Thứ Tư, 04/04/2018 09:06

Hà Nội ra tối hậu thư với chung cư vi phạm PCCC

Ngoài việc chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý ba chung cư không chịu khắc phục phòng cháy, chữa cháy, Hà Nội còn ra hạn định xử lý các chung cư vi phạm.

Ngày 3-4, tại hội nghị giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, việc các chung cư chưa đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) được mổ xẻ, chỉ rõ trách nhiệm nếu xảy ra sự cố…

Xử lý hình sự ba chung cư vi phạm

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, cho hay: Năm 2017, qua tổng kiểm tra rà soát công tác PCCC của gần 1.100 cao ốc, chung cư trên địa bàn thì phát hiện 79 chung cư cao tầng đã hoàn thiện, có dân vào ở vi phạm pháp luật PCCC.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, tại cuộc họp báo. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Sau đó đã có 48/79 chung cư khắc phục các vi phạm. Đến cuối tháng 12-2017, sau khi nghe báo cáo về số lượng các công trình vi phạm này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu đến cuối tháng 2-2018 phải tiến hành khắc phục toàn bộ công trình vi phạm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện “do có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan” nên đến nay mới có thêm hai công trình vi phạm hoàn thiện việc khắc phục. “Hiện Hà Nội còn 29 chung cư chưa được thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC” - ông thông tin.

Theo tướng Định, trong số này có 14 công trình có khả năng khắc phục đang tiếp tục được đốc thúc hoàn thiện các tiêu chuẩn PCCC. Riêng 15 công trình khó có khả năng khắc phục, Sở đã kiến nghị UBND TP Hà Nội có đề nghị với Bộ Công an, Bộ Xây dựng thay thế phương án PCCC.

Cũng theo ông Định, có ba chung cư đã được cảnh sát PCCC chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành điều tra làm rõ, xử lý các lỗi vi phạm. Ba công trình này gồm tòa nhà CT4 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty Cổ phần Sông Đà 1 làm chủ đầu tư, chung cư CT5A, B và CT6 ở Văn Khê do Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư.

Ông Định giải thích việc chuyển sang cơ quan CSĐT là việc bất đắc dĩ, bởi cơ quan điều tra là cơ quan thực hiện tố tụng với đối tượng tội phạm. “Đối với ba công trình này, vi phạm PCCC đã kéo dài, ý thức khắc phục, tiếp thu kém và dù đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình sai phạm. Do thấy trước được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nên UBND TP và các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nghiêm hơn” - ông Định nhấn mạnh.

“Không làm sẽ chịu trách nhiệm”

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã họp kiểm điểm tình hình công tác PCCC.

Tại cuộc họp, rút kinh nghiệm từ vụ cháy Carina (TP.HCM), lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm vi phạm pháp luật PCCC của các chủ đầu tư chung cư, cao ốc trên địa bàn.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, đề nghị các ban ngành của TP phải có biện pháp gây sức ép đến các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các phương án PCCC, không nên bị động như hiện nay.

“Tại sao chúng ta không trói trách nhiệm của chủ đầu tư thể hiện bằng tất cả hồ sơ, biên bản, thậm chí phạt và tổ chức cưỡng chế hành vi vi phạm. Đến giờ phút này chúng ta phải làm, nếu chúng ta không làm thì chúng ta chịu trách nhiệm” - ông Nam nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị phải xử lý 29 công trình, nhà chung cư cao tầng có vi phạm pháp luật PCCC trong tháng 4-2018. Đặc biệt phải có động thái xử lý quyết liệt đối với các chủ đầu tư tòa nhà có vi phạm. “Một lần nữa, yêu cầu lực lượng PCCC và công an đến sau ngày 30-4 phải chuyển 2-3 vụ để khởi tố điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Bán nhà lấy tiền rồi, thiếu trách nhiệm với người dân, đầu tư PCCC không đến nơi đến chốn… thì phải xử lý” - ông Sửu nói.

Ông Sửu cũng nhấn mạnh Thành ủy Hà Nội đã có văn bản quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu buông lỏng quản lý về PCCC. Vì vậy tới đây TP sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất, bất ngờ, nếu nơi nào vi phạm pháp luật PCCC thì chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

“TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo PCCC, tôi đề nghị lãnh đạo các quận, huyện về kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý. Nhắc nhở như thế, đôn đốc như thế mà để xảy ra buông lỏng quản lý về PCCC, vì vậy tới đây phải hành động mới thực hiện được nhiệm vụ, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ cho người dân…” - ông Sửu nói.

4.000 trụ nước chữa cháy cần bổ sung tại TP Hà Nội. Trong các trụ nước đã đầu tư có 300 trụ không lấy được nước, nếu xảy ra cháy sẽ gây khó cho công tác dập lửa.      ________________________________________

Cảnh sát kêu gọi tẩy chay chung cư mini Tại hội nghị giao ban, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, cho hay đang có lỗ hổng trong quản lý nhà nước từ vấn đề cấp phép xây dựng, cho thuê, bán… đến PCCC ở loại hình chung cư mini. Vì vậy các cơ quan đang rà soát để đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ loại chung cư này. “Qua đây tôi cũng đề nghị báo chí khuyến cáo người dân tẩy chay, không mua chung cư mini vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ cháy nổ” - ông Định nói.

Trọng Phú

PLO

Các tin tức khác

>   Mua bảo hiểm cháy nổ chung cư: Người dân bắt đầu biết sợ (03/04/2018)

>   Đề xuất lập Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra PCCC chung cư Mường Thanh (03/04/2018)

>   Chủ tịch Văn Phú - Invest: “Chúng tôi không ngồi im!” (03/04/2018)

>   Năm Bảy Bảy: Họa vô đơn chí (03/04/2018)

>   Cháy chung cư PARC Spring do sạc dự phòng cắm lâu ngày (02/04/2018)

>   ĐHĐCĐ Phát Đạt: Kế hoạch lãi trước thuế 800 tỷ năm 2018 "chắc chắn sẽ đạt được" (30/03/2018)

>   Đà Nẵng điều chỉnh dự án resort nơi chặn lối xuống biển của dân (30/03/2018)

>   Chủ đầu tư Carina Plaza nói gì về vụ thảm họa? (30/03/2018)

>   The EverRich Infinity được vinh danh “không gian sống chuẩn mực” (29/03/2018)

>   Lộ bằng chứng NBB là chủ đầu tư thực sự dự án chung cư Carina (29/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật