Khánh Hòa dừng cấp phép, xử 'bảo kê' khai thác khoáng sản
Hiện nay, ở Khánh Hòa việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi, đất, đá làm vật liệu xây dựng (gọi tắt là khoáng sản xây dựng) hết sức phức tạp, ảnh hưởng cuộc sống người dân nhưng nhiều vi phạm không bị xử lý kịp thời, gây bức xúc dư luận.
Khai thác, kinh doanh khoáng sản cát xây dựng tại TP Nha Trang (Khánh Hòa)
|
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc khai thác khoáng sản đã gây sạt lở nhiều nơi. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia, thất thu ngân sách nhà nước, gây mất trật tự, an toàn xã hội nhiều nơi và làm hư hỏng hạ tầng giao thông khi vận chuyển khoáng sản xây dựng...
Mấy năm qua, người dân ở nhiều nơi tại Khánh Hòa đã phản ánh, kêu ca rất nhiều về tình trạng khai thác khoáng sản kể trên. Vì đã gây ảnh hưởng, tác động xấu đến cuộc sống, sản xuất của rất nhiều gia đình. Thế nhưng, theo UBND tỉnh Khánh Hòa "công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp còn hạn chế... Các vi phạm xảy ra nhiều nhưng chưa được kịp thời chấn chỉnh, xử lý" khiến dân bức xúc.
Khoáng sản cát xây dựng của một doanh nghiệp đã khai thác, kinh doanh tại TP Nha Trang (Khánh Hòa)- Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
|
Theo chỉ thị cách đây gần bốn tháng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa mới vừa ban hành kế hoạch thực hiện tăng cường quản lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản xây dựng trên địa bàn tỉnh để xử lý, chấn chỉnh các tình trạng đã nêu. Tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan và chính quyền các cấp huyện, xã thực hiện nhiều biện pháp để xử lý vi phạm, quản lý khoáng sản, lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản xây dựng trên địa bàn.
Theo kế hoạch vừa ban hành, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở TNMT, trong năm 2018 phải tạm ngưng tham mưu cấp phép mới và kiên quyết không đề xuất gia hạn khai thác khoáng sản xây dựng tại các khu vực nhạy cảm, có khả năng sạt lở, ảnh hưởng đời sống người dân.
Sở TNMT Khánh Hòa còn được chỉ đạo phải tăng cường công tác hậu kiểm, kiên quyết xử lý vi phạm; không đề xuất gia hạn khai thác cho các tổ chức, cá nhân đã có hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản; kiến nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các trường hợp tái phạm.
Một cơ sở khai thác, kinh doanh khoáng sản cát xây dựng ở xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang (Khánh Hòa) -Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
|
Các sở chuyên ngành, các địa phương của Khánh Hòa, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hải phối hợp kiểm tra, xác định nguồn gốc khoáng sản xây dựng, sản lượng thực tế khai thác, vận chuyển của các dự án trên địa bàn để cung cấp cho cơ quan Thuế tỉnh rà soát, đối chiếu việc thu nộp thuế, phí bảo vệ môi trường cho ngân sách nhà nước. Đối với các trường hợp lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp hoạt động mua bán hóa đơn, giấy tờ có giá trị giả để hợp pháp hóa nguồn gốc khoáng sản khai thác, kinh doanh trái phép, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan phải phát hiện, xử lý nghiêm để hạn chế và dần chấm dứt tình trạng vi phạm đó.
Một điểm khai thác cát sông Cái tại huyện Diên Khánh (Khánh Hòa)- Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
|
UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu Công an tỉnh Khánh Hòa phải "điều tra, xử lý các băng nhóm, đối tượng có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành, bảo kê trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản xây dựng". Đối với các vụ việc vi phạm khai thác khoáng sản xây dựng trái phép; mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, tỉnh yêu cầu Công an tỉnh phải xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, nhất là các vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra.
Công an tỉnh Khánh Hòa còn có trách nhiệm phải phối hợp các cơ quan, đơn vị để "kịp thời phát hiện, xử lý các cán bộ, công chức, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ hoặc tiếp tay, bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản xây dựng trái phép"./.
Lắp camera giám sát khai thác, kinh doanh khoáng sản
UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở TNMT hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cát, sỏi, đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường phải lắp camera giám sát tại các bãi tập kết, trạm cân, đường khu vực mỏ; kết nối và sử dụng dữ liệu trích xuất từ camera giám sát để quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, Sở TNMT phải thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép…(P.S.NGÂN)
|
Phan Sông Ngân
Tuổi trẻ
|