Vốn và quỹ đất sân bay Long Thành: Cần tầm nhìn xa hơn một sân bay
Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt của dự án Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành, các chuyên gia cho rằng vẫn cần tính toán lại nhiều yếu tố mấu chốt…
Cập nhật thông tin sơ bộ về tiến độ thực thi xây dựng sân bay Long Thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết hiện, các cơ quan chức trách chịu trách nhiệm chính dự án đều xác định trước mắt, khâu đền bù, giải phóng mặt bằng là quan trọng. Đề án khả thi đang được lập, theo quy định sẽ được xét bởi Hội đồng thẩm định và trình lên Chính phủ phê duyệt. Lộ trình mục tiêu là trong năm nay, 2018, sẽ bắt đầu giải phóng mặt bằng để 2020 sẽ có mặt bằng thực thi các hạng mục đầu tiên.
Sơ đồ cơ cấu phân vùng chức năng sân bay Long Thành. Nguồn: Sở Xây dựng Đồng Nai
|
Tiềm năng lấy “mỡ nó rán nó”?
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích: Trong tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, vẫn cần xác định rõ vốn và đất là 2 câu chuyện chính, các vấn đề khác quan trọng nhưng không mang tính mấu chốt.
“Với diện tích của vùng lõi đền bù giải phóng này khoảng 5.500 ha, trong đó cói 85% đất nông nghiệp và 15% đất phi nông nghiệp, tôi cho rằng sẽ dễ hơn cho bồi thường. Tính chung chi phí bồi thường và tái định cư 23.000 tỷ đồng cũng chưa tới 10% tổng kinh phí xây dựng sân bay giai đoạn 1, khá thấp đặc biệt nếu so với những con đường đắt nhất hành tinh đã triển khai ở VN”, ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ thì dù vậy, việc chiều lòng dân trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng là phức tạp. Nhà nước cần xác định: Nguồn lực đất đai cũng là một nguồn lực vốn mà không chỉ là mặt bằng, căn cứ trên quỹ đất và chọn giải pháp bồi thường, có thể thu được tiền nhiều hơn có thể góp phần giải tỏa áp lực vốn xây dựng sân bay. Điều này dựa trên quy luật của quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp được lên đời đất phi nông nghiệp, tăng giá trị theo giá thị trường - tạo nguồn lực hiện hữu. Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những cách thức khai thác nguồn lực này rất tốt.
Ngoài việc “lên đời” đất phi nông nghiệp theo kiến nghị, để tạo giá trị tăng cao cho nguồn lực mà theo ông Đặng Hùng Võ, thậm chí có thể giải quyết tới 70% vốn cần có cho triển khai dự án, để thực sự hiệu quả, ông Võ và nhà sử học Dương Trung Quốc đều cho rằng cần xem xét mặt bằng quy hoạch rộng hơn dự án.
“Không nên nhìn chăm chăm vào dự án mà nên nhìn cả huyện Long Thành, xem xét toàn bộ huyện theo hướng phát triển đô thị, từ đó tính được lợi ích từ đất đai để có phương án điều chỉnh và quy hoạch. Xa hơn, quy hoạch một trật tự đô thị chuẩn mực và làm hài lòng dân, Nhà nước thu hồi được cả đất lẫn tăng ngân sách làm dự án là mục tiêu, tránh quy hoạch nhếch nhác, manh mún và sân bay làm ra lại không hiệu quả”, chuyên gia đánh gía.
Xây dựng chậm 5 năm, kinh phí đội gấp đôi!
Ông Đỗ Tất Bình, Phó TGĐ Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam ACV cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua dự án tiền khả thi, ACV đã lập phương án báo cáo và dự kiến cuối 2019 báo cáo được phê duyệt. Sau đó tùy theo phương thức huy động vốn để xác định từng hạng mục của các chủ đầu tư sẽ tham gia triển khai. Với tiến độ hiện nay, ông Bình nói, ACV đề xuất Quốc hội đẩy nhanh hơn, áp dụng các biện pháp rút ngắn thời gian sao cho khởi công từ 2020 mới đảm bảo nhiệm vụ ra mắt sân bay sau 5 năm.
Mặt khác, nếu không xây dựng càng nhanh càng tốt, kinh phí sẽ đội lên. Chẳng hạn nhà ga sân bay Long Thành theo dự toán cần 5,1 tỷ USD kinh phí được xây dựng, thời điểm dự toán ở 2015 có tính trượt giá tới 2020, nhưng nếu kéo dài tới 2025 thì giá có thể tăng lên 10 tỷ USD, tức gấp đôi. Nhà ga T2 Tân Sơn Nhất có kinh phí xây dựng dự toán ở 2007 là 200 triệu USD, 2014 diện tích xây dựng tăng thêm 40%, chi phí cũng đội lên thành 800 triệu USD. Dĩ nhiên, lợi ích cũng thấy rõ khi doanh thu cũng tăng gấp đôi ngay ngày hôm sau khi đưa nhà ga T2 vào khai thác. Như vậy, phải làm và làm nhanh sân bay Long Thành, ông Bình khẳng định.
Vấn đề là làm từ đâu khi mặc dù dự án có quyết tâm chính trị và sự quan tâm của người dân, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa “thông”. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục Phó Cục Đấu thầu Bộ KH&ĐT cho biết về nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng ban đầu, theo kế hoạch được duyệt, cơ bản đã đảm bảo trong nguồn trái phiếu Chính phủ.
Bộ KH&ĐT cũng đang trình Chính phủ cho phép phê tuyển thẩm tra theo văn bản 1721, sang tuần sau (vào tháng 4) Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ lấy ý kiến các thành viên, đẩy nhanh quá trình. Việc quy hoạch sẽ căn cứ trên Luật quy hoạch.
Về đầu tư, Bộ đang khẩn trương trình Chính phủ dự án Luật đầu tư đối tác công tư (Luật PPP). Theo tiến độ trong quý I đầu quý II/2018 Chính phủ sẽ trình Quốc hội.
Như vậy, quy hoạch, trong đó việc xác định và xây dựng quỹ đất có nên dừng lại ở tầm nhìn mặt bằng một Cảng hàng không hay xa và rộng hơn, xa và rộng nên “vạch” tọa độ tới đâu, và có nên sử dụng các phương thức “nâng tầm” giá trị đất đai để chủ động nguồn lực chính triển khai dự án hay chờ đợi các nhà đầu tư tư nhân - Tất cả những yếu tố đó đều đang ở vạch xuất phát và vẫn đang cần được Luật hóa nhiều cơ chế, quy định tạo khung pháp lý thuận.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó GĐ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai:
Sân bay Long Thành là dự án lớn nhất về diện tích và quy mô dân số di dời của tỉnh Đồng Nai từ trước đến nay. Muốn giải phóng cần phải thực thi tái định cư 4.815 hộ và 15.500 nhân khẩu. Nhu cầu đào tạo nghề cực lớn.
Theo quy hoạch lõi dự án, trong 5.000 ha có 1.500 ha đất cao su. Theo quy định đất đai của Nhà nước, thu hồi lại đất nông nghiệp cho thuê, tỉnh có nhiệm vụ bồi thường tài sản trên đất là khá thuận lợi. 2 khu tái định cư và nghĩa địa hiện hữu cũng là đất cao su. Nói như thế có nghĩa tỉnh đã chuẩn bị khâu giải phóng mặt bằng với khảo sát kỹ từ 2005 chứ không phải bây giờ mới làm.
Tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng giá trị kinh tế của đất chưa tính toán được hết nhưng nếu quy hoạch tốt sẽ thu được nguồn lợi lớn về cho Nhà nước. Và dù mong muốn đẩy nhanh tiến độ thì mọi quy trình tỉnh thực thi vẫn phải theo Luật, thực hiện khung chính sách bồi thường tái định cư được Quốc hội phê duyệt.
|
Phạm Hùng - Lê Mỹ
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|