gia Việt kiều, vốn nhiều năm làm việc ở ngân hàng nước ngoài, đứng trên tầng cao của một tòa nhà ở trung tâm TPHCM, nhìn ra xung quanh, ông trầm ngâm: “Mai này chúng ta không chỉ nhìn xuống hay nhìn ngang quan sát các tòa nhà, mà phải nhìn lên. Các tòa nhà sẽ cao hơn, ken dày hơn, lừng lững khắp Sài Gòn. Chúng được xây bằng nguồn tiền nào? Tiền ngân hàng đấy”. Ý kiến của ông không chỉ đúng bấy giờ, mà cả hiện nay.
Thử hỏi có tòa nhà cao tầng nào ở Việt Nam được xây nên mà chủ đầu tư không vay vốn ngân hàng? Vay nhiều, vay ít, có vay hết. Ở đây phải mở ngoặc có lẽ chỉ các khách sạn của tập đoàn Mường Thanh là được xây dựng bằng vốn tự có, không vay mượn ngân hàng. Nhiều tổ chức tín dụng chào mời Mường Thanh làm khách hàng lắm, nhưng chưa được. Nhưng đấy là câu chuyện khác, chỉ có thể viết ra vào thời điểm thích hợp.
Nguyên chủ tịch một ngân hàng cổ phần nói: “Điều mà những vị chọn làm chủ tịch ngân hàng không nói ra là không có lĩnh vực kinh doanh nào “sướng” như kinh doanh tiền tệ. Tiền không bao giờ ngủ; 24/24, 7/7 tiền đẻ ra tiền. Bất luận người vay tiền ngân hàng với mục đích gì trong phạm vi pháp luật, họ đều phải trả lãi từng giây từng phút cho đến khi đáo hạn”. Và ông thêm: “Trừ những trường hợp bất khả kháng, còn kinh doanh ngân hàng mà tuân thủ đúng quy định, thì hiếm khi thua lỗ”.
Có những lý do mà chỉ riêng ở Việt Nam mới có. Các ông chủ thực ở các ngân hàng thường có công ty sân sau. Bằng cách này cách khác, các công ty sân sau vay tiền ngân hàng dễ dàng hơn doanh nghiệp bình thường. Ở các nước, khi kinh doanh các ngành nghề khác và có tiền, người ta mới đầu tư ngân hàng. Ở Việt Nam ngược lại. Một bộ phận doanh nhân kinh doanh ngân hàng để có thể vay tiền đầu tư sang các lĩnh vực khác.
Vừa qua, thị trường ghi nhận Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Kiên Long thay chủ tịch hội đồng quản trị. Ông Vũ Văn Tiền, đã thôi chức Chủ tịch ABBank vì ông chọn làm chủ tịch nhiều doanh nghiệp khác. ABBank là tổ chức tín dụng nhỏ, vốn chủ sở hữu đến ngày 31-3-2018 có 6.498 tỉ đồng; dư nợ 44.834 tỉ đồng (theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2018). Ông Võ Quốc Thắng thôi chức Chủ tịch Ngân hàng Kiên Long vì muốn dành thời gian, công sức cho Công ty Đồng Tâm. KienLongBank còn nhỏ hơn cả ABBank và kinh doanh ngân hàng với ông Thắng hình như là nghề tay trái. Ông đồng ý ngồi vào ghế chủ tịch Kiên Long nhiệm kỳ trước có cả lý do khách quan và chủ quan.
Chừng mươi năm trước nhóm nhà đầu tư có liên quan đến bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên thành viên hội đồng quản trị ngân hàng ACB) là những cổ đông chính của Ngân hàng Kiên Long. Năm 2011, bầu Kiên và nhóm nhà đầu tư đã chuyển nhượng cổ phần sở hữu ở Kiên Long cho nhóm cổ đông khác với giá không hề thấp so với mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng thời ấy. Nhóm cổ đông mới nắm giữ cổ phần Kiên Long đến cuối năm 2016 đầu năm 2017 thì rút ra, thay vào đó là nhóm nhà đầu tư (tạm gọi lần ba) liên quan đến một doanh nhân tên tuổi và giàu có ở TPHCM. Hiện cổ phiếu Ngân hàng Kiên Long được đăng ký giao dịch trên sàn UpCom và thị giá xoay quanh mệnh giá.
Hải Lý
tbktvn
|