Thứ Sáu, 18/05/2018 08:32

7 sai lầm khởi nghiệp nghiêm trọng bạn không nên mắc phải

"Bạn không biết những gì bạn không biết. Những sai lầm khởi nghiệp phổ biến hoàn toàn có thể tránh được với chút ít sự trợ giúp", theo tác giả Marla Tabaka - nhà cố vấn cho các doanh nghiệp nhỏ, giúp các doanh nhân trên khắp thế giới phát triển doanh nghiệp của họ thành doanh nghiệp hàng triệu đô la.

Tôi (tác giả) đã nhận được nhiều cuộc gọi từ những người khởi nghiệp đang tìm kiếm sự giúp đỡ, sau khi họ đưa ra một quyết định kinh doanh tồi tệ. Nhìn chung điều đó đáng buồn, đặc biệt là vì nhiều sai lầm trong số đó, vốn thường làm cho một công ty sụp đổ, đều có thể né tránh được. Nếu những người khởi nghiệp này sớm tìm kiếm sự giúp đỡ từ những nhà tư vấn hay cố vấn kinh doanh nhiều kinh nghiệm, thì sự nghiệp của họ có thể đã phát triển.

Dưới đây là một vài ví dụ về những sai lầm mà tôi nghe được trong những cuộc đối thoại đau lòng kể trên. Hầu hết những vấn đề này nằm ở chỗ người khởi nghiệp bị kẹt trong nỗi sợ hãi, dẫn đến việc họ phải chịu quá nhiều rủi ro hoặc lao vào thương trường trước khi lên kế hoạch và chuẩn bị để tăng trưởng.

1. Nhầm lẫn giữa việc quản lý và lãnh đạo

Một người lãnh đạo thành công là một cỗ máy sản xuất ý tưởng. Anh ta hoặc cô ta sẽ truyền cảm hứng cho người khác, là người có tầm nhìn, tạo nên những mối liên kết và đảm bảo nguồn vốn cho sự phát triển liên tục của công ty. Đây không giống như những tố chất tìm thấy ở một nhà quản lý giỏi. Khi công ty của bạn ở giai đoạn khởi nghiệp ban đầu, bạn có thể tự đảm nhận tất cả các vai trò vận hành, nhưng khi tin rằng bạn có thể tiếp tục làm điều đó thì là một sai lầm chết người.

Để giữ nguyên lộ trình hướng tới tầm nhìn dài hạn của bạn, hãy tập trung vào việc lãnh đạo, không phải quản lý. Hãy giao việc điều hành lại cho ai đó làm tốt điều này.

2. Trì hoãn việc tìm nguồn vốn cho giai đoạn tiếp theo

Một khi bạn đã đảm bảo có được nguồn vốn ban đầu, bạn sẽ có nhiều thứ phải chứng tỏ. Nhiều người khởi nghiệp đã ngồi xuống và thở phào nhẹ nhõm khi tiến vào giai đoạn đầu tiên; có một sự đảm bảo không chắc chắn ở giai đoạn này. Tôi đã nhìn thấy nhiều người (nếu không phải hầu như) ra bên ngoài và thuê những khoảng không gian đắt đỏ, phong cách và đầu tư vào công nghệ hơn mức cần thiết. Thông thường như thế thì kết cục họ sẽ phải quay trở lại với chiếc bàn ăn tối trước đây trong vòng một năm.

Các Quỹ đầu tư mạo hiểm, là nơi bạn sẽ tìm kiếm nguồn vốn cho những giai đoạn sau, thường sẽ e ngại rủi ro hơn so với những nhà đầu tư thuộc giai đoạn đầu hoặc so với những người đã đầu tư cho bạn trước khi công ty có doanh thu. Thông thường, muốn thu hút các Quỹ đầu tư và thông qua cả quy trình thì cần nhiều thời gian hơn. Đây là thời khắc quan trọng cho những công ty khởi nghiệp, do vậy cần chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch hành động cấp vốn cho giai đoạn sau và thực thi sớm hơn so với dự định. Hãy cho bản thân mình tối thiểu 6 tháng không bị thiếu hụt tiền.

3. Để mọi người biết đến khi bạn chưa sẵn sàng

Vừa mới tuần trước, tôi nghe được một người khởi nghiệp có một ý tưởng kinh doanh rất hứa hẹn liên quan tới lĩnh vực tổ chức tiệc cưới. Buồn thay, đó là tất cả những gì cô ấy có – một ý tưởng, nhưng cô đã vội để cho mọi người biết đến trước khi cô sẵn sàng đón nhận những cơ hội mang đến cho cô.

Cá nhân người này lại chuốc thêm rắc rối bằng việc đầu tư vào việc mở rộng sau khi được cả nước biết đến, thay vì nên đầu tư trước. Với thực trạng đáng thất vọng khắp cả nước, danh tiếng của cô bị ảnh hưởng và sự tăng trưởng của doanh nghiệp thì giậm chân tại chỗ.

Nếu như bạn dự định làm công tác truyền thông (PR) ở quy mô toàn quốc, hãy sẵn sàng cho điều đó. Nếu chưa, thì hãy giữ ở quy mô địa phương. Nhưng hãy đảm bảo bạn đã chuẩn bị tốt cho cả mức độ phát triển nhỏ hơn này.

4. Để hàng tồn kho quá ít

Đây là vấn đề phổ biến của những người khởi nghiệp phải nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Chỉ một container sản phẩm có thể tốn một gia tài nhỏ để mang về, cho nên chủ doanh nghiệp thường để hàng tồn kho quá ít. Một khi họ thu lại được khoản đầu tư của họ thì mới tái đầu tư cho đơn hàng tiếp theo.

Tôi từng làm việc với một nhà thiết kế túi xách mà container của  cô ta bị hoãn lại ở bến cảng 2 tháng. Thực tế, cô ta đã hết hàng để bán mà vẫn tiếp tục nhận đơn đặt hàng từ các mối bán lẻ, điều này chỉ dẫn tới thất bại trong việc cung ứng.

Giữ số lượng khách hàng của bạn ở mức vừa phải cho đến khi bạn có nguồn lực tài chính và cả không gian kho hàng để có một nguồn hàng tồn kho phù hợp. Đây là một chủ đề lớn, hàng tồn kho chỉ là một trong những vấn đề, nhưng là một vấn đề quan trọng.

5. Trì hoãn việc tuyển dụng

Đây là vấn đề mà thực tế mọi chủ doanh nghiệp đều mắc phải khi đến trao đổi với tôi. Đó là quan điểm cực kỳ hạn chế khi cho rằng bạn không đủ tài chính để thuê thêm người, điều này sẽ trì hoãn và ngăn cản sự tăng trưởng của công ty bạn tất cả mọi lúc. Tôi vừa mới gặp một khách hàng mới, anh ta đã tự làm tất cả công việc liên quan tới khách hàng của anh. Anh ta hầu như tự xoay xở về mặt tài chính và sắp kiệt sức vì công việc. Đừng lo lắng, trong những tình huống tương tự, các khách hàng của tôi sẽ nhanh chóng đạt được thu nhập hàng tháng ở mức 2 con số, và người này cũng sẽ như thế bởi vì anh ta đã biết hướng ra ngoài tìm sự trợ giúp trước khi quá trễ.

Một ngày nào đó, cơ hội lớn sẽ đến với bạn và bạn không thể giữ cho công ty tăng trưởng trừ khi bạn có nguồn lực và nhân lực để quản lý nó. Nguyên nhân cốt lõi của việc khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa chính là thất bại trong việc đáp ứng những điều này. Một khi bạn san sẻ bớt một vài công việc của bạn với một nhà thầu hay một nhân viên, bạn sẽ dễ dàng tìm được thương vụ mới để hỗ trợ cho những chi phí tăng thêm này. Hãy tin tưởng vào chính mình và thực hiện điều đó.

6. Không nỡ buông quyền kiểm soát

Tôi đã tiếp cận với một vài người mà những người đồng sáng lập của họ nắm giữ vị trí Giám đốc Điều hành (CEO) tại công ty đang phát triển nhanh chóng của họ. Điều này vẫn ổn khi doanh thu của công ty còn ở mức thấp 7 con số, nhưng công ty đã phát triển vượt hơn khả năng và kinh nghiệm của những vị CEO đó. Có những cơ hội quan trọng bị thất thoát, hay không được nắm bắt tốt bởi vì những người CEO này không sẵn lòng nhường ghế cho một người có bề dày thành tích và kinh nghiệm hơn.

Trong khi có những người sáng lập giai đoạn đầu vẫn có thể tiếp tục thành công cùng với đà phát triển của công ty, điều quan trọng là phải nhận ra được nếu như bạn không nằm trong số đó. Bước xuống không bao giờ là việc dễ dàng, nhưng sẽ luôn luôn mở ra cánh cửa cho những cơ hội tuyệt vời khác.

7. Thiếu sự linh hoạt

Bạn có thể có một kế hoạch hành động cụ thể để đạt được một tầm nhìn nhất định, nhưng kế hoạch này không thể quá cứng nhắc. Đôi khi, sẽ có việc xảy ra không như bạn hình dung và bạn phải nhanh chóng chuyển hướng. Nếu bạn trở nên cứng nhắc hay bị động, khi có điều gì đó trục trặc, bạn sẽ chững lại. Hãy giải quyết vấn đề nhanh và xoay chuyển tình thế. Trong quá trình kinh doanh, luôn có những tình huống khiến bạn nản chí, nhưng đừng sợ việc sẽ mắc phải những sai lầm này. Thành công không bao giờ đến mà không trải qua thất bại.

Bạn không cần phải lặp lại những sai lầm này. Công ty của bạn có thể độc nhất vô nhị đó, nhưng những kinh nghiệm khởi nghiệp thì không. Có sai lầm, có thất bại. Hãy tìm sự trợ giúp trước, hơn là sau khi bạn đã đụng phải những trắc trở nhất của con đường khởi nghiệp. Những nhà tư vấn và cố vấn đã từng trải và kinh nghiệm qua hầu như mọi loại thất bại; hãy học hỏi từ họ để lót một con đường bằng phẳng hơn cho bạn.

Tuệ Nhiên (Theo Inc.)

FILI

Các tin tức khác

>   Điều gì truyền cảm hứng cho thành công của Jeff Bezos? (17/05/2018)

>   Gặp gỡ gia đình còn giàu có hơn cả Jeff Bezos, Warren Buffett hay Bill Gates (16/05/2018)

>   Ở tuổi 34, Mark Zuckerberg kiếm trung bình 6 triệu USD… mỗi ngày (15/05/2018)

>   Đổ xô tìm việc liên quan đến blockchain (13/05/2018)

>   10 CEO quyền lực nhất thế giới năm 2018 (12/05/2018)

>   Các thành viên Hoàng gia Anh kiếm tiền như thế nào? (11/05/2018)

>   Warren Buffett đã học như thế nào để thành công? (11/05/2018)

>   Kiểu kinh doanh khác biệt của nhà sáng lập The Body Shop (11/05/2018)

>   5 doanh nhân khởi nghiệp thành công ở độ tuổi ngoài 30 (11/05/2018)

>   Khởi nghiệp với gần 600 USD, hoàn vốn sau một tuần (11/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật