Lập ba đặc khu sẽ thu được gì?
Việc nghiên cứu mô hình chính quyền địa phương đã được dành thời lượng thích đáng, nhưng vấn đề kinh tế lại chưa được thảo luận kỹ...
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý hoàn thiện dự thảo luật.
|
Câu hỏi lớn cần phải trả lời là ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước, chúng ta phải bỏ ra cái gì và thu được cái gì?
Đây là vấn đề được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 16/4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Kinh tế thì không thể định tính
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự án luật, nêu 9 vấn đề về tổ chức chính quyền địa phương, cơ chế chính sách đặc biệt liên quan đến đất đai, ngành nghề ưu tiên phát triển, có điều kiện... Trong đó phần giải trình về tổ chức chính quyền địa phương được đề cập đầu tiên.
Băn khoăn của Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển là thời gian qua việc nghiên cứu mô hình chính quyền địa phương đã được dành thời lượng thích đáng, nhưng vấn đề kinh tế lại chưa được thảo luận kỹ. Trong khi mục tiêu chính của việc lập ba đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan toả, phát huy lợi thế so sánh của từng khu vực để tạo ra sự phát triển nhanh chóng.
"Và đã là kinh tế thì hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu, câu hỏi mà cơ quan soạn thảo, Chính phủ phải trả lời là 3 đặc khu này mang lại lợi ích gì cho đất nước và chúng ta phải bỏ ra cái gì và thu được cái gì, trong ngắn hạn có thể chưa có hiệu quả nhưng dài hạn thì phải thu được kết quả tích cực", ông Hiển nhấn mạnh.
Theo Phó chủ tịch thì cả trong báo cáo giải trình tiếp thu của cơ quan thẩm tra và báo cáo giải trình của Chính phủ đều chưa nói rõ sẽ xử lý vấn đề kinh tế, hiệu quả như thế nào.
Ví dụ có thông tin các đặc khu này muốn phát triển cần hơn 1 triệu tỷ, vậy ngân sách trong 3 năm tới của nhiệm kỳ này, 5 năm của nhiệm kỳ sau, 10 năm sau là bao nhiêu.
Cho biết là chưa nhận được số liệu chính thức, song có thông tin Phú Quốc cần 900 ngàn tỷ, ngân sách bỏ ra 19%. Vân Đồn cần vài trăm ngàn tỷ, ngân sách bỏ ra 10%, ông Hiển cho rằng vậy phải tính toán xem cần có nguồn lực như thế nào trong kế hoạch trước mắt là 3 năm và về sau. Vì, nói phải đi đôi với thực hiện, chứ chỉ tính toán mà chưa chỉ được ra nguồn thì khó.
Bên cạnh phần ngân sách bỏ ra trực tiếp, ông Hiển còn lưu ý việc miễn, giảm, giãn thuế thì cũng là ngân sách.
"Đã làm kinh tế thì phải đặt trên mặt bàn thu, chi như thế nào. Phải nhìn nhận tổng quát nhất chứ chỉ nhìn định tính thì khó. Đã làm kinh tế mà định tính thì không thể đưa ra các quyết định đúng đắn được", ông Hiển nói.
Làm rõ thế nào là đặc biệt
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, quy định về thời hạn sử dụng đất trong dự thảo đã được chỉnh lý: căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu nhưng không quá 70 năm. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì phải làm rõ thế nào là đặc biệt, tránh cho cơ chế đặc biệt tràn lan quá dẫn tới không đặc biệt nữa.
Nhấn mạnh ba đặc khu là những vùng đất có giá trị rất cao, có thông tin giá đất ở Vân Đồn đã tăng 2, 3 lần, Phú Quốc đất cũng đang sốt, ông Hiển cho rằng cần phải toán chính sách hợp lý không nên miễn giảm quá mức như như dự thảo luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng cần phải làm rõ tiêu chí đặc biệt để khi vận hành thì Thủ tướng khỏi phải đi xin ý kiến chỗ này chỗ kia rồi mới quyết được dẫn đến thời gian bị kéo dài.
Liên quan đến ngân sách, dự thảo luật được chỉnh lý quy định ngân sách đặc khu là một cấp thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện.
Ngân sách tương đương cấp huyện thì sẽ phá sản ngay, quy mô ngân sách riêng đặc khu có khi còn to hơn toàn tỉnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý, các đặc khu cần lập dự toán thu chi, bội chi theo ngân sách nhà nước, nên quy định trong 10 năm ngân sách thu không điều tiết, để lại toàn bộ, số tăng thu cũng để lại cho đặc khu trong 10 năm để lấy nguồn lực đầu tư.
Đồng thời chính quyền đặc khu phải chịu trách nhiệm toàn bộ về chi thường xuyên, từ giáo dục, y tế,bộ máy… Quan điểm của ông Hiển là đặc khu có thể cho bội chi đến mức 90% so với mức thu trên địa bàn. Ngân sách Trung ương sẽ tính toán để hỗ trợ cho ngân sách đặc khu, hỗ trợ trực tiếp chứ không qua ngân sách tỉnh.
Nguyễn Lê
VNECONOMY
|