Tín dụng chậm lại: Tín hiệu tích cực
Tín dụng quí 1 năm nay tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu khả quan trong điều hành chính sách tiền tệ bởi nó cho thấy GDP vẫn có thể tăng trưởng cao nhờ nhiều nguồn lực khác nhau, chứ không đơn thuần nhất nhất trông chờ vào vốn ngân hàng như trước.
GDP vẫn có thể tăng trưởng cao nhờ nhiều nguồn lực khác nhau, chứ không đơn thuần nhất nhất trông chờ vào vốn ngân hàng như trước. Ảnh: THÀNH HOA
|
Tín dụng tăng 3,5% là tích cực
Theo Báo cáo tình hình kinh tế quí 1 và dự báo cả năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng ba tháng đầu năm ước tăng 3,5% so với cuối năm ngoái và thấp hơn so với cùng kỳ (quí 1-2017 tín dụng tăng 4,3%). Trong khi đó, huy động vốn tăng 3%, còn cùng kỳ chỉ tăng 2,6%. Nhìn tổng thể cả hệ thống, cân đối huy động - cho vay, vốn đầu ra vẫn đang cao hơn đầu vào.
Trong cơ cấu vốn huy động, huy động tiền đồng tăng 3,7%, còn huy động ngoại tệ giảm 3,1%. Tỷ trọng vốn huy động bằng ngoại tệ trong tổng vốn huy động chiếm 9,2%, thấp hơn so với cùng kỳ (9,7%).
Việc tỷ trọng vốn huy động ngoại tệ giảm dần đều qua từng năm trong vòng năm năm trở lại đây chứng tỏ xu hướng dịch chuyển tiết kiệm từ đô la Mỹ sang tiền đồng tiếp tục diễn ra và chính sách giữ nguyên lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0%/năm áp dụng cho cả tổ chức kinh tế và dân cư đang phát huy tác dụng. Tỷ giá tương đối ổn định và mức chênh lệch lãi suất tiền gửi đô la - tiền đồng có lợi cho người nắm giữ nội tệ là nguyên nhân chính của xu hướng trên.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại được dẫn xuất bởi nhiều lý do như vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài chảy vào Việt Nam đang cao hơn nhiều những năm trước; việc thoái vốn nhà nước đạt kết quả khả quan; một số doanh nghiệp niêm yết phát hành được cổ phiếu tăng vốn; nguồn vốn đầu tư từ dân cư để sản xuất kinh doanh có chiều hướng tăng...
Việc huy động trái phiếu mà không giải ngân đúng kế hoạch không chỉ gây lãng phí tiền bạc, sức lực, thời gian của nhiều chủ thể, mà còn đang tạo ra một cái bẫy lãi suất trên thị trường.
|
Tuy nhiên, trên hết là các ngân hàng đã bắt đầu chú trọng phát triển mảng dịch vụ và kiểm soát chất lượng tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro nợ xấu, không cung ứng tín dụng tràn lan dù lãi suất cho vay có hấp dẫn đến đâu. Trên thực tế, dư nợ tín dụng xét về số tuyệt đối vẫn tăng cao, nhưng tỷ trọng thì giảm bớt do hiện tại tổng dư nợ của nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng đã vượt 6,5 triệu tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng tập trung cho tín dụng trung, dài hạn khi cho vay phân khúc này hiện chiếm 53,2% tổng dư nợ. Thường lãi suất cho vay trung, dài hạn cao hơn cho vay ngắn hạn. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Doanh nghiệp hoạch định được chu kỳ sản xuất - kinh doanh dài hơi, còn ngân hàng thu được lợi nhuận cao và ổn định hơn.
Lãi suất thấp kéo dài bao lâu?
Hiện lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên đã giảm về 6%/năm. Lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn thấp nhất 6,8-7%/năm, dài hạn 9,3-9,5%/năm; cao nhất tương ứng 9% và 11%/năm. Giá vốn đầu vào của các ngân hàng, nhất là bốn “ông lớn” quốc doanh và nửa quốc doanh đang hạ do Ngân hàng Nhà nước thường xuyên “bơm” tiền đồng để mua vào ngoại tệ, đồng thời tổng phương tiện thanh toán quí 1-2018 đã cao hơn cùng kỳ. Thanh khoản tiền đồng dồi dào và lãi suất qua đêm liên ngân hàng xoay quanh 0,8%/năm từ tháng 3-2018 đến nay.
Mặt bằng lãi suất được hỗ trợ bởi thanh khoản từ phía nhà điều hành đang rất thấp, có thể nói là thấp nhất trong vòng 10-12 năm qua. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn năm năm đã trượt qua ngưỡng 3%, có ngày chỉ còn 2,93%/năm; ngang ngửa mức lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng nếu cộng thêm cả CDS (Credit Defaut Swap - hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng), thì lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam còn thấp hơn cả của Mỹ. Đây rõ ràng là chuyện vô lý.
Lãi suất xuống thấp là do các ngân hàng thừa tiền, nhưng không muốn đánh đổi tín dụng lấy nợ xấu. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, cuối năm ngoái Vietcombank có tới 200.990 tỉ đồng; BIDV có 160.206 tỉ đồng tiền gửi không kỳ hạn chủ yếu là tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính. Mang tiền huy động không kỳ hạn với lãi suất thường 0,3-0,8%/năm đi mua trái phiếu chính phủ là các ngân hàng có lời, mà lại không mất công lo kiểm soát việc sử dụng vốn cho đúng mục đích như cho vay.
Câu chuyện Kho bạc Nhà nước huy động vốn trái phiếu hàng trăm ngàn tỉ đồng/năm (quí 1-2018 huy động được 39.958 tỉ đồng), rồi lại đem gửi ngân hàng, mà không giải ngân được bao nhiêu nói lên đầu tư công đang chậm chạp, nếu không muốn nói là gần như ngưng trệ. Việc huy động trái phiếu mà không giải ngân đúng kế hoạch không chỉ gây lãng phí tiền bạc, sức lực, thời gian của nhiều chủ thể, mà còn đang tạo ra một cái bẫy lãi suất trên thị trường.
Lãi suất không thể tiếp tục đứng mãi ở mức thấp trừ khi tổng phương tiện thanh toán tiếp tục tăng nhanh và mạnh, mà tổng phương tiện thanh toán phụ thuộc vào việc kiềm chế lạm phát. Khi lạm phát ở các nước G-7 đang tiến nhanh về mốc 2%/năm - mốc để ngân hàng trung ương các nước thắt chặt tiền tệ - thì kiểm soát lạm phát ở Việt Nam là thử thách cơ bản nhất bởi lạm phát của Việt Nam phụ thuộc không ít vào giá cả nguyên liệu hàng hóa trên thế giới, đặc biệt năng lượng và nông sản. Các ngân hàng đã giảm mua trái phiếu vì e ngại lãi suất đảo chiều, họ sẽ lỗ.
Vấn đề là lãi suất thấp sẽ còn kéo dài bao lâu? Và không loại trừ đây là nguyên nhân sâu xa tín dụng đang tăng trưởng chậm lại. Theo công bố của Vụ Dự báo, thống kê NHNN ngày 4-4-2018, các ngân hàng kỳ vọng quí 2-2018 tín dụng sẽ tăng 4,85% và 16,3% cả năm. Đang có những dự báo năm nay tín dụng sẽ tăng khoảng 15% và người viết bài này cho rằng đó là mức hợp lý.
HẢI LÝ
TBKTSG
|