Hàng loạt ‘ông trùm’ công nghệ Trung Quốc chuẩn bị lên sàn
Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đang chuẩn bị cho một năm bùng nổ trên sàn chứng khoán.
Hãng sản xuất điện thoại Xiaomi vừa nộp đơn niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành đợt IPO lớn nhất thế giới kể từ năm 2014. Dù không công khai mục tiêu, Xiaomi dự kiến huy động được ít nhất 10 tỷ USD và định giá có thể lên đến 100 tỷ USD.
Xiaomi dự kiến huy động được ít nhất 10 tỷ USD và định giá có thể lên đến 100 tỷ USD trong đợt IPO lịch sử này.
|
Ngoài Xiaomi, nhiều công ty công nghệ khác cũng đang rậm rịch ra mắt thị trường chứng khoán trong năm nay. Các công ty này bao gồm Ant Financial, Didi Chuxing - công ty thanh toán di động hàng đầu Trung Quốc và hãng cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Tencent.
“Các công ty công nghệ Trung Quốc đang cố gắng xây dựng doanh nghiệp của mình trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư ", Hans Tung - đối tác quản lý công ty đầu tư mạo hiểm GGV Capital, nhà đầu tư của Didi và Xiaomi, cho biết.
Các doanh nghiệp công nghệ IPO tại thời điểm này có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Năm 2018 được dự đoán là một năm biến động đối với cổ phiếu công nghệ nhưng điều này không đồng nghĩa với việc nó không có tiềm năng.
“Mạng lưới các công ty công nghệ đang thúc đẩy tăng trưởng ở Trung Quốc”, ông Tung cho biết. Giá trị thị trường khổng lồ của Tencent và Alibaba đang làm lu mờ giá trị của những ngành lớn trên sàn như ngân hàng và năng lượng – điều mà không ai tin rằng sẽ xảy ra từ 5 - 10 năm trước đây.
Dưới đây là một số công ty công nghệ hàng đầu dự kiến sẽ nối gót Xiaomi lên sàn.
Didi Chuxing
Didi nổi tiếng với chiến tích “đá” Uber ra khỏi Trung Quốc vào năm 2016 sau trận chiến giành thị phần tiêu tốn hàng tỷ USD.
Kể từ đó, các nhà đầu tư không tiếc tay rót vốn cho công ty công nghệ này. Chiến dịch gọi vốn mới nhất của Didi vào tháng 12/2017 có trị giá tới 56 tỷ USD.
Didi Chuxing - ứng dụng đặt xa số một tại Trung Quốc dự kiến sẽ lên sàn đầu năm 2019
|
Hiện nay, công ty đang mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế. Đầu năm 2018, Didi đã cùng lúc mua lại Uber ở Brazil vào tung ra gói dịch vụ của riêng mình tại Mexico.
Didi dự định IPO vào cuối năm nay và chính thức lên sàn vào đầu năm 2019.
Ant Financial
Ant Financial có thể là công ty thứ 2 trị giá hàng chục tỷ USD mà ông trùm công nghệ Jack Ma muốn đưa lên sàn.
Ant Fanancial đang chuẩn bị đón hàng tỷ USD đầu tư để tạo đà lên sàn nhằm thu về khoảng 150 tỷ USD trong năm nay. Theo CNN, đợt IPO này dự kiến sẽ thu về khoảng 8-10 tỷ USD từ mỗi nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, đại diện của Ant chưa có bình luận gì về thông tin này.
Ant Financial hiện là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực thanh toán điện tử của Trung Quốc.
|
Ant Financial hiện là một tên tuổi lớn tại thị trường Trung Quốc về lĩnh vực thanh toán điện tử. Ngoài ra, Ant còn cung cấp một hệ thống tính điểm tín dụng thử nghiệm được xây dựng từ các dữ liệu người dùng và một sản phẩm cho phép người dùng đầu tư từ tài khoản Alipay vào thị trường tiền tệ.
Meituan-Dianping
Meituan-Dianping được mệnh danh là "Amazon của dịch vụ" tại Trung Quốc. Công ty bắt đầu từ một ứng dụng khá đơn giản, cho phép người dùng nhận được nhận phiếu giảm giá cho các nhà hàng, khách sạn.
Meituan-Diaping được mệnh danh là "Amazon của dịch vụ" Trung Quốc với nhiều ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh.
|
Hiện nay, Meituan-Dianping đã mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ. Thông qua các ứng dụng của Meituan-Dianping, người dùng có thể giao nhận đồ ăn, đặt bữa trưa hoặc thậm chí là mua vé máy bay.
Vòng gọi vốn gần nhất của Meituan-Dianping có giá trị lên tới 30 tỷ USD, đưa doanh nghiệp công nghệ này xếp ngang hàng với Airbnb. Meituan-Dianping đang lên kế hoạch cho một đợt IPO vào cuối năm nay. Phát ngôn viên của công ty đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Tencent Music
Mười năm trước, khái niệm trả tiền để nghe nhạc gần như không tồn tại ở Trung Quốc. Thế nhưng, sự bùng nổ của điện thoại thông minh và các ứng dụng trực tuyến dần dần đã thôi thúc hàng triệu người dùng đăng ký và trả tiền cho dịch vụ này.
Ở Trung Quốc hiện nay, Tencent Music gần như thống trị thị trường âm nhạc trực tuyến thông qua nền tảng QQ Music, KuGou và Kuwo. Các dịch vụ này hiện có khoảng 600 triệu người dùng, dù chỉ có khoảng 15 triệu người trong số họ trả tiền cho việc sử dụng.
Trang âm nhạc trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Tencent Music dự kiến sẽ IPO trong năm nay.
|
Tencent Music được cho là sẽ lên sàn New York trong năm nay. Tencent Music hiện trị giá khoảng 10 tỷ Euro (12 tỷ USD) nhưng công ty kỳ vọng sẽ được định giá gấp đôi so với hiện tại.
Giang Hạ
ZING.VN
|