Tín dụng quý 1 đã chảy vào đâu?
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQT), tăng trưởng tín dụng quý 1/2018 so với cuối năm 2017 là 3.5%, thấp hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ 2017 là 4.3%. Con số này cao hơn đáng kể so với số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vài ngày trước đó chỉ ở mức 2.23% tính đến 20/3, như vậy chỉ trong vòng 10 ngày ngắn ngủi tín dụng đã kịp tăng thêm gần 1.3%.
Tín dụng ngoại tệ tiếp tục vượt trội
Mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 nhưng con số tăng trưởng như trên là rất tích cực nếu so với quý 1 của những năm trước đây, thường tăng khá thấp hoặc thậm chí sụt giảm, cho thấy nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư vẫn đang tiếp tục mở rộng, là yếu tố cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, cơ cấu tăng trưởng tín dụng có nhiều điều cần phải lưu tâm. Thứ nhất là trong khi tín dụng VNĐ chỉ tăng 3.3% thì tín dụng ngoại tệ tăng mạnh 5.4%, điều này giúp tỷ trọng tín dụng ngoại tệ tăng từ mức 7.9% vào cuối năm 2017 lên 8.1% vào thời điểm cuối tháng 3 năm nay, tương đương với khoảng hơn 545 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ trọng dư nợ tín dụng VNĐ giảm từ mức 92.1% xuống 91.9%, tương đương hơn 6.19 triệu tỷ đồng.
Với tín dụng ngoại tệ tăng trưởng mạnh cho thấy nhu cầu vay vốn cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu vẫn ở mức cao, nhất là khi NHNN đã gia hạn cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ cho đến hết cuối năm nay. Rõ ràng là trong tình hình lãi suất VNĐ vẫn cao hơn nhiều so với ngoại tệ thì việc duy trì kênh tín dụng ngoại tệ là sự hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh các rào cản thương mại đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh thương mại.
NHNN thực tế từ bấy lâu nay cũng khuyến khích các NHTM ưu tiên đối với hoạt động hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, do đó việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ nếu thật sự đến từ nhu cầu vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu là một tín hiệu tích cực. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu quý 1 đầu năm nay đạt 54.31 tỷ USD, tăng mạnh 22% so với cùng kỳ năm trước từ đó giúp cán cân thương mại hàng hóa thặng dư đến 1.3 tỷ USD, rất tích cực nếu so với con số nhập siêu hơn 1.9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017.
Cẩn trọng với tín dụng trung dài hạn
Nếu như tăng trưởng tín dụng ngoại tệ có thể xem là tích cực trong thời điểm hiện nay thì ngược lại cơ cấu tăng trưởng tín dụng theo kỳ hạn có nhiều điều đáng phải suy nghĩ. Cũng theo số liệu của UBGSTCQG thì tín dụng trung dài hạn đã có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm nay, cụ thể quý 1/2018 tín dụng trung dài hạn tăng đến 4.3% trong khi tín dụng ngắn hạn tăng thấp hơn ở 2.6%. Theo đó, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn đã tăng từ mức 52.8% vào cuối năm 2017 lên 53.2% tính đến thời điểm cuối tháng 3, tương đương hơn 3.58 triệu tỷ đồng.
Thông thường nhu cầu vốn trung dài hạn chủ yếu đến từ các hoạt động như cho vay dự án đầu tư tài sản cố định, đầu tư xây dựng các dự án bất động sản, vay mua nhà hoặc vay tiêu dùng,… Nếu nguồn vốn tín dụng trung dài hạn này rót vào các dự án đầu tư tài sản cố định sẽ là dấu hiệu tích cực, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn kế tiếp.
Ngược lại nếu như nguồn vốn này phục vụ cho các chủ đầu tư bất động sản thực hiện các dự án mới, hoặc cho vay cá nhân mua nhà là tín hiệu đáng lo ngại, khi mà thị trường bất động sản thời gian qua có dấu hiệu tăng nóng lại và tiềm ẩn rủi ro một bong bóng mới. Thực tế cũng đã cho thấy giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng trước đây để đổ vào thị trường bất động sản đã gây ra hệ lụy nợ xấu còn tồn tại dai dẳng cho đến tận ngày hôm nay, khiến nhiều ngân hàng phải lao đao khốn đốn.
Ngoài ra, nguồn vốn trung dài hạn nếu phục vụ cho các mục đích vay tiêu dùng cũng không phải một dấu hiệu tích cực. Thời gian qua NHNN đã liên tiếp cảnh báo, nhắc nhở các NHTM ngoài hạn chế vốn cho vay vào các dự án BOT, BT, đầu tư kinh bất động sản, chứng khoán, thì cũng cần cẩn trọng với hoạt động cho vay tiêu dùng, khi mà tốc độ tăng trưởng dư nợ ở lĩnh vực này đã tăng trưởng quá nhanh gần đây. Cụ thể sau khi tăng đến 50.2% trong năm 2016, tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh đến 65% trong năm 2017, theo đó tỷ trọng trong tổng dư nợ cũng tăng từ 12.3% lên 18%. Và chỉ riêng trong tháng 1 đầu năm nay, số liệu từ UBGSTCQG cũng cho thấy tỷ trọng cho vay tiêu dung tiếp tục tăng lên mức 18.3% trong tổng dư nợ tín dụng, tương ứng với con số 1,202 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, việc quản lý rủi ro ở hoạt động vay tiêu dùng tại các NHTM chưa thật sự hiệu quả, khi mà thông tin quản lý hồ sơ tín dụng cá nhân tại nước ta còn nhiều hạn chế và các khoản vay phần lớn là tín chấp. Tuy nhiên, vì biên độ lãi suất cho vay ở khu vực quá hấp dẫn nên các ngân hàng thi nhau nhảy vào và cạnh tranh nhau quyết liệt để thu hút khách hàng, từ đó tạo ra ngày càng nhiều những rủi ro tiềm ẩn.
Ngoài ra, nguồn vốn huy động của các ngân hàng vẫn chủ yếu ở kỳ hạn ngắn, do đó nếu tín dụng trung dài hạn tăng mạnh trở lại mà không được kiểm soát sẽ dẫn đến chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng mở rộng, dẫn đến rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của ngân hàng, cũng như có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất trong tương lai.
Đáng lưu ý là với tăng trưởng GDP quý 1 đạt được ở mức cao, theo đó mục tiêu 6.7% năm nay có thể đạt được thì sức ép lên mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ giảm bớt, do đó NHNN khả năng không cần phải đẩy mạnh tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng như năm 2017. Khi đó, các NHTM cũng khó có thể được điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng lên cao như năm trước, và với kế hoạch dư nợ khiêm tốn thì các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục tăng cường cho vay trung dài hạn nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng để có được biên độ lãi suất tốt, từ đó đảm bảo mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Phan Thụy
FILI
|