Tâm điểm thoái vốn Nhà nước
Năm 2018 được cho là năm cao điểm của các đợt thoái vốn Nhà nước khi dự kiến có 181 doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn, chiếm 70% tổng số đơn vị dự kiến sẽ được thoái vốn trong giai đoạn 2018-2020.
Theo báo cáo vừa được đại diện Bộ Tài chính cho biết, 4 đơn vị đã hoàn thành bán cổ phần lần đầu trong 2 tháng qua là: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tổng giá trị thực tế thu về sau IPO của 4 đơn vị trên là 17,913 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo, công tác thoái vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách là trên 676 tỷ đồng với giá trị thu về là trên 713 tỷ đồng. Trước đó, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách sau 2 tháng đầu năm đạt 215,760 tỷ đồng, bằng 16.1% dự toán và tăng 12.7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một đại gia có vốn hóa lớn nhất trên TTCK hiện tại là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, HOSE: GAS) cũng có tên trong danh sách thoái vốn Nhà nước trong năm 2018. Theo kế hoạch, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ thoái vốn giảm tỷ lệ sở hữu tại PV Gas từ 95.8% xuống còn 65% trong 2 năm 2018-2019.
Theo báo cáo ngành khí của Công ty Chứng khoán FPT (FTS) vào tháng 8/2017, GAS đang giữ vị thế chi phối lớn trong lĩnh vực phân phối khí tại Việt Nam khi là doanh nghiệp duy nhất thực hiện hoạt động ở trung nguồn là thu gom khí từ các chủ mỏ, chế biến, lưu trữ và phân phối khí đến các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ.
Bên cạnh vị thế trong ngành, GAS hiện còn là doanh nghiệp có quy mô doanh thu, tài sản lớn nhất trong số các doanh nghiệp dầu khí niêm yết, vốn hóa tính đến ngày 15/12/2017 đạt 166,500 tỷ đồng, đứng thứ tư chỉ sau VNM, VIC và SAB. Tổng tài sản - nguồn vốn cuối tháng 9/2017 đạt 60,200 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông của GAS hiện nay, ngoài 95.79% sở hữu của PVN, khối ngoại cũng đang nắm giữ 3.31% (tính đến ngày 15/12/2017). Như vậy, chỉ có khoảng 0.9% cổ phiếu (tương đương 17.1 triệu cổ phiếu) được nắm giữ bởi nhà đầu tư trong nước, gồm cả cổ phiếu ESOP.
Với vị thế đầu ngành khí trong nước, giá trị tài sản, vốn hóa thuộc hàng “khủng”, câu chuyện thoái vốn của PVN tại GAS đang kỳ vọng tạo sức hấp dẫn lớn trên thị trường. Bên cạnh mức giá thoái vốn, câu hỏi được đặt ra là ai sẽ đứng ra mua lại phần vốn tại “ông lớn” ngành khí này để tham gia chi phối thị trường phân phối các loại khí trong nước, lĩnh vực có rào cản gia nhập cao nhưng triển vọng tăng trưởng lớn nhờ nhu cầu tiêu thụ các loại khí, đặc biệt là LPG, đang tăng nhanh? Đồng thời, cơ chế ưu đãi của PVN tại GAS sẽ thay đổi thế nào sau khi giảm vốn?
Ở một góc độ khác, GAS đã hoàn thành xây dựng và đã được PVN phê duyệt phương án tái cấu trúc giai đoạn 2016-2020. Theo kế hoạch, GAS đang tiến hành xây dựng kế hoạch thoái vốn của PVN tại GAS xuống 65% (hiện PVN đang sở hữu 95.8%); hoàn thành và trình PVN phương án tăng vốn của GAS tại PVG, PGS lên 51% vốn điều lệ. PVN đã có văn bản chấp thuận chủ trương thoái vốn của GAS tại PCG, hiện GAS đang triển khai thực hiện thoái vốn; hoàn thành chấm dứt hoạt động chi nhánh BPOC (Công ty Đường ống khí Lô B-Ô Môn),… Điều mà các cổ đông quan tâm nhất hiện nay đó chính là việc trình PVN phương án tăng vốn của GAS tại PVG, PGS lên 51% vốn điều lệ. Không ít cổ đông đặt câu hỏi lớn về việc có nên tiến hành tăng vốn của GAS tại PVG, PGS hay không? Và điều này có đang đi ngược lại với chủ trương thoái vốn Nhà nước của Chính phủ?
Theo ý kiến của chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, cùng với việc PVN thoái vốn, GAS nên hướng tới chỉ tập trung đảm nhận xây dựng và quản lý hệ thống mạng lưới phân phối khí. Khi đó, nguồn khí đầu vào và đầu ra sẽ do PVN hoặc một công ty con do PVN thành lập quản lý và đảm nhiệm, GAS không còn hưởng lợi từ chênh lệch giá mua - bán mà chỉ còn hưởng phí vận chuyển. Trong báo cáo cập nhập tháng 10/2017, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HCM) nhận định, GAS đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình hưởng chênh lệch giá bán và giá đầu vào cộng với phí vận chuyển đối với sản phẩm khí tự nhiên sang mô hình chỉ hưởng phí vận chuyển. Quá trình này dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn tất. Khi đó, tăng trưởng trong dài hạn của GAS sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng sản lượng.
DỊCH VỤ
FILI
|