Hòa Bình sẽ giải quyết bài toán dòng tiền như thế nào?
Là một doanh nghiệp đầu ngành có tốc độ tăng trưởng vượt bật trong 3 năm qua, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đã nhận được sự tin tưởng từ nhiều đối tác lớn. Song, bên cạnh tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh ấn tượng đó, bài toán khó mà HBC sẽ phải giải quyết đó là câu chuyện về dòng tiền cũng như liên quan đến các khoản phải thu.
Trong năm 2017, HBC tiếp tục đẩy mạnh loại hình Design & Build (Thiết kế - Xây dựng), nâng tỷ trọng giá trị các hợp đồng ký mới của loại hình này trong năm 2017 lên 29.6%. Tổng doanh thu năm 2017 đạt 16,037 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2016. Sự tăng trưởng này nhờ vào việc Hòa Bình đã giữ được uy tín, thương hiệu trong việc thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và an toàn, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt 860 tỷ đồng, tăng 51.5% so với năm 2016 và vượt 4% kế hoạch. Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) năm 2017 đạt 6,617 đồng. Thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) đạt 44.5%, thu nhập trên tổng tài sản (ROA) đạt 6.8%.
Như vậy, chỉ tính trong 3 năm qua (2015-2017), doanh thu đã tăng hơn gấp 3 lần, lợi nhuận tăng hơn gấp 10 lần và tổng lợi nhuận trong hai năm lớn hơn cả vốn chủ sở hữu đầu kỳ. Nếu xét trên góc độ tăng trưởng, Hòa Bình đã bỏ xa các đổi thủ cạnh tranh của mình.
Song, bên cạnh kết quả ấn tượng đó, HBC vẫn để lại mối lo ngại trong lòng nhà đầu tư khi gia tăng các khoản phải thu cũng như vấn đề về dòng tiền. Cụ thể, đến cuối năm 2017, tổng giá trị phải thu ngắn hạn HBC ở mức hơn 9,190 tỷ đồng, trong đó phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng hơn 4,673 tỷ đồng (tăng hơn 1,700 tỷ so với đầu năm), phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 43%. Cùng với đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Lê Viết Hải cho rằng, khách hàng của HBC hiện nay đa phần là các Tập đoàn lớn có năng lực mạnh như Vingroup, MIK group, Sun Group, Gamuda Land, BRG Group. Hơn nữa, khi HBC bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh thì doanh số tăng nhanh và khoản phải thu tăng cũng là tất yếu.
Ông Lê Quốc Duy – Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ HBC cho biết thêm, hiện Công ty đang rất lưu ý về các khoản thu và sẽ rà soát chặt chẽ hơn các khoản thu và chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ thu tiền.
Còn giải quyết bài toán về dòng tiền, ông Duy cho biết, ngoài việc phát triển ngành xây dựng, HBC cũng sẽ thực hiện chuyển nhượng một số bất động sản đang đến thời điểm thu hoạch như là Dự án KDC Hoà Bình - Long Thới 4ha. Một số bất động sản do công ty con là Tiến Phát cũng sẽ bắt đầu tạo ra lợi nhuận.
Ngoài ra, HBC cũng lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ tối đa 25% sau khi tiến hành trả cổ tức năm 2017. Mức giá phát hành cho cổ đông chiến lược sẽ không thấp hơn 2 lần so với giá trị sổ sách.
“Việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là một điều kiện quan trọng với HBC nhằm tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới. Khả năng tài chính của HBC vẫn rất tốt và đó không phải là vấn đề quá nghiêm trọng như các nhà đầu tư quan ngại”, ông Hải chia sẻ.
Cũng theo Ban lãnh đạo HBC, ngay trong quý 2/2018 này, nhà đầu tư sẽ nhìn thấy dòng tiền kinh doanh của HBC sẽ được cải thiện đáng kể. Do đặc thù ngành xây lắp trong quý 1 có thời gian nghỉ Tết kéo dài nên thủ tục thanh toán thường chậm, chủ đầu tư không mở bán hàng nên dòng tiền thanh toán có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, từ quý 2 trở đi, dòng tiền của HBC sẽ được cải thiện.
Trong tương lai, thị trường trong nước không còn đủ cho HBC phát triển
Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết, ngành xây dựng trong nước nhìn chung vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm nay dù không còn thuận lợi như trước. Nhưng dù thế nào đi nữa, thậm chí thị trường có khủng hoảng thì HBC vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng. Điều này có được là nhờ HBC tạo dựng được lợi thế kiềng ba chân: văn hóa công ty, hệ thống quản lý cũng như về công nghệ.
Trong tương lai không xa, thị trường trong nước sẽ không còn đủ để HBC phát triển. Do đó, việc vươn xa ra thị trường nước ngoài là một chiến lược đã được Tập đoàn hướng đến, ông Hải nói thêm.
Đối với thị trường trong nước, HBC sẽ phát triển sang lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng. Cụ thể, đối với lĩnh vực công nghiệp, HBC đã trở thành nhà thầu chủ lực cho dự án Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát. Vấn đề quan trọng của HBC là có được hệ thống quản lý tốt cùng văn hóa tốt nên câu chuyện phát triển mảng công nghiệp và hạ tầng chỉ là vấn đề thời gian.
Đối với thị trường nước ngoài, đến nay HBC là đơn vị duy nhất thi công căn hộ, dự án cao tầng ở Myanmar và Malaysia. Ông Hải cũng chia sẻ, mặc dù doanh thu và lợi nhuận ở thị trường nước ngoài là chưa cao nhưng đây là hướng đi cần thiết và đúng đắn cho bước phát triển của HBC sau này.
Được biết, trong năm 2018, HBC đặt chỉ tiêu doanh thu 20,680 tỷ đồng và lãi 1,068 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 30% và 24% so với kết quả năm 2017.
Theo Ban lãnh đạo HBC, hiện tổng giá trị hợp đồng dự trữ tại 31/12/2017 là 21,250 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2018 là 12,135 tỷ đồng, còn lại thực hiện từ năm 2019. Quý 1/2018, HBC đã trúng thầu các hợp đồng mới với tổng giá trị 3,810 tỷ đồng, dự kiến thực hiện năm 2018 là 3,111 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng dự kiến sẽ ký tiếp trong 3 quý còn lại của năm 2018 là 23,190 tỷ đồng, trong đó dự kiến sẽ thực hiện 6,710 tỷ đồng trong năm 2018. Do đó, việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2018 của Hòa Bình khá lạc quan.
Phương Châu
FILI
|