ĐHĐCĐ: TTF đã "sống lại" nhưng còn 3 vấn đề phải giải quyết dứt điểm trong năm 2018
Doanh số TTF quý 1/2018 gần 200 tỷ đồng và có lãi.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) diễn ra ngày 27/04, Ban lãnh đạo Công ty đã có chia sẻ về tình hình hoạt động kinh doanh trong năm qua cũng như nêu lên những tồn tại cần giải quyết năm 2018.
Thứ tự ưu tiên năm 2017 là làm TTF “sống lại”
Mở đầu đại hội, ông Mai Hữu Tín – Tổng Giám đốc TTF chia sẻ: “Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 năm trước, chúng ta đã cam kết với nhau con số kinh doanh 2017. Khi nhận nhiệm vụ, chúng ta xác định TTF “bệnh” rất nặng với rất nhiều loại ung bướu trên người, do đó nhiệm vụ là làm sao để “cơ thể” TTF có thể sống trở lại”.
Kết quả là doanh thu 2017 đạt 1,363 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với 2016 và đây là con số thật.
Theo ông Tín, việc phát hành thành công cổ phiếu năm 2017 giúp bổ sung nguồn vốn 700 tỷ đồng góp phần đáng kể vào công tác phục hồi sức khỏe TTF.
“Thứ tự ưu tiên năm 2017 là làm TTF sống lại, do đó, kết thúc năm 2017 vẫn còn 3 vấn đề còn tồn tại mà TTF cần giải quyết tiếp năm 2018 là tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm; các khoản chi phí và khoản đầu tư ngoài ngành”, ông Tín nói thêm.
ĐHĐCĐ thường niên 2018 của TTF
|
“Khó khăn gì lôi ra hết, để sau đó làm lớn, làm chết bỏ”
Theo kế hoạch trình ĐHĐCĐ được cổ đông thông qua, năm 2018, TTF đặt mục tiêu doanh thu đạt 1,520 tỷ đồng, tăng 11.5% so năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 76.6 tỷ đồng, gấp gần 32 lần so với thực hiện 2017.
Vì sao đầu tư TTF?
Trả lời câu hỏi cổ đông vì sao lại đầu tư vào TTF, ông Mai Hữu Tín bộc bạch: “Tôi muốn cứu một doanh nghiệp lớn trong ngành không bị phá sản. Không muốn TTF lọt vào tay nhà đầu tư ngoại và tất cả công nhân tốt ở đây mất việc”.
“Khi tin vào tương lai của mình, đủ sức vạch ra con đường đi thì người khác sẽ cùng làm với bạn. Không có lý do gì một doanh nghiệp đẹp như vậy khi xóa hết tồn tại lại không được mọi người yêu mến”.
|
Năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục tập trung phát triển nhóm khách hàng công trình, đặc biệt là các hợp đồng đã ký kết với Vingroup (VIC). Công ty cũng đẩy mạnh hơn mảng sản xuất xuất khẩu. Dự kiến tăng trưởng doanh thu tại các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Một vấn đề quan trọng nữa được cổ đông thống nhất là xử lý hàng tồn kho, phải thu khó đòi và đầu tư ngoài nhà máy chính.
Theo ông Tín, hướng xử lý thanh lý hàng tồn kho là TTF thực hiện phân loại hàng tồn kho thành nhóm tương đương chất lượng, cùng giá trị, nhóm nhỏ để có nhiều người mua. Một số hàng tồn kho bị ngân hàng nắm giữ, TTF chỉ lấy được khi trả được nợ, khi đó mới thực hiện phân loại để bán.
Dự kiến lô hàng tồn kho nguyên liệu giá trị 316 tỷ và tồn thành phẩm 46 tỷ đồng sẽ được đấu giá rộng rãi. Song, một số nguyên liệu sẽ giữ lại để TTF sử dụng.
Đối với việc thoái vốn, ông Hồ Anh Dũng – Chủ tịch TTF cho biết, hiện phần trả lãi vay của TTF là rất nặng. Nguyên nhân là do trước đây thực hiện vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn trong khi không tập trung sản xuất công nghệ, công suất tại nhà máy chính cho nên HĐQT quyết định đề nghị thoái vốn ngoài ngành.
Thời điểm này, TTF còn 14 công ty con và liên kết với giá trị 349 tỷ đồng trong nhiều lĩnh vực gồm sản xuất, trồng rừng, làm thương mại… Hoạt động bán lại Công ty con sẽ qua đấu thầu, TTF sẽ công bố từng khoản thoái vốn cụ thể.
Tổng Giám đốc Mai Hữu Tín chia sẻ: “Làm nhỏ thì không muốn phí thời gian, năm 2018, khó khăn thì cũng sẽ lôi ra hết, để sau đó làm lớn, làm chết bỏ”.
Mục tiêu đạt doanh số 5,000 tỷ đến 2021
Cũng tại Đại hội lần này, Ban lãnh đạo TTF đã đưa ra kế hoạch tăng vốn để bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tăng cường khả năng đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2017-2021 của Công ty.
Và một trong những phương án tăng vốn là mua bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp. Chia sẻ về vấn đề này, ông Tín cho biết, nếu đi theo con đường Ban lãnh đạo đặt ra từ năm trước thì đến 2021, doanh số TTF chỉ lưng chừng 2,000 tỷ, lãi khoảng 200 tỷ là giỏi. Như vậy, cổ đông chắc chắn không vui, Ban lãnh đạo do đó nghĩ đến kế hoạch lớn hơn: Lôi kéo doanh nghiệp cùng ngành không có đủ nguồn lực (quản trị, tiếp thị và thị trường) như TTF sáp nhập vào TTF.
“Thực tế đây cũng là vấn đề liên quan đến hợp đồng Vingroup (VIC), giả sử họ giao cho TTF hợp đồng 3,000 tỷ đồng thì nguồn lực ở đâu chúng ta làm được nếu không tiến đến sáp nhập đơn vị khác?”, ông Tín nói thêm.
Như vậy, nếu tìm kiếm đối tác (nhất là có khả năng xuất khẩu) thì TTF sẽ cải thiện từ thị trường trong nước lẫn nước ngoài.
Tại sao bán rừng?
Về vấn đề tại sao bán rừng, Chủ tịch Hồ Anh Dũng cho biết, nhìn vào cơ cấu vốn TTF, chúng ta không có nguồn lực trung và dài hạn để trồng rừng, vậy tại sao không dành nguồn lực để làm sản xuất, vốn thế mạnh của TTF. Hiện TTF có 33,300 ha rừng, trong đó hơn 9,000 ha có sổ đỏ.
|
Việt Nam hiện có 3 cấp ngành gỗ. Thứ nhất, nhóm chuyên đi gia công, cung ứng trung gian thì biên lãi gộp khoảng 10%, biên lãi ròng 2-3%. Nhóm thứ hai mua bán trực tiếp với các nhà bán lẻ, lãi gộp 15-16% còn lãi ròng 5-6%. Và nhóm thứ 3 là sản xuất (rơi vào chủ yếu doanh nghiệp Nhật, Mỹ…) chuyên làm đồ cao cấp, biên lãi gộp khoảng 50%, biên lãi ròng 20%.
Theo ông Tín, hiện tại khi làm cho VIC thì biên lãi ròng của TTF là 7-8%. Mục tiêu là đưa TTF vào nhóm thứ 3 và đến 2021 đạt doanh số 5,000 tỷ, tức lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Chia sẻ thêm về mặt hàng cao cấp, ông Tín cho rằng vấn đề quan trọng nhất là tay nghề công nhân và niềm tin của khách hàng vì đây là những dự án đặc biệt. Khi họ thiết kế xong thì TTF làm mẫu, chào giá nhưng yếu tố quyết định là khả năng giao hàng (không cho phép trễ).
Tính cam kết niềm tin của chủ đầu tư đối với nhà máy là vô cùng lớn. Muốn vậy thì mất rất nhiều thời gian để thử thách, chứng minh được sự nghiêm túc.
Cơ cấu doanh số 2017 của TTF bao gồm 80% từ VIC và 20% xuất khẩu. Mục tiêu lâu dài vẫn có một lượng hàng xuất khẩu để vay ngoại tệ, giảm áp lực vay trong nước. Tương lai đến 2021 thì mục tiêu 50% từ xuất khẩu.
Sanh Tín
FILI
|