NamABank: Giảm lãi suất huy động - tiền đề giảm lãi vay
Sau khi tăng lãi suất huy động trước và sau Tết Nguyên đán để thu hút tiền nhàn rỗi, trong tháng 4, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất khi đảm bảo thanh khoản ổn định.
Cụ thể, các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank, VPB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIBank, VIB)… đều đã giảm lãi suất huy động từ 0.1 đến 0.3%. Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) cũng không ngoại lệ, đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi VNĐ giảm 0.1%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng còn 6.5%; từ 9 tháng trở lên giảm 0.2%/năm.
Ngay từ đầu năm 2018, Thủ tướng chính phủ đã đề nghị hệ thống ngân hàng tính toán giảm lãi suất cho vay và giảm đồng loạt. Cũng như Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo toàn hệ thống triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018. Trong đó, xem xét giảm lãi suất cho vay là một nội dung trọng tâm.
Thực hiện chủ trương trên, NamABank cho biết đã triển khai Gói tín dụng 2,500 tỷ đồng ưu đãi lãi vay chỉ từ 6.88%/năm (VNĐ) và 2.88%/năm (USD), thời hạn vay tối đa 6 tháng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động nguồn vốn, phát triển hoạt động kinh doanh. Với gói tín dụng này, NamABank mong muốn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và bổ sung tài chính cho các kế hoạch phát triển xuất nhập khẩu.
Đại diện NamABank cho biết, quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nằm trong định hướng phát triển của Ngân hàng cũng như thực hiện theo chủ trương chung của Nhà nước và luôn đồng hành vì lợi ích khách hàng.
Như vậy, việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất đầu vào không chỉ thể hiện được việc đảm bảo thanh khoản ổn định, mà còn là chiến lược hợp lý trong giai đoạn này, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN.
FiLi
|