Bộ NNPTNT thừa nhận nguy cơ vỡ trận cây có múi vì diện tích quá lớn
Đó là ví von của ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) về tình hình phát triển cây có múi một cách ồ ạt ở các địa phương hiện nay. Nếu không có các giải pháp khuyến cáo kịp thời thì rất có thể sẽ có nhiều cuộc giải cứu cam, quýt, bưởi trong tương lai không xa.
Diện tích tăng chóng mặt
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện nay, cam, bưởi, quýt nằm trong top 15 loại cây trồng có diện tích lớn nhất (trên 100.000ha) và sản lượng lớn nhất (trên 100.000 tấn/năm) trong sản xuất cây ăn quả nước ta hiện nay, cùng với chuối, xoài, vải, nhãn, thanh long, dứa, sầu riêng, chôm chôm, mít, chanh và ổi.
Phong trào nhà nhà trồng cam, người người trồng bưởi diễn ra ở nhiều địa phương các tỉnh phía Bắc. Ảnh: IT.
|
Trong đó, một số địa phương vùng Trung du miền núi phía Bắc đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm. Tổng diện tích cam, quýt, bưởi của vùng đạt khoảng 43.500ha, chiếm 23,5% diện tích cây ăn quả toàn vùng, chiếm 60% diện tích cam, quýt, bưởi các tỉnh phía Bắc (72.600ha) và bằng 27,6% diện tích cây có múi cả nước (157.400ha).
Có thể nhận thấy, trong định hướng phát triển nông nghiệp của nhiều địa phương các tỉnh phía Bắc luôn dành một vị trí trang trọng cho cây có múi. Yên Bái đã và đang tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cam Văn Chấn, bưởi Đại Minh và cam Lục Yên; tỉnh Tuyên Quang cũng có nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây ăn quả có múi (chủ yếu là cam sành) tại những vùng sinh thái có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp như Hàm Yên, Chiêm Hóa,…
Là quê hương của vải thiều vậy mà vài năm trở lại đây, nhiều diện tích vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng phải nhường chỗ cho các loại cây có múi (cam Canh, cam Vinh). Theo Phòng NN&PTNT Lục Ngạn, toàn huyện hiện có khoảng 5.200ha cây ăn quả có múi, tăng 1.300ha so với năm 2016. Năm 2017, sản lượng cây ăn quả có múi ước đạt 40.000 tấn, tăng hơn 10.400 tấn so với vụ trước. Lợi nhuận khủng từ các loại cây ăn quả có múi khiến giá thuê đất sản xuất ở địa phương này cao ngất ngưởng, dao động từ 50 – 100 triệu đồng/sào, cá biệt có những địa phương như xã Hồng Giang, nơi phong trào trồng cây có múi đang phát triển mạnh mẽ, giá thuê lên đến 100 triệu đồng/sào.
Bưởi da xanh giờ không còn là đặc sản Bến Tre và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà đã được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trồng và đã có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Sở NN&PTNT tỉnh này cũng xác định, trồng cây ăn quả có múi là một trong những hướng đi mới, được ưu tiên phát triển.
Dự cảm…vỡ trận trong tương lai
Cho đến thời điểm này, trồng cây ăn quả có múi vẫn là hướng đi cho lợi nhuận khủng. Chỉ cần một vụ “được mùa trúng giá” nông dân sẽ có tiền tỷ trong tay. Vậy nên, việc nông dân ở khắp các địa phương bỏ lúa và nhiều cây trồng khác để trồng cây ăn quả có múi cũng là điều dễ hiểu.
Việc phát triển ồ ạt dễ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: IT.
|
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II.2018 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận, diện tích cây ăn quả có múi đang tăng trưởng chóng mặt. Đơn cử, năm 2017, đã có 22.000ha cây ăn quả có múi “phình ra” so với năm 2016, trong đó, diện tích cam hiện tại là 90.000ha, tăng 10.000ha; diện tích bưởi tăng 13.000ha so với năm 2016.
“Đây là những loại cây đòi hỏi cao về điều kiện đất đai nhưng sản phẩm lại chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa vậy mà mấy năm nay nông dân đua nhau mở rộng diện tích. Kết quả, hiện nay, cây có múi đang phát triển tưng bừng” - ông Cường ví von.
Về quy hoạch đối với cây có múi, ông Cường khẳng định, theo quy định mới là không có quy hoạch, và tới đây cũng sẽ không có, đặc biệt là với những loại cây diện tích trồng không ở phổ rộng như cây có múi. Tuy nhiên, nhận thấy sự phát triển quá nóng, cuối tháng 3.2018, Cục Trồng trọt cũng đã có văn bản khuyến cáo các địa phương cần phát triển cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó có diện tích trồng cây có múi, giảm tối đa tình trạng được mùa mất giá, thị trường phải tham gia giải cứu nông sản.
“Nông nghiệp sản xuất theo thị trường. Bộ NN-PTNT không được phép yêu cầu địa phương, nông dân không được trồng cây này, cây kia. Có chăng chỉ là ra văn bản khuyến cáo địa phương, nông dân sản xuất như thế nào cho hợp lý, giảm tối đa rủi ro”, ông Cường cho hay.
Theo ông Phạm Ngọc Lin, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương), để hạn chế các rủi ro trong phát triển cây ăn quả có múi, cần có hệ thống các giải pháp kinh tế, kỹ thuật đồng bộ. Một trong những giải pháp có hiệu quả là sử dụng cơ cấu giống rải vụ phù hợp; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cây ăn quả có múi: tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, tưới nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa, tiến hành tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện kích thước quả, áp dụng kỹ thuật bao quả để hạn chế phun thuốc trừ sâu và ruồi đục quả…
Không chỉ đối mặt với nguy cơ vỡ trận, việc phát triển quá ồ ạt không theo quy hoạch có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh. Trên thực tế, khoảng năm 2015, bệnh vàng lá greening, một loại bệnh có thể coi là “vô phương cứu chữa” với cây cam, quýt đã được phát hiện tại Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Nội và Thái Nguyên; với 16,6% mẫu cam sành Hà Giang, 72,7% quýt ngọt Bắc Sơn (Lạng Sơn), 100% mẫu chanh Thanh Yên, 50% mẫu chanh giấy và 100% mẫu cam Vinh dương tính với bệnh, tập trung với các biểu hiện đặc trưng của bệnh là lá nhỏ, vàng lốm đốm, gân xanh và phiến lá hẹp. Rõ ràng, những nguy cơ này cũng cần phải được tính đến và có giải pháp phòng tránh ngay từ đầu nếu không muốn thất bại.
Anh Thơ
DÂN VIỆT
|