Người bị tố cầm đầu nhóm Ifan lừa 15.000 tỉ: 'Không liên quan tới tôi'
Ông Diệp Khắc Cường, người bị tố cùng với nhóm sáng lập tiền ảo Ifan - Công ty Modern Tech - chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng, vừa lên tiếng khẳng định không liên quan đến vụ việc lừa đảo.
Các nạn nhân tố cáo bị Ifan lừa tiền đã tập trung tại một địa điểm trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) chiều hôm qua để tập hợp đơn kiện - Ảnh: TỰ TRUNG
|
Ông Diệp Khắc Cường là chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển Mạng lưới hữu nghị (FNC), hoạt động trong lĩnh vực giải trí, làm đẹp, thời trang, công nghệ kỹ thuật số. Ông cho biết có một nhóm sáng lập Ifan đặt vấn đề với ông để hợp tác làm tiền ảo và ICO (phát hành tiền ảo) huy động vốn.
Dù chưa có văn bản thỏa thuận nào được ký kết giữa ông và Ifan nhưng nhóm này đã dùng uy tín của ông và FNC chào mời nhà đầu tư nhằm huy động vốn.
"Do không biết công ty này có dấu hiệu lừa đảo nên năm 2017 tôi có tham dự 2 buổi nói chuyện giới thiệu về các dự án và hoạt động của FNC theo lời mời của Ifan", ông Cường cho hay.
Sau đó nhóm Ifan đã lợi dụng uy tín của ông và FNC để huy động tiền, chia nhau trục lợi nên ông đã lên mạng cảnh báo nhà đầu tư. Từ đó, FNC không còn liên quan đến việc bán ICO phục vụ cho động cơ của Ifan…
"Nhóm Ifan và công ty Modern Tech đã huy động rất nhiều tiền của nhà đầu tư và không thực hiện một dự án nào như thảo thuận ban đầu, họ còn thành lập một công ty khác để tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều người" - ông Cường cho biết.
Hiện ông Cường đang thuê luật sư để làm việc với cơ quan chức năng và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ vụ việc nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình, cũng như những nhà đầu tư bị lừa gạt.
Thông cáo được ông Diệp Khắc Cường đưa lên trang cá nhân cuối ngày hôm nay.
|
Trước đó, ông Diệp Khắc Cường là người bị nêu tên trong đơn kiện của các nhà đầu tư đã rót vốn vào đồng tiền ảo Ifan và Pincoin do Công ty Modern Tech phát hành sau đó bị mất sạch vốn. Ông cũng được in hình trên băngrôn và được nhà đầu tư căng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) hôm 8-4 để cầu cứu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, giải quyết vụ việc.
Trong các đơn kiện, ông Diệp Khắc Cường bị nêu tên với vai trò là người sáng lập Ifan, cùng với 6 cá nhân khác, gắn mác dự án từ Singapore, nhằm mục đích là tạo lòng tin với các nhà đầu tư và nhằm trốn tránh luật pháp VN.
Sau đó công ty này đứng ra huy động vốn hứa hẹn trả lãi suất lên tới 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng và khi lôi kéo thêm được người mới sẽ nhận thêm hoa hồng 8%.
Nhóm Công ty Modern Tech đã lôi kéo được khoảng 32.000 người chơi tham gia với tổng số tiền huy động được khoảng 15.000 tỉ đồng.
Theo người chơi, các đối tượng cầm đầu trong đường dây có rất nhiều chiêu để thu hút người chơi, cụ thể như thường xuyên tổ chức rất nhiều đợt giới thiệu ở những trung tâm sự kiện hoành tráng và mời nhà đầu tư tham dự.
Đầu tiên họ tổ chức sự kiện tại khách sạn ở Vũng Tàu. Trong buổi tiệc đó có bốc thăm ra những người may mắn được mua. Trong buổi tiệc cả ngàn người tham dự thì chỉ có hơn 10 người được mua. Sau đó, những người không lọt được vào danh sách phải mua lại từ những người may mắn trong danh sách.
Sau đó nhóm này còn tổ chức những sự kiện liên tiếp tại TP.HCM và mời những ca sĩ nổi tiếng. Cứ mỗi sự kiện giá bán Ifan lại được nâng lên.
Thấy giá lên và nghe giới thiệu hoành tráng nhiều người lại tin tưởng mua tiếp. Cho đến khi người chơi sở hữu lượng đồng Ifan lớn thì họ đổi hình thức trả thưởng và quy ra Ifan với giá cắt cổ là 5 USD/Ifan, cao hơn gấp 500 lần giá trị thực.
A.HỒNG
TUỔI TRẺ
|