Thứ Sáu, 13/04/2018 07:32

Trung Quốc đang quốc hữu hóa ngành công nghệ?

Bài viết này là nhận định của nhà báo Christopher Balding đăng tải trong chuyên mục Bloomberg View về thực tế lạ trong ngành công nghệ ở Trung Quốc.

Ông chủ thực sự của các hãng công nghệ Trung Quốc? ẢNH: BLOOMBERG

Như Bloomberg đưa tin trong tuần này, một trong các trở ngại đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là sự hỗ trợ rộng rãi cho các doanh nghiệp công nghệ của Bắc Kinh. Song nếu Tổng thống Mỹ Donald Trum cho rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi sớm, có lẽ Mỹ đã không chú ý kỹ: Trung Quốc không những không giảm hỗ trợ ngành công nghệ mà còn đang trên đà quốc hữu hóa nó.

Xét nhiều mặt, các hãng công nghệ Trung Quốc có vẻ như không thể bị cản chân. Đầu tư vốn mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân tăng từ 14 tỉ USD năm 2012 lên 120 tỉ USD năm 2014. Năm ngoái, 34 công ty Trung Quốc lọt top các startup có giá hơn 1 tỉ USD, đứng thứ nhì chỉ sau Mỹ. Từ chăm sóc sức khỏe đến chia sẻ xe đạp, các hãng Đại lục cải tiến ý tưởng từ nước ngoài và đổi mới theo ý họ.

Không chỉ có startup, các hãng công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là Baidu, Alibaba, Tencent (hay còn gọi là nhóm BAT) cũng tăng trưởng mạnh. Tencent Holdings có gần 1 tỉ người dùng, cho hay doanh thu ròng tăng gấp đôi trong quý trước lên 3,3 tỉ USD. Alibaba Group, hãng thống trị ngành thương mại điện tử, thì dự kiến tăng trưởng 55% năm nay. Các nhà đầu tư có thể lo về nợ Trung Quốc, nhưng vẫn thèm thuồng các doanh nghiệp công nghệ nước này.

Thoạt nhìn, sức tăng trưởng nhanh chóng có vẻ phù hợp với nỗ lực chứng minh thị trường minh bạch của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên thúc đẩy việc được công nhận là một nền kinh tế thị trường tại Tổ chức Thương mại Thế giới, trong khi nhắc đến nhiều lợi ích của “cải cách phía cung” ở quê nhà. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết “hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân”.

Song nhìn xa hơn những lời nói đó là một hình ảnh rất khác nổi lên. Các ủy ban đảng Cộng sản Trung Quốc được đưa vào nhiều công ty công nghệ, xem xét tất cả mọi thứ từ hoạt động cho đến việc tuân thủ mục tiêu quốc gia. Các nhà quản lý thảo luận về việc nắm 1% cổ phần trong một số hãng công nghệ lớn, trong đó có Alibaba, Tencent, cùng với vài ghế hội đồng quản trị. Các hãng công nghệ được khuyến khích đầu tư vào các doanh nghiệp quốc doanh với kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn. Mẫu số chung của các nỗ lực này chính là mong muốn kiểm soát nhiều hơn.

Một giám đốc tại hãng dịch vụ công cụ tìm kiếm Trung Quốc mới đây tổng kết lại động lực này: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà chúng ta sẽ được hợp nhất với nhau. Có thể sẽ có đề nghị thiết lập ủy ban của đảng trong công ty bạn, hoặc đề nghị bạn nên để nhà đầu tư nhà nước nắm một phần cổ phần, bạn biết đấy, như dạng sở hữu hỗn hợp. Nếu bạn nghĩ kỹ về vấn đề này, bạn có thể cộng hưởng cùng nhà nước. Bạn có thể nhận được hậu thuẫn rất lớn. Song nếu bản chất bạn muốn đi theo cách riêng của mình, nghĩ rằng lợi ích của bạn ngược với điều mà nhà nước đang ủng hộ, thì bạn có thể phát hiện rằng mọi thứ tệ hơn trong quá khứ”.

Quốc hữu hóa cũng áp dụng cho startup ở Trung Quốc. Một báo cáo gần đây cho thấy 60% doanh nghiệp khởi nghiệp lớn hơn 1 tỉ USD của nước này trực tiếp hoặc gián tiếp được nhóm BAT rót vốn. Khu vực đầu tư vốn mạo hiểm không chỉ do các hãng công nghệ truyền thống thống trị mà còn do nhà nước thống trị: Hơn 1.000 hãng đầu tư mạo hiểm thuộc sở hữu nhà nước tại Trung Quốc, kiểm soát hơn 750 tỉ USD.

Tất cả yếu tố này để lại hệ quả trực tiếp lên tranh chấp thương mại với Mỹ. Báo cáo do hãng Natixis thực hiện gần đây phát hiện ra rằng 70% sản phẩm được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt mục tiêu nằm trong danh sách các sản phẩm của sáng kiến China Manufacturing 2025, vốn đặt mục tiêu hỗ trợ công ty Trung Quốc trong 10 lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có sản xuất robot và công nghệ sinh học. Nếu Bắc Kinh khăng khăng bảo vệ các ngành này, tiến bộ đáng kể trong đàm phán thương mại với Mỹ khó xảy ra.

Trung Quốc có thể có mối lo ngại lớn hơn nếu hoạt động quốc hữu hóa dạng này có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp năng động nhất nước. Hậu thuẫn các hãng “vô địch quốc gia” bằng tiền vay và trợ cấp việc làm có thể khiến các hãng trở thành những công ty luôn tìm kiếm sự hỗ trợ. Bộ máy quan liêu có thể đồng nghĩa với tăng trưởng và hiệu quả kém hơn. Các công ty có thể bắt đầu đòi hỏi sự ủng hộ từ chính phủ thay vì chấp nhận rủi ro và đổi mới. Ngành công nghệ có thể trở thành ngành than kiểu mới. Viễn cảnh này sẽ chẳng có lợi cho ai cả.

Thu Thảo

Thanh niên

Các tin tức khác

>   'Không CEO Mỹ nào kiếm được tiền ở Trung Quốc' (12/04/2018)

>   Mark Zuckerberg lần thứ hai phủ nhận Facebook là hãng truyền thông (12/04/2018)

>   Các nước quản lý thuê bao viễn thông như thế nào? (11/04/2018)

>   Nga khẳng định kinh tế vẫn trụ vững trước các lệnh trừng phạt của Mỹ (10/04/2018)

>   Jack Ma: Không nên "giết" Facebook vì bê bối bảo mật (10/04/2018)

>   Bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới có thể bị phạt 14 triệu USD (10/04/2018)

>   Tại sao nam việt quất, whisky Mỹ liên tục bị đe dọa đánh thuế? (09/04/2018)

>   Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể tệ đến mức nào? (06/04/2018)

>   Việt Nam giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (05/04/2018)

>   Vì sao Uber, Grab không sống nổi ở Nhật? (03/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật