Thoái vốn Nhà nước nhìn từ “dựng sổ”
Việc định giá cổ phiếu với giá khởi điểm quá cao khiến các nhà đầu tư tham gia đấu giá nghi ngờ, dẫn tới kết quả không cao. Tuy nhiên, phương pháp dựng sổ sẽ khắc phục được điều này, và giá cổ phiếu sau chào sàn cũng ổn định hơn.
Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, ngoài 3 phương thức (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), từ 1/1/2018 có thêm phương thức mới là dựng sổ.
Nhờ phương pháp dựng sổ, phiên IPO 242 triệu cổ phần, tương đương 7,79% vốn điều lệ của Cty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn ( BSR) đã giúp Nhà nước thu về 5.566 tỷ đồng, cao hơn 57% so với dự kiến ban đầu.
|
Nâng cao hiệu quả thoái vốn
Theo 3 phương pháp truyền thống nói trên, số lượng cổ phiếu đăng ký không đạt số lượng cổ phiếu bán ra do giá khởi điểm quá cao. Nguyên nhân do quá trình định giá cổ phiếu chưa chính xác. Kết quả là doanh nghiệp phát hành có thể bán được cổ phiếu với giá cao, nhưng không bán được số lượng lớn theo kế hoạch. Tuy nhiên, nhờ phương pháp dựng sổ, những bất cập này đã được khắc phục.
Do vậy, phương thức dựng sổ đã phát huy tác dụng trong những phiên đấu giá cổ phần lớn đầu năm 2018. Chẳng hạn, trong phiên đấu giá 206,8 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ của Tcty Dầu Việt Nam (PV Oil) vào đầu tháng 1 vừa qua, toàn bộ số cổ phần này được đặt mua với giá trung bình 20.196 đồng/cổ phần, giúp Nhà nước thu về 4.177 tỷ đồng, cao hơn 51% so với kế hoạch.
Trước đó, phiên IPO 242 triệu cổ phần, tương đương 7,79% vốn điều lệ của Cty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng ghi nhận kết quả ngoài mong đợi khi Nhà nước thu về 5.566 tỷ đồng, cao hơn 57% so với dự kiến ban đầu.
Đáng chú ý, phiên IPO của BSR đã ghi nhận nhiều kỷ lục như số lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá nhiều nhất (4.079 nhà đầu tư), lệnh đặt mua có mức giá cao nhất (14,8 triệu đồng/cổ phần và có 10.000 cổ phần được đặt mua).
Theo ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, việc IPO bằng phương pháp dựng sổ đã giúp PV Oil và BSR thu được kết quả ngoài sự mong đợi, đó là hút được nhà đầu tư chiến lược và bán hết số lượng cổ phiếu theo kế hoạch đề ra.
“Với tính hiệu quả của phương pháp dựng sổ, cùng với đà tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đợt thoái vốn Nhà nước thành công trong thời gian tới”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.
Dựng sổ bằng cách nào?
Phương pháp dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, trên cơ sở đó tổ chức phát hành sẽ chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành. Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến, qua đó dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.
Trong phương pháp dựng sổ, vai trò của tổ chức bảo lãnh phát hành trong việc xây dựng hồ sơ tổ chức phát hành rất quan trọng. Bởi vì với một bộ hồ sơ tổ chức phát hành tốt, cầu đối với đợt IPO có thể tăng lên nhiều, từ đó sẽ xác định được khoảng giá hẹp, giúp phản ánh đúng giá trị của công ty. Bên cạnh đó, giá của cổ phiếu sau khi được niêm yết sẽ vẫn được giữ ở tình trạng ổn định.
Phương pháp dựng sổ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia hơn các phương pháp khác do giá bán và khối lượng mua đã được xác định trước. Nhờ vậy, tiến độ thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sẽ được đẩy nhanh.
Tuy nhiên, việc thoái vốn theo phương pháp dựng sổ có thể phải kéo dài, tạm hoãn hoặc hủy đợt phát hành khi gặp điều kiện thị trường bất lợi, khiến đợt phát hành không thu hút được sự quan tâm cần thiết của các nhà đầu tư, khiến khối lượng phát hành cũng không đạt mức dự kiến.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC, cho rằng với phương pháp mới này, có thể sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước thu hút các nhà đầu tư chiến lược như trường hợp BSR và PV Oil. Bởi vì giá bán đã được quyết định dựa trên nghiên cứu về nhu cầu thị trường và thông qua các cuộc thương lượng với nhà đầu tư ngay từ giai đoạn chào bán cổ phiếu ban đầu. Giá bán qua phương pháp dựng sổ cao hơn so với định giá khiến Nhà nước thu được nguồn tiền lớn từ việc thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước. “Từ hai trường hợp thí điểm bằng phương pháp dựng sổ sẽ giúp Bộ Tài chính nhân rộng mô hình này và áp dụng các đợt thoái vốn nhà nước trong năm 2018”, ông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.
Phương Hà
DĐDN
|