'Đánh thuế tài sản bất minh nhưng không loại trừ trách nhiệm hình sự'
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng đề xuất đánh thuế 45% với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực không có nghĩa là hợp pháp hóa số còn lại.
Sáng 31/5, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi trước Quốc hội.
Ông Khái cho biết sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ đề xuất 2 phương án xử lý với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai và tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý.
Đánh thuế 45% không có nghĩa hợp pháp hóa 55% tài sản bất minh
Theo phương án một, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng (Điều 123 của dự thảo luật).
Phương án 2 thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Đối với cả 2 phương án, dự thảo luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh:Quân Minh.
|
Ông Lê Minh Khái thông tin Chính phủ lựa chọn phương án một. Theo ông, phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta. Việc này thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai cũng như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, luật coi như đã có một khoản thu nhập được tích lũy trong quá khứ nhưng chưa kê khai của người có nghĩa vụ kê khai, vợ, chồng, con chưa thành niên của họ và do vậy, sẽ phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật.
"Việc đánh thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản. Điều này có thể tránh được cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền", Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Tài sản, thu nhập không hợp pháp phải xử lý
Trình bày báo cáo thẩm tra ngay sau đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có) thì tùy từng trường hợp, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể để xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu hoặc tịch thu sung công…
Riêng,tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được về nguồn gốc thì đến nay, pháp luật vẫn chưa có quy định để xử lý. Trong đó, không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng người có nghĩa vụ kê khai cũng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp và Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.
Từ đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng dự thảo luật đã bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết. Về phương án xử lý cụ thể, Chủ nhiệm Nga cho hay có hai luồng ý kiến chính.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Quân Minh.
|
Nhiều ý kiến tán thành với phương án một của dự thảo luật vì đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc. Nhưng, Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp thì trước mắt, có thể coi đây là các khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai chưa nộp thuế và buộc họ phải nộp thuế là phù hợp.
"Phương án này không mâu thuẫn với các quy định hiện hành của pháp luật hình sự, dân sự và hạn chế ít nhất việc phải sửa đổi các luật có liên quan. Về mức thuế, nhiều ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành mức thuế suất 45% với những lý do như giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân", bà Lê Thị Nga nói.
Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành với phương án 2 vì mối quan hệ giữa Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập là mối quan hệ hành chính. Cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.
Vì vậy, tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì Nhà nước sẽ xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không minh bạch.
Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực, chưa quy định về thẩm quyền xử phạt và mức phạt. Do đó, phương án này được áp dụng thì cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung xử phạt hành chính trong lĩnh vực Phòng chống tham nhũng, đồng thời sửa đổi về thẩm quyền, mức phạt. Về mức phạt, Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc cho phù hợp.
Chiều 31/5, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội thảo luận ở tổ. Đến ngày 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường và được phát trực tiếp.
Thắng Quang
ZING.VN
|