Chính sách thuế mới có tạo nguồn thu chất lượng?
Nguồn thu thuế “chất lượng” phải từ chính các doanh nghiệp và người dân tự nguyện nộp trong một nền kinh tế tăng trưởng thật chứ không phải tăng từ một chính sách thuế mới.
TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, thuế hiện chiếm 80% tổng thu ngân sách nhà nước, còn lại là phí và các khoản thu khác ngoài thuế phí.
- Như vậy, có thể nói, tỉ trọng thu ngân sách hiện đang phụ thuộc vào nguồn thu không ổn định, thưa ông?
Tỉ trọng thu ngân sách từ các khoản không phải từ thuế đang tăng lên, ví dụ như các nguồn thu ngoài thuế từ đất đai, thu từ DNNN, hay lệ phí, phí... Như vậy, việc ngân sách ngày càng phụ thuộc vào những nguồn thu không ổn định có thể tạo ra những biến cố và những bất ổn định trong giao tiếp giữa nhà nước và người dân.
Phải hiểu rằng, việc bán tài sản này khiến Nhà nước phải buông những tài sản tốt, nhiều đặc quyền đặc lợi. Ở đây sẽ có hai khía cạnh, thứ nhất theo hướng tích cực, nếu những tài sản này được tư nhân mua lại định giá đúng và thuộc về những nhà đầu tư có nguồn lực tốt, theo hướng cổ phần hoá hay chuyển dịch đất đai thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tiêu cực, trong quá trình dịch chuyển những tài sản khổng lồ này mà thiếu minh bạch, có thể gây thất thoát tài sản nhà nước đã tích luỹ, thiệt hại cho ngân sách.
- Một trong những nguyên nhân của Báo cáo công bằng thuế 2017 của VEPR đưa ra cho việc luỹ tiến thu thuế chưa cao là do ưu đãi. Nhưng việc ưu đãi vượt khung vẫn đang tồn tại mà câu chuyện của đặc khu là minh chứng, thưa ông?
Thống kê của Bộ Tài chính vào năm 2016 cho thấy số thất thu thuế do các ưu đãi thuế là 64.000 tỷ đồng. Con số này tương đương với 5,8% tổng thu ngân sách.
Với câu chuyện ưu đãi thuế ở các đặc khu, tôi cho rằng nếu vẫn quan niệm xây dựng các đặc khu, thu hút thông qua miễn giảm thuế là một sai lầm. Vì hiện nay các địa phương đều có những “đặc khu” bằng cách tạo ra những khu vực được hưởng ưu đãi, bản chất là hi sinh quyền lợi cho các nhà đầu tư gồm cả trong nước và nước ngoài. Mô hình đặc khu phải thoát ra khỏi được sự hi sinh đó, tức là tìm phương án khác để có những đối tác, nhà đầu tư dài hạn. Câu trả lời là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tạo cho nhà đầu tư môi trường... còn vấn đề thuế, ưu đãi không phải, không nên là nguyên nhân thu hút cốt lõi.
"Khi ai cũng say sưa làm việc, họ giàu có hơn, làm GDP đất nước cao hơn và Nhà nước thu được nhiều thuế hơn. Nguồn thu phải tăng từ đó chứ không phải tăng từ một sắc thuế mới".
|
Điều này hàm ý rằng các đặc khu phải có hệ thống thể chế, hành chính riêng và có hệ thống tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp. Thậm chí, tại đặc khu đó có thể có mức thuế ngang bằng bên ngoài để đảm bảo công bằng thuế, để sự dịch chuyển nguồn lực vào đặc khu là thuần tuý mang tính ưu việt, không cần sự ưu đãi về tài chính, như vậy mới tạo sự công bằng, đồng thời chọn lọc nhà đầu tư đủ tiềm lực.
Nếu chỉ vì thuế mà khiến nhà đầu tư đổ xô vào đó thì sẽ khiến mất nguồn lực nội địa và mất cả nguồn thu thuế khu vực đó. Do đó, cần rà soát lại chính sách miễn giảm thuế với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI và công bố công khai cho người dân biết trên cơ sở đó nên tính toán được phần thuế bị mất đi do miễn giảm thuế.Đặc biệt, chủ trương chuyển các khoản thu ngân sách ngoài thuế vào thuế là đúng.
- Nhưng tăng thuế luôn gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ người dân, thưa ông?
Có 2 “đường ra” cho nền tài khóa của kinh tế Việt Nam gồm: "chi hiệu quả" và "thu chất lượng".
Một là cần giảm con số chi, qua đó bớt đi sức ép bên phía thu. Cái đó liên quan đến hiệu quả của Nhà nước, của Chính phủ đạt được trong các khoản chi tiêu.
Nhà nước cần xem hiện đang “nuôi” từng ấy con người như vậy thì hiệu quả thế nào? Có cần tinh giảm nữa không?
Điểm thứ hai, Nhà nước cần tạo ra một nguồn thu "chất lượng thật" - nguồn thu thuế từ chính các doanh nghiệp và người dân tự nguyện nộp trong một nền kinh tế tăng trưởng thật.
Đó là khi ai cũng say sưa làm việc, họ giàu có hơn, làm cho GDP đất nước cao hơn và từ đó, Nhà nước có được nguồn thu thuế lớn hơn. Nguồn thu phải tăng từ đó chứ không phải tăng từ một chính sách thuế mới. Đây chính là điều quan trọng nhất cho nền kinh tế, trong một bối cảnh mà các nguồn tài nguyên đã dần khó khăn. Nếu không làm được những điều trên thì sẽ tạo ra một vòng xoáy, không phải chuyện thuế 8.000 đồng/lít mà rất có thể, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất e ngại, giảm đầu tư. Doanh nghiệp trong nước cũng sẽ e ngại thu nhập của họ giảm.
Việc đánh thuế mới chỉ là một hoạt động rất ngắn hạn, rất bị động. Chúng ta cần có những cải cách theo 2 đường mà tôi nói đến: một là giảm chi tiêu, hai là tăng nguồn thu một cách bền vững, tạo ra một nền kinh tế lành mạnh.
- Xin cảm ơn ông!
Thy Hằng
DĐDN
|