Luồng tàu bồi lắng, phí logistics cao cản trở ĐBSCL xuất khẩu trực tiếp
Luồng cho tàu biển vào các cảng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị bồi lắng cũng như chi phí liên quan dịch vụ logistics còn quá cao là những nguyên nhân khiến khu vực này chưa thể xuất khẩu trực tiếp hàng hóa ra nước ngoài, dù có tiềm năng thật sự.
Trong ảnh là một góc Tân Cảng Cái Cui ở thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh
|
Đánh giá chung của các đại biểu tham dự buổi làm việc của Cục Hàng hải, UBND thành phố Cần Thơ cùng các đơn vị liên quan diễn ra ở địa phương này vào chiều hôm nay, 19-4, cho thấy ĐBSCL là khu vực có nhiều tiềm năng với sản lượng hàng hóa sản xuất để phục vụ xuất khẩu rất lớn.
Ông Vũ Khánh Dương, Giám đốc khu vực Tây Nam bộ của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, sản lượng hàng hóa luân chuyển năm 2017 của vùng ĐBSCL ước đạt 17-18 triệu tấn với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, gồm thủy sản 3,3 triệu tấn; rau củ quả 4 triệu tấn; gạo 4,3 triệu tấn...
Tuy nhiên, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng vận tải của Cục Hàng hải thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua cảng Cần Thơ - cảng lớn nhất ở ĐBSCL - còn rất hạn chế và chỉ bằng 50-60% công suất thiết kế của cảng.
“Trong đó, hàng container qua cảng Cần Thơ trong năm 2017 chỉ đạt trên 99,4 triệu TEUs, chiếm chỉ 1% tổng lượng hàng container qua cảng biển Việt Nam”, ông Cường cho biết.
Về nguyên nhân, các đại biểu tham dự cuộc họp cho biết, thứ nhất, do luồng tàu biển vào sông Hậu (cảng Cái Cui) thông qua kênh Quan Chánh Bố sau một thời gian đưa vào hoạt động đã bị bồi lắng, không còn khả năng đáp ứng nhu cầu cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào; thư hai, do các khoản phí dịch vụ liên quan logistics cao, cho nên, chưa thể kích thích các hãng tàu tham gia.
Cụ thể, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, các loại phí logistics còn rất cao, trong khi các hãng tàu đã làm ăn lâu năm ở TPHCM và định hình được bộ máy hoạt động nên rất khó để họ chuyển về Cần Thơ, nếu không có những chính sách thu hút. “Tôi giới thiệu họ về đây, nhưng người ta nói có bộ máy ở trên đó (TPHCM) rồi", ông nói và cho rằng điều các hãng tàu quan tâm ở Cần Thơ là có những ưu đãi gì tốt hơn so với TPHCM.
Bên cạnh đó, theo ông Toại, một vấn đề khác cần nhanh chóng giải quyết hiện nay để thu hút các hãng tàu về ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng là cần “khơi thông” luồng Quan Chánh Bố vì hiện nay luồng này đã bị bồi lắng.
Về vấn đề này, ông Dương của Tân Cảng Sài Gòn cho biết, sau một thời gian khai thác, hiện đơn vị này đã tạm ngưng kết nối các tuyến tàu trực tiếp ra nước ngoài do luồng Quan Chánh Bố không còn đáp ứng được yêu cầu cho thuyền ra vào.
Ông Cường cho biết, về luồng hàng hải mà cụ thể là luồng Quan Chánh Bố là vấn đề vướng lớn nhất ở ĐBSCL, cho nên, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề này nhằm khơi thông và tiếp tục duy trì các tuyến tàu container vào cảng Cái Cui.
Trong khi đó, theo ông Toại, việc giảm thuế phí các loại liên quan đến logistics cần được tính toán. Bởi, dịch vụ logistics của Cần Thơ cũng như người mới “khởi nghiệp” nên cần phải có một cơ chế chính sách phù hợp. “Bây giờ mình còn mới, người ta chưa đến, thì phải có chính sách giảm giá để khuyến khích người ta đến nhiều hơn”, ông gợi ý.
Đồng quan điểm, ông Dương cũng gợi ý Cục Hàng hải và các đơn vị liên quan cần xem xét giảm các khoản phí liên quan đến dịch vụ logistics về ở mức hợp lý để kích thích các hãng tàu tăng cường khai thác, xuất khẩu trực tiếp hàng hóa từ ĐBSCL.
Trung Chánh
TBKTSG
|