Nông dân hỏi Thủ tướng chuyện được mùa mất giá
Hôm nay 9-4, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với nông dân ở Hải Dương. Đến cuối tuần trước đã có trên 1.000 câu hỏi được nông dân khắp nơi gửi đến Thủ tướng.
Bà Nữ (xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) với ruộng dưa hư hỏng do không bán được vào tháng 3-2017 - Ảnh: TRẦN MAI
|
Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - đơn vị tổ chức, các câu hỏi được chia theo nhóm vấn đề như vốn, đời sống nông dân và nông thôn, chính sách thị trường và tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu nông sản...
Trong đó, nhóm câu hỏi về thị trường tiêu thụ nông sản và xuất khẩu nông sản có số lượng câu hỏi gửi đến nhiều nhất, được mùa mất giá, được giá lại mất mùa là vấn đề người nông dân băn khoăn nhất hiện nay.
Nhân dịp này, Tuổi Trẻ đã phỏng vấn phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương về vấn đề đầu ra bền vững cho nông sản.
Mạnh ai nấy làm sẽ được mùa mất giá
* Giá thịt heo đã xuống thấp, năm 2017 có lúc người chăn nuôi chỉ bán được 20.000 đồng/kg heo hơi, thịt rẻ hơn cả rau mà cung vẫn cao hơn cầu, nhưng người tiêu dùng lại vẫn phải mua thịt heo giá cao. Theo ông, có khâu nào đang là bất thường trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản?
Đây là vấn đề, vừa rồi nhiều doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến lớn, chứng minh cho người tiêu dùng sản phẩm của họ đảm bảo chất lượng từ khâu chăn nuôi đến giết mổ và chế biến, người mua thịt tin tưởng thịt đó là thịt sạch và cũng giảm được các khâu trung gian ép giá.
Khâu trung gian hiện là khâu có lợi nhuận cao nhất mà lại ít đầu tư, giờ phải trả lại lợi nhuận cho khâu sản xuất nếu không người sản xuất (nông dân) bị thiệt thòi, bằng cách tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi.
Không chỉ chăn nuôi mà nông sản nói chung nếu sản xuất theo chuỗi cũng đều giảm được rủi ro, do kiểm soát được an toàn thực phẩm, chia sẻ được lợi nhuận giữa các đối tác tham gia sản xuất và kiểm soát được cung cầu, biết được thị trường cần gì.
Còn nếu từng người sản xuất riêng rẽ, tự phát, mạnh ai nấy làm thì lại được mùa mất giá, lại phải "giải cứu"...
Giá thịt heo hơi 3 năm qua - Đồ họa: TẤN ĐẠT
|
* Nếu sản xuất theo chuỗi mà nhận được nhiều lợi ích như vậy, các ông sẽ làm gì để tăng tỉ lệ sản xuất theo chuỗi, tăng hiệu quả sản xuất?
Hiện tỉ lệ sản xuất theo chuỗi chưa cao, chăn nuôi heo khoảng 22%, gia cầm khoảng 20%, các sản phẩm nông nghiệp khác cũng không quá 25%. Muốn thúc đẩy sản xuất theo chuỗi cần thông qua các chính sách.
Nhà nước hỗ trợ thông qua chính sách như khuyến nông, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ nhóm hộ hay hợp tác xã, không hỗ trợ hộ sản xuất riêng lẻ nữa để thúc đẩy nông dân tham gia chuỗi nhanh hơn, người ta thấy tham gia chuỗi sản xuất có lợi hơn thì sẽ tham gia.
Khi các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ đã cùng ở trong chuỗi, sản xuất sẽ theo tín hiệu thị trường do doanh nghiệp lắng nghe và cung cấp thông tin, đặt hàng sản xuất theo phân khúc thị trường nào, loại sản phẩm gì, người sản xuất cũng yên tâm vì đầu ra đã rõ và sản xuất nhịp nhàng như vậy hiệu quả sẽ cao hơn.
Ông Trần Văn Tâm, một hộ chăn nuôi heo tại ấp Phú Trung, xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM theo tiêu chuẩn VietGAP - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Không thể không sản xuất theo chuỗi
* Vai trò của cơ quan chức năng như Cục Chăn nuôi thời gian qua dường như chưa rõ khi hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, nắm tín hiệu thị trường?
Ngay từ năm 2016 và sau đó là 2017, Cục Chăn nuôi rồi Bộ NN&PTNT đã có nhiều khuyến cáo về tình hình thừa thịt heo, nguy cơ thừa thức ăn chăn nuôi... Lúc đó còn có ý kiến là bộ vi hiến, can thiệp vào quyền sản xuất kinh doanh của người ta, nhưng chúng tôi đã nói rằng đó là khuyến cáo về tình hình thị trường có vấn đề, cần phải cắt giảm nguồn cung.
Tuy nhiên, tác động chưa được nhiều vì chu kỳ vòng đời của heo dài và cắt giảm heo nái không tác động ngay được đến thị trường heo thịt, nhưng đến nay giá cũng đã bắt đầu ổn định hơn.
Trong thời gian trước mắt, những người chăn nuôi và trồng trọt chuyên nghiệp cũng nhìn ra tín hiệu thị trường, còn người chăn nuôi/trồng trọt nhỏ lẻ, nhóm hộ hay hộ gia đình hãy theo dõi các bản tin thị trường của ngành nông nghiệp, trên báo chí, không chạy theo lợi nhuận trước mắt nếu có tình trạng khan hiếm nông sản thì ào ào trồng, nuôi theo mà không kiểm soát chất lượng rồi lại thừa ế vì vượt quá khả năng thị trường, mà nên tìm lối đi riêng biệt.
* Hôm nay 9-4, lần đầu tiên Thủ tướng đối thoại trực tiếp với nông dân, vấn đề nông dân quan tâm nhất là đầu ra cho nông sản và các chính sách thị trường. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thế mạnh của nông dân khi tham gia thị trường nông sản hiện nay?
Nông dân VN kinh nghiệm không kém, lại có lợi thế thị trường 94 triệu dân, nhưng nông dân phải thay đổi thói quen, sản xuất theo nhu cầu thị trường, chính người sản xuất giờ đang quyết định thị trường cho mình vì giờ đây ngay cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu người ta đều yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc ở đâu, nguyên liệu ở đâu, có an toàn không...
Vì thế, đến lúc này không thể không sản xuất theo chuỗi, không thể không liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Liên tục phải "giải cứu" nông sản
6 tháng đầu năm 2017 có trên 10 loại nông sản bị thừa ế, giá xuống thấp và cần phải "giải cứu". Cụ thể, có thịt heo, chuối ở Đồng Nai và Tây Ninh, rau Đà Lạt, cà chua Hưng Yên, bí đỏ ở Đắk Lắk...
Trong các tháng đầu năm 2018 lại tiếp tục xảy ra một số khu vực thừa ế nông sản, trong đó trước và sau Tết Nguyên đán xảy ra vụ ế hoa ly tại Hà Nội, củ cải bị nhổ bỏ do không tiêu thụ kịp cũng ở Hà Nội, su hào phải chặt bỏ ở Hải Dương.
* So sánh thu nhập bình quân của nông dân với mức trung bình cả nước - Đồ họa: TẤN ĐẠT
|
Lan Anh thực hiện
Tuổi trẻ
|