Thứ Sáu, 11/05/2018 11:29

'Đằng sau' căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch trong vụ xét xử bà Hứa Thị Phấn

Đây là một trong 26 bất động sản mà bà Hứa Thị Phấn đã dùng các công ty do mình thành lập và cá nhân có quan hệ họ hàng hoặc nhân viên dưới quyền đứng tên mua. Sau đó, bị cáo dùng thủ đoạn mua đi bán lại các bất động sản trong nhóm để nâng khống giá trị bất động sản và bán cho Ngân hàng Đại Tín với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường nhằm chiếm đoạt và “rút ruột” Ngân hàng.

*Trước Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn đã từng “kinh” qua 5 ngân hàng

*Triệu tập đại diện NHNN đến phiên tòa xét xử bà Hứa Thị Phấn

Theo lời khai của các bị cáo trước tòa, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch hiện đang được cho thuê, tọa lạc tại địa chỉ này là nhà hàng Thiên Vương Tửu. Ảnh: Thu Phong (chụp ngày 11/05/2018)

Lời ngàn tỷ từ “thổi giá” căn nhà

Theo cáo trạng, thông qua các công ty của mình cũng như mối quan hệ họ hàng hoặc nhân viên dưới quyền đứng tên mua 26 bất động sản, bà Hứa Thị Phấn dùng thủ đoạn mua đi bán lại các bất động sản trong nhóm để nâng khống giá trị. Sau đó dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín mua lại các bất động sản trên với giá cao gấp 2 đến 8 lần so với giá trị trường.

Trong các bất động sản trên, riêng việc “thổi giá” căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM) đã giúp bà Phấn chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của Ngân hàng.

Cụ thể, ngày 24/01/2008, bà Phấn mua căn nhà trên với giá 21,762.3 lượng vàng SJC (tương đương 371 tỷ đồng). Đến ngày 14/10/2008, bà Phấn bán lại căn nhà này cho CTCP Địa ốc Lam Giang (Công ty con do bà Phấn lập ra) với giá 25,000 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 425 tỷ đồng). Ngày 07/02/2012, bà Phấn mua lại căn nhà này với giá 450 tỷ đồng. Sau đó gần một tuần, căn nhà được bán lại cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1,260 tỷ đồng (gấp 8 lần giá thị trường).

Đáng chú ý, việc thẩm định giá căn nhà lên tới 1,260 tỷ đồng lại được thực hiện bởi một công ty “không được phép” và một người thẩm định “không được phép”. Tổ chức định giá bất động sản này là Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Đại Tín (Trust Asset). Nhưng Trust Asset chỉ có chức năng định giá bất động sản mà không có chức năng thẩm định giá. Bản thân Giám đốc Công ty là ông Nguyễn Công Tụ cũng khẳng định trước tòa ông không phân biệt được và bị nhầm lầm giữa chức năng định giá và thẩm định giá.

Rõ ràng, chưa nói đến chuyện Trust Asset không có chức năng thẩm định giá, việc Đại Tín  giao công ty con của mình đi thẩm định giá tài sản mà Ngân hàng mua là khó khách quan, theo lời nguyên Chủ tịch HĐQT Đại Tín - ông Hoàng Văn Toàn.

Cá nhân được giao định giá căn nhà trên là ông Bùi Thế Nghiệp - nguyên định giá viên Công ty Trust Asset. Tuy nhiên, đứng trước tòa, ông này cho biết chỉ làm theo chỉ đạo của ông Nguyễn Công Tụ. Ông Bùi Thế Nghiệp chỉ học trong khoảng 1.5 tháng để có chứng chỉ định giá bất động sản, chứ không được đào tạo và không có chuyên môn về thẩm định giá.

Theo lời khai của ông Nghiệp, tất cả những chứng thư thẩm định trước đây ông đã định giá bằng phương pháp so sánh. Tuy nhiên, vì không tìm được đối tượng so sánh và thời gian gấp rút, trường hợp này ông lại định giá bằng phương pháp thặng dư mà không hiểu gì về điều kiện áp dụng phương pháp này.

Với sự giúp sức của các “trợ thủ” là Ban lãnh đạo, Ban điều hành Đại Tín, bà Phấn dễ dàng nâng khống giá trị căn nhà và bán với giá cao cho Ngân hàng để lấy tiền sử dụng. Trong số này, có người thực hiện theo chỉ đạo của bà Phấn, có người thấy người khác ký thì ký theo mặc dù không xem xét kỹ chứng thư thẩm định. Trước HĐXX, nguyên Chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Toàn và nguyên Tổng giám đốc Trần Sơn Nam của Ngân hàng Đại Tín đều cho biết không hề có chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định giá.

Theo kết quả giám định giá trị thì căn nhà này tại thời điểm tháng 02/2012 chỉ có giá 155 tỷ đồng, hành vi nâng khống giá trên đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 1,100 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện mua đi bán lại nhằm thu lời, nhưng thực chất căn nhà vẫn toàn quyền chi phối bởi bà Hứa Thị Phấn. Luật sư hỏi bị cáo Hoàng Văn Toàn “liệu rằng khoản lời từ việc mua bán, nâng khống giá trị có phải dùng để tăng vốn điều lệ cho Đại Tín không?”, nhưng ông Toàn cho biết ngoài mục đích mua căn nhà để làm trụ sở của Ngân hàng, ông không biết thêm mục đích nào khác.

Lời thêm trăm tỷ nhờ trốn thuế

Lẽ ra người bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1,260 tỷ đồng cho Ngân hàng Đại Tín là Công ty Lam Giang. Nhưng để tránh chịu thuế 25%, bà Phấn đã hủy hợp đồng mua bán giữa mình và Công ty Lam Giang. Sau đó, chính bà bán lại cho Ngân hàng để chỉ phải chịu mức thuế thu nhập cá nhân 2%.

Đại diện Chi cục thuế quận 3 tại tòa cho biết, cục thuế đã thu thuế đúng quy định và áp dụng mức thuế suất thu nhập cá nhân 2% (tương đương khoảng 25 tỷ đồng) thay vì 25% (200 tỷ đồng) vì không có đủ chứng từ, giấy tờ để tính thuế theo mức thuế suất này.

Với khoản chênh lệch thuế phải nộp hơn 170 tỷ đồng liên quan đến căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu phạm tội “trốn thuế”. Tuy nhiên, trong phiên tòa lần này, HĐXX không xem xét đến hành vi “trốn thuế” của bà Phấn mà chỉ truy tố về hai tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   FE Credit trả lời quanh co (11/05/2018)

>   Choáng với 'rừng phí' dịch vụ ngân hàng (11/05/2018)

>   SeABank có nữ Tổng Giám đốc mới 35 tuổi (10/05/2018)

>   Trợ lý bà Hứa Thị Phấn vẫn mang con vào phòng xử làm gián đoạn phiên tòa (10/05/2018)

>   'Ván cờ' TrustBank trong tay bà Sáu Phấn (10/05/2018)

>   Luật sư: Vay tiêu dùng 'hoạt động như tín dụng đen' (10/05/2018)

>   VietABank: Sau kiểm toán, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi (10/05/2018)

>   Ngân hàng lãi hàng ngàn tỉ từ phí dịch vụ (10/05/2018)

>   Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo dừng tăng phí ATM (09/05/2018)

>   Phát triển kênh đối tác để gia tăng giá trị cho khách hàng (09/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật