SeABank: Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2018 lên mức đỉnh 7 năm, đạt 829 tỷ đồng
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà SeABank đặt ra cho năm 2018 bằng với mức đỉnh lợi nhuận mà ngân hàng này từng đạt được cách đây 7 năm.
Cách đây 7 năm, năm 2010, SeABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 829 tỷ đồng - con số cao nhất trong lịch sử hoạt động của Ngân hàng. Nhưng sau đó đã không duy trì được “phong độ” và lao dốc hơn 80% xuống 157 tỷ đồng năm 2011, thậm chí chỉ còn 69 tỷ đồng năm 2012.
Những năm sau đó, lợi nhuận trước thuế của SeABank vẫn “lẹt đẹt” trong khoảng 100-200 tỷ đồng và chỉ bắt đầu khởi sắc vào năm 2017 với mức tăng 161% lên 381 tỷ đồng. Theo giải trình của Ban lãnh đạo Ngân hàng, lợi nhuận tăng là do trong năm đã đẩy mạnh doanh số giải ngân cho vay kỳ hạn ngắn, duy trì tăng trưởng ở hoạt động cung cấp dịch vụ, đồng thời tiết giảm chi phí quản lý.
Đến năm 2018, SeABank đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế tham vọng đạt 829 tỷ đồng, bằng với mức đỉnh của năm 2010 và gấp hơn hai lần con số thực hiện trong năm 2017.
Song song đó, Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2018 đạt mức 150,669 tỷ đồng. Huy động thị trường 1 đạt 109,067 tỷ đồng. Cho vay thị trường 1 đạt 91,567 tỷ đồng (kế hoạch cho vay thị trường 1 có thể được điều chỉnh trong trường hợp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho phép của NHNN có sự thay đổi trong năm).
Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của NHNN, SeABank đã không chia cổ tức và giữ lại phần lợi nhuận chưa phân phối để bổ sung vốn tự có của Ngân hàng. Năm 2018, HĐQT dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối còn lại tính đến thời điểm 31/12/2017. Tỷ lệ cụ thể sẽ do HĐQT quyết định phù hợp với chấp thuận của NHNN.
Thống kê lợi nhuận trước thuế của SeABank từ năm 2010 tới nay
Đơn vị tính: Tỷ đồng
|
Trong tài liệu gửi cổ đông trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2018, SeABank chỉ đính kèm một phần các tờ trình đại hội, tờ trình từ số VII đến XI gồm các nội dung quan trọng như tăng vốn; góp vốn, mua cổ phần SeABank; niêm yết cổ phiếu,… đều chưa được công bố.
Được biết, SeABank từng dự kiến tăng vốn điều lệ lên lên gần 9,000 tỷ đồng trong năm 2017 nhưng đã không thực hiện được. Tính đến 31/12/2017, vốn điều lệ của Ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức 5,465 tỷ đồng.
Đại hội cổ đông năm 2017 của SeABank cũng đã thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong năm 2017-2018 nhưng tới nay Ngân hàng vẫn “im hơi lặng tiếng”. Các vấn đề tồn đọng này nhiều khả năng sẽ được cổ đông đưa ra chất vấn HĐQT tại đại hội 2018 tới đây.
Về việc góp vốn, mua cổ phần SeABank, hồi đầu tháng 2/2018 vừa qua, Mobifone đã bán đấu giá thành công hơn 33.4 triệu cp SeABank với giá đấu bình quân 9,978 đồng/cp, thu về tổng cộng gần 334 tỷ đồng. Trái với lần chào bán ế trước đó hai năm, đợt đấu giá cổ phiếu SeABank lần này khá “hút hàng” khi có tới 54 nhà đầu tư đăng ký đặt mua số lượng gấp đôi lượng chào bán. Nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiếu SeABank lần này khá “được giá” khi giá khởi điểm chào bán Mobifone đưa ra thấp hơn mức được rao trên OTC.
Trong hơn 1 năm qua, cổ phiếu SeABank được trao tay trên OTC đã tăng từ mức giá “trà đá” 4,000 đồng/cp lên khoảng 15,000-18,500 đồng/cp, thậm chí có thời điểm vượt 20,000 đồng/cp.
Sau khi Mobifone thoái vốn, SeABank chỉ còn hai cổ đông lớn là cổ đông chiến lược nước ngoài Société Générale S.A (Pháp) với tỷ lệ sở hữu 20% và Công ty TNHH Đầu tư Phú Mỹ đang nắm giữ hơn 11% vốn.
Cơ cấu cổ đông hiện tại của SeABank
|
Lộ diện các ứng viên bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới 2013-2018
Theo thông tin từ tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018, đại hội năm 2017 của SeABank trước đó đã bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT. Đến giữa tháng 8/2017, SeABank có 2 thành viên từ nhiệm, giảm số lượng thành viên HĐQT còn 7 thành viên.
Bên cạnh đó, nhiệm kỳ 2013-2018 của HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) SeABank sẽ kết thúc vào năm 2018. Vì vậy, đại hội tới đây sẽ tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới.
Danh sách nhân sự dự kiến bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới đã được HĐQT SeABank thông qua và NHNN chấp thuận bao gồm 7 thành viên (trong đó có 1 thành viên độc lập). 5/7 ứng viên là gương mặt trong HĐQT nhiệm kỳ cũ: bà Nguyễn Thị Nga, bà Lê Thu Thủy, bà Khúc Thị Quỳnh Lâm, ông Hoàng Minh Tân và ông Lê Văn Tần.
2 ứng viên dự kiến bầu vào HĐQT còn lại là ông Bùi Trung Kiên (Trưởng BKS SeABank) và bà Ngô Thị Nhài (hiện không nắm giữ chức vụ nào tại Ngân hàng).
Bà Ngô Thị Nhài sinh năm 1988 tại Nam Định, đã có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán và kế toán, trong đó có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán tại Deloitte Việt Nam. Bà dự kiến được bầu làm thành viên HĐQT độc lập của SeABank.
Thành viên BKS dự kiến gồm 3 người: bà Đoàn Thị Thanh Hương (thành viên chuyên trách), bà Nguyễn Thị Phượng (thành viên chuyên trách) và bà Vũ Thị Ngọc Quỳnh. Bà Đoàn Thị Thanh Hương trước đó là Thành viên HĐQT độc lập của SeABank, hai người còn lại đều là những gương mặt trong BKS nhiệm kỳ cũ.
Bên cạnh Ban lãnh đạo, “ghế nóng” của Ban điều hành SeABank cũng đang có xáo trộn. Cuối tháng 9/2017, HĐQT đã thông qua việc từ nhiệm của Tổng Giám đốc Đặng Bảo Khánh và bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh thay thế. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân, đến đầu tháng 2/2018, ông Nguyễn Cảnh Vinh đã từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc và HĐQT đã cử ông Lê Văn Tần là Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành hoạt động ngân hàng.
Thu Phong
FILI
|