Thứ Hai, 28/05/2018 08:58

Giá dầu rớt 3%, tiếp nối đà sụt giảm 5% trong tuần trước

Giá dầu rớt mạnh trong ngày thứ Hai (28/05) trước các dấu hiệu cho thấy sản lượng từ 3 nhà sản xuất dầu hàng đầu – Nga, Mỹ và Ả-rập Xê-út – sẽ tăng lên để xoa dịu nỗi lo về nguồn cung khi nhu cầu dầu vọt mạnh.

Tính tới lúc 9h ngày thứ Hai (28/05 – giờ Việt Nam), hợp đồng dầu WTI tương lai giảm 2.04 USD (tương ứng 3.01%) xuống 65.84 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu Brent tương lai lùi 1.87 USD (tương ứng 2.45%) xuống 74.57 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu WTI lao dốc 4.9%, giá dầu Brent sụt 2.6%.

Tính tới nay, giá dầu WTI và Brent đều lần lượt rớt 7.5% và 5.5% so với mức đỉnh xác lập vào đầu tháng 5/2018.

Diễn biến trên thị trường năng lượng lúc 9h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài – dẫn đầu là Nga – đã bắt đầu kìm hãm nguồn cung từ đầu năm 2017 nhằm xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu. Được biết, trong năm 2016, giá dầu đã rớt xuống dưới 30 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ, vì nỗi ám ảnh về thị trường dầu.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung có khả năng xảy ra, Ả-rập Xê-út – nhà xuất khẩu dầu hàng đầu và là quốc gia đứng đầu OPEC – cùng với Nga cho biết trong ngày thứ Sáu (25/05) rằng họ đang bàn luận về phương án nâng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày.

“Giá dầu lao dốc không phanh… sau khi xuất hiện các thông tin Ả-rập Xê-út và Nga nhất trí gia tăng sản lượng trong 6 tháng cuối năm 2018 nhằm bù đắp cho sự mất mát ở những nơi khác cũng tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng”, ngân hàng ANZ cho biết trong ngày 28/05.

Trong khi đó, đà tăng sản lượng của Mỹ cũng cho thấy dấu hiệu các nhà khai thác dầu nước này tiếp tục mở rộng tìm kiếm các mỏ dầu mới để khai thác.

Các công ty năng lượng Mỹ vừa thêm 15 giàn khoan để tìm kiếm nguồn dầu mới trong tuần kết thúc ngày 25/05, qua đó nâng tổng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ lên 859 giàn, mức cao nhất kể từ năm 2015. Đây là một dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu tại Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng.

Sản lượng dầu thô của Mỹ vốn đã vọt 27% (trong 2 năm vừa qua) lên 10.73 triệu thùng/ngày, tiến gần hơn tới mức sản lượng của Nga (ở gần mức 11 triệu thùng/ngày).

Mới đây, hãng tin Bloomberg ghi nhận rằng OPEC và các nhà sản xuất đồng minh – bao gồm cả Nga – đã kết luận thị trường dầu đã tái cân bằng trong tháng 4/2018, thời điểm họ đạt được một mục tiêu quan trọng: Xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu.

Tình trạng dư cung dầu – vốn đã ám ảnh thị trường dầu trong 3 năm qua – đã giảm mạnh trong tháng 4/2018 xuống thấp hơn mức dự trữ trung bình 5 năm của các quốc gia phát triển, dựa trên nguồn thông tin từ những người biết về nguồn dữ liệu để đánh giá tại cuộc họp Ủy ban Kỹ thuật Chung (JTC) của OPEC và các nhà sản xuất khác trong tuần trước ở Jeddah (Ả-rập Xê-út).

Tái cân bằng thị trường dầu chắc chắn là trọng tâm của cuộc họp đầy căng thẳng giữa OPEC và những đối tác về thỏa thuận cắt giảm sản lượng ở Vienna vào tháng tới. Tuần trước, các nhà sản xuất hàng đầu, Ả-rập Xê-út và Nga, đã thông báo rằng các nhà cung ứng dầu có thể gia tăng sản lượng trong nửa cuối của năm 2018. Vấn đề ở đây là các quan chức từ nhiều quốc gia thành viên của thỏa thuận – cả bên trong OPEC và bên ngoài – cho biết họ phản đối đề xuất gia tăng sản lượng và nhận thấy những khó khăn trong việc đưa ra tiếng nói chung.

Ủy ban Kỹ thuật Chung của OPEC xác định rằng dự trữ dầu của các quốc gia phát triển đã rớt xuống mức 20 triệu thùng/ngày, dưới mức trung bình 5 năm, và giảm tổng cộng 360 triệu thùng kể từ đầu năm 2017, dựa trên nguồn tin thân cận. Đà suy giảm dự trữ dầu là do các nhà sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng (đôi khi vượt mức 100%) – mức độ tuân thủ là 152% trong tháng 4/2018 – và nhu cầu dầu và các sản phẩm chưng cất tăng mạnh trong mùa hè, nguồn tin này cho biết.

Các thành viên của OPEC và đồng minh chuẩn bị họp mặt vào cuối tháng 6/2018 để tìm kiếm các phương pháp đo lường thành công của thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Cho tới nay, các nhà sản xuất đã phụ thuộc vào việc đo lường dự trữ của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bằng cách xem xét mức trung bình động 5 năm.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   OPEC và đồng minh đã đạt mục tiêu xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu trong tháng 4 (28/05/2018)

>   Chỉ cần 1 dòng tweet, ông Trump khiến Ả-rập Xê-út thay đổi quan điểm chính sách (26/05/2018)

>   Sụt gần 5%, dầu đánh dấu tuần sụt giảm đầu tiên trong 1 tháng (26/05/2018)

>   Nga và Ả-rập Xê-út tính nâng sản lượng, giá dầu liền rớt hơn 3% (25/05/2018)

>   Ả-rập Xê-út: OPEC và Nga có thể bơm dầu nhiều hơn trong tương lai gần (25/05/2018)

>   Dầu giảm liền 3 phiên xuống đáy gần 2 tuần (25/05/2018)

>   Kiến nghị bỏ xăng RON95 gây nghi ngờ trong dư luận (24/05/2018)

>   Dầu suy yếu khi nguồn cung dầu thô tại Mỹ bất ngờ tăng mạnh (24/05/2018)

>   15h, xăng dầu đồng loạt tăng giá từ 500-700 đồng một lít (23/05/2018)

>   Dầu diễn biến trái chiều chờ dữ liệu về nguồn cung (23/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật