Chỉ cần 1 dòng tweet, Donald Trump khiến Ả-rập Xê-út thay đổi quan điểm chính sách
Quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất trên thế giới, Ả-rập Xê-út, vừa điều chỉnh về xu hướng chính sách. Chỉ trong vòng 6 tuần, Ả-rập Xê-út đã chuyển từ quốc gia ủng hộ giá dầu cao hơn sang cố gắng ngừng đà tăng của giá dầu tại mức 80 USD/thùng.
* Ả-rập Xê-út: OPEC và Nga có thể bơm dầu nhiều hơn trong tương lai gần
Sự thay đổi 180 độ này đã làm chao đảo triển vọng của thị trường dầu trong tương lai, khiến giá cổ phiếu của các nhà sản xuất dầu lớn và nhà khai thác dầu đá phiến tụt mạnh, và cũng dẫn tới những tranh luận ngoại giao với các thành viên khác thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Vậy điều gì đã thay đổi? Mối đe dọa lên nguồn cung có thể xuất phát từ việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên hoạt động xuất khẩu dầu của Iran hồi đầu tháng này và sự tụt dốc không phanh của ngành dầu Venezuela – vốn đang chìm trong khủng hoảng, nhưng quan trọng nhất vẫn là áp lực từ phía Donald Trump. Trong ngày 20/04, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết lên Twitter, chỉ trích OPEC vì đã để giá dầu cao giả tạo.
“Có vẻ như OPEC lại nhắm đến nó một lần nữa”, ông viết. “Với mức sản lượng dầu cao kỷ lục ở khắp nơi, bao gồm những chiếc thuyền chở đầy dầu ở ngoài khơi, giá dầu đang ở mức rất cao một cách giả tạo! Không tốt và sẽ không được chấp nhận!”.
* Ông Trump quay sang chỉ trích OPEC vì giữ giá dầu ở mức quá cao
Dòng tweet của Donald Trump trong ngày 20/04
|
Sự can thiệp của ông Trump đã góp phần vào một mối lo ngại đang hiện hữu ở Mỹ và một quốc gia tiêu thụ dầu khác: Giá dầu tăng vọt từ mức dưới 30 USD/thùng (đầu năm 2016) lên hơn 80 USD/thùng trong năm nay, có nguy cơ trở thành mối đe dọa tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hôm thứ Sáu (25/05), Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid Al-Falih, lên tiếng cho biết quốc gia của ông cũng có chung nỗi lo lắng với các khách hàng. Sau đó, ông tuyên bố một sự thay đổi về chính sách: OPEC và các đồng minh có khả năng gia tăng sản lượng trong nửa cuối năm 2018. Đây cũng là lý do khiến thị trường dầu sụt thảm đến thế, giá dầu WTI rớt hơn 4% và giá dầu Brent lao dốc hơn 3%.
* Sụt gần 5%, dầu đánh dấu tuần sụt giảm đầu tiên trong 1 tháng
“Dòng tweet của ông Trump đã làm lay chuyển quan điểm của Ả-rập Xê-út”, Bob McNally, nhà sáng lập của công ty tư vấn Rapidan Energy Group LLC ở Washington và từng là quan chức ngành dầu ở Nhà Trắng, cho hay. “Thông điệp trên được truyền tải to và rõ ràng tới Ả-rập Xê-út”.
Những nhận định của ông Al-Falih – được đưa ra sau cuộc họp với Bộ trưởng Năng lượng Nga ở St. Petersburg – đã đẩy giá dầu WTI rớt hơn 3 USD và rớt mốc 67 USD/thùng trong ngày thứ Sáu (25/05). Quan điểm lạc quan về giá dầu trong thời gian gần đây – được thể hiện rõ qua các nhận định giá dầu có thể vượt mốc 100 USD/thùng, 150 USD/thùng và thậm chí là 300 USD/thùng – bỗng chốc trở nên quá trớn.
Không phải riêng gì Mỹ, các quốc gia mua dầu của Ả-rập Xê-út cũng gây áp lực lên Riyadh để thay đổi xu hướng giá dầu. Ông Dharmendra Pradhan, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ, cho biết ông đã gọi Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út và bày tỏ nỗi lo về đà tăng của giá dầu.
Các quan chức OPEC đã tổ chức họp mặt tại khách sạn sang trọng Ritz-Carlton ở Jeddah trên bờ Biển Đỏ của Ả-rập Xê-út vào thời điểm ông Trump đưa ra quan điểm của mình trên Twitter và họ lập tức nhìn nhận đây là một sự can thiệp rất có sức ảnh hưởng.
“Chúng tôi đang họp ở Jeddah thì đọc được dòng tweet ấy”, Tổng Thư ký OPEC, Mohammad Barkindo, cho biết trong ngày thứ Sáu (25/05). “Tôi nghĩ tôi đã được ông Khalid Al-Falih thúc giục rằng có lẽ chúng tôi cần phải đáp lại dòng tweet đó”, ông nói. “Chúng tôi (OPEC) luôn luôn tự hào là bạn của nước Mỹ”.
Những nhà ngoại giao và các quan chức dầu mỏ ở các quốc gia OPEC cũng thể hiện lo ngại về sự hồi sinh của dự luật NOPEC (No Oil Producing and Exporting Cartels Act) ở Washington, trong đó đề xuất OPEC tuân theo luật chống độc quyền để phá vỡ đế chế dầu mỏ của John Rockefeller, người được mệnh danh là ông vua dầu mỏ.
Dự luật trên lần đầu nổi lên trong năm 2007, thời điểm ông George W. Bush còn là Tổng thống Mỹ và giá dầu dao động gần mức 100 USD/thùng và trở lại vài năm sau đó dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama. Mặc dù dự luật NOPEC bị những vị Tổng thống này phản đối, nhưng rủi ro của OPEC là ông Trump có thể làm khác với những người tiền nhiệm và ủng hộ thông qua dự luật này, McNally cho hay.
Ngoài ra, còn có dấu hiệu cho thấy Nga – quốc gia tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùng với OPEC – đã quyết định rằng đà tăng đã đi đủ xa.
“Chúng tôi không hứng thú với đà tăng không ngơi nghỉ của giá năng lượng và dầu”, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, nói với các phóng viên ở St. Petersburg trong ngày thứ Sáu (25/05). “Tôi sẽ cho là chúng tôi hoàn toàn hạnh phúc với mức giá dầu 60 USD/thùng. Những mức giá trên mức này có thể tạo ra những vấn đề nhất định cho các khách hàng, và cũng chẳng tốt cho nhà sản xuất”.
OPEC và các đồng minh sẽ họp mặt tại Vienna để xem xét lại chính sách vào ngày 22/06/2018. Mặc dù ông Al-Falih và Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, báo hiệu rằng sản lượng nhiều khả năng sẽ gia tăng, nhưng tăng bao nhiêu và từ quốc gia nào vẫn còn là dấu hỏi lớn.
“Trong môi trương dự trữ dầu thấp và tình trạng gián đoạn địa chính trị gia tăng, việc nâng nguồn cung dầu là bước đi khôn ngoan”, Amrita Sen, Chuyên gia phân tích dầu tại Energy Aspects Ltd., cho hay.
Các nhà sản xuất dầu đang thảo luận về việc tăng sản lượng từ mức thấp nhất là 300,000 thùng/ngày (được ủng hộ bởi các nhà sản xuất ở vùng Vịnh, bao gồm cả Ả-rập Xê-út) và một mức tăng lớn hơn là 800,000 thùng/ngày (được Nga ủng hộ), dựa trên nguồn thông tin thân cận.
Ông Novak cho hay: “Còn quá sớm để nói về những con số cụ thể, chúng tôi cần phải tính toán kỹ lưỡng”.
Mặc dù những nhận định của ông Al-Falih đã gây ra phản ứng giá tức thì, nhưng vẫn còn lý do để lạc quan khi các chuyên viên giao dịch xem xét các tác động từ việc Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Iran và tình trạng căng thẳng chính trị ở vùng Trung Đông.
Và khi nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh, các quỹ đầu cơ sẽ chuyển sự chú ý sang việc công suất dư thừa sẽ được giảm bớt, vì OPEC sẽ cung ứng nhiều dầu hơn tới thị trường. Chính phủ Mỹ ước tính mức công suất dư thừa chỉ là 1.34 triệu thùng/ngày vào năm tới, thấp hơn mức 1.4 triệu thùng trong năm 2008 – thời điểm giá dầu vọt lên gần 150 USD/thùng.
Trong một lá thư gửi tới nhà đầu tư vào đầu tháng này, Pierre Andurand, Chuyên gia quản lý quỹ đầu cơ dầu lạc quan, lên tiếng cảnh báo rằng nếu Ả-rập Xê-út cần bù đắp lượng dầu sụt giảm từ Iran và Venezuela, thì công suất dư thừa sẽ giảm xuống mức nguy hiểm.
“Giá dầu có khả năng tăng lên mức kỷ lục và sau đó sẽ làm giảm nhu cầu dầu rất nhanh chóng”, ông nói.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|