“Cứu sống một doanh nghiệp có khi còn tốt hơn tạo ra một doanh nghiệp mới”
Khi tái cấu trúc một doanh nghiệp "xác sống", cần cơ cấu cả về tài chính và con người mới có thể thành công...
Ông Trần Anh Vương - Tổng giám đốc SAM Holdings.
|
"Đối với cá nhân tôi, cứu sống một doanh nghiệp có khi còn tốt hơn việc thành lập ra một doanh nghiệp mới", ông Trần Anh Vương - Tổng giám đốc SAM Holdings (còn được gọi là "Shark Vương"), chia sẻ về "khẩu vị đầu tư" của mình khi công ty của ông rót vốn đầu tư vào không chỉ những công ty làm ăn tốt mà có cả những công ty "xác sống" cho tới những startup còn rất non nớt trên thương trường.
Khẩu vị đầu tư
Trong quá trình đầu tư vào SAM và biến thành SAM Holdings, chiến lược mà ban lãnh đạo công ty đặt ra là gì? Đặc biệt là chiến lược của công ty với các thương vụ thâu tóm những công ty gặp khó khăn sau đó tái cấu trúc lại?
Không phải là cá nhân tôi mà là một nhóm doanh nhân trẻ quen biết nhau đã hình thành lên một nhóm đầu tư vào các đơn vị khác nhau. Trong đầu tư các đơn vị khác nhau, đôi lúc sẽ mua những doanh nghiệp tốt để phát triển, nhưng đôi khi sẽ mua những công ty không được tốt, thậm chí là xấu để vực lên.
Người sáng lập của những công ty đó sẽ quyết định rất nhiều, có những công ty chỉ vớt một lần, có những công ty phải mất một vài lần. Khi mà cơ cấu thì trước hết là về tài chính, sau đó đến con người. Có những công ty sau khi cơ cấu tài chính nhưng chưa cơ cấu được con người thì sau đó lại chìm xuống.
Do đó, điều chắc chắn phải khẳng định ở đây là cơ cấu cả về tài chính và con người mới có thể mang lại thành công.
Thực ra, SAM là công ty đã niêm yết trên sàn từ lâu. Tuy nhiên, có thể nói, so với những doanh nghiệp cùng xuất phát điểm thì SAM là đơn vị đi tương đối chậm và có sự trì trệ. Trong nhiều năm, cổ tức cho cổ đông không có, giá cổ phiếu không bằng mệnh giá, làm ăn đì đẹt.
Trong 2 năm qua, khi cơ cấu lại thành phần cổ đông và mọi thứ khác, mục tiêu là đưa SAM Holdings trở thành tập đoàn tài chính.
SAM Holdings là một đơn vị lớn có bề dày từ lâu, cho nên muốn đưa một công ty từ chỗ trì trệ, tẻ nhạt trở thành một công ty năng động thì mất rất nhiều thời gian, không giống như những đơn vị khác.
Ví dụ như đầu tư vào những công ty như Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 - đơn vị đầu ngành về xuất nhập khẩu của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), nhưng trong nhiều năm làm ăn rất kém, kết quả trên giấy tờ có vẻ tốt nhưng thực ra phát sinh những công nợ tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Khi đến thời hạn trả nợ mà không trả được thì mọi thứ đều trở thành xấu. Trên bảng cân đối tài sản thì mất đi nhiều tài sản bởi nợ không đòi được.
Có những thương vụ mua được những công ty tốt cũng rất nhiều như đầu tư vào Công viên nước Đầm Sen hoặc Tổng công ty Dược Việt Nam. Đây là những công ty rất lớn và tốt.
Hay mới đây chúng tôi trở thành cổ đông của Công ty Ba Tháng Hai của Bình Dương giờ đây là Công ty Xuất nhập khẩu Thương mại. Gu của chúng tôi là chọn những công ty đứng đầu của các địa phương.
Mua bán nợ, tái cấu trúc
Vậy đâu là những lợi thế khi mua những công ty yếu kém hay có thể gọi là "công ty xác sống"?
Quan điểm về việc đầu tư vào những công ty yếu để vực lên có thể nói không phải là điều mới và đã có rất nhiều người làm từ trước đến nay. Và những thương vụ thành công lớn và gây tiếng tiếng vang thường là những thương vụ như thế. Tôi cho rằng đây là một trong những hình thức đầu tư mang lại hiệu quả cao.
Hơn nữa, trong 2 năm vừa rồi, những chuyển biến về tín dụng hay những vấn đề liên quan đến ngân hàng là rất lớn, phát sinh ra chuyện nợ xấu của ngân hàng và những câu chuyện mà trước đây không ai đề cập đến.
Khi có nợ xấu thì đương nhiên phát sinh chuyện nhiệm vụ mua bán nợ. Những công ty để có nợ xấu là những công ty yếu về mặt tài chính, nhưng khi đi vào nghiên cứu các công ty thì có nhiều cơ hội mở ra.
Thứ nhất, công ty yếu hoặc thậm chí gần chết là bởi vấn đề dòng tiền. Tài chính làm cho công ty đó suy yếu chứ không phải là sức sống về kinh doanh. Nó có truyền thống và sức sống về kinh doanh, thậm chí có những công ty từng là số một và số hai.
Những công ty đó nội tại có những năng lượng nhất định. Và đương nhiên nhà đầu tư nhìn thấy chuyện đó thì mới đầu tư. Chứ công ty vừa khó khăn về tài chính lại không có gì thì khó mà cứu được.
Năm vừa rồi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tôi cho rằng đây là một trong những nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, giải quyết ngay được vấn đề và năm vừa rồi, cứu được nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản.
Ví dụ một đơn vị nợ 100 tỷ đồng và nợ lãi khoảng 30 tỷ, ngân hàng không thể trích được, đơn vị đấy cũng không có khả năng trả. Khi đó, đơn vị mua nợ vào đàm phán với ngân hàng. Ngân hàng đằng nào cũng đã trích lập bỏ các khoản đó rồi, nên lãi có thể được xóa, còn gốc có thể được mua theo một tỷ lệ nhất định. Có những món nợ có thể được mua chỉ bằng 30 - 50% giá trị gốc. Tất nhiên cũng có những món mua tới 70 - 100% giá trị gốc, tùy chất lượng tài sản.
Khi hoạt động mua bán như vậy, cả ba bên đều có lợi. Ngân hàng đằng nào cũng trích lập nợ không đòi được, mà bán được tới 50% thì cũng đã có lợi. Người mua thì cũng phải nhìn thấy lợi ích thì mới mua. Còn bản thân doanh nghiệp bị mua thì đằng nào cũng chết rồi, được mua thì tốt quá.
Khi đó, việc mua bán nợ, đầu tư vào những công ty yếu trở thành cách làm tôi cho là rất hay.
Cốt lõi ở đây là nhân sự và hệ thống khách hàng
Khó khăn nhất khi vào tái cấu trúc công ty yếu kém là gì, thưa ông?
Những công ty mà từng là số một, số hai thường đều có cốt lõi. Mà cốt lõi ở đây là nhân sự và hệ thống khách hàng. Cả hai đều liên quan tới nhân sự bởi người ta vẫn hay nói nhân viên cũng là khách hàng của công ty.
Khi vào cơ cấu, mình phải đảm bảo rằng bước đi vào công ty là theo tư duy Win-Win (cùng thắng), bắt tay với và đạt đồng thuận với những nhân sự hiện tại của công ty. Đây là điều quan trọng nhất. Và điều này phải được đảm bảo trước khi ký các hợp đồng mua bán.
Điều thứ hai là khi mua bán nợ thì có liên quan đến tiền, ở đây là nợ xấu và tài sản thế chấp. Cho nên việc bàn và xử lý những điều này trước cũng là điều phải nhắm đến. Bởi vì nhân sự chỉ liên quan tới việc mình vào với đối tác đó thôi, còn tài chính thì liên quan tới 3 bên, thậm chí là nhiều bên với nhiều ngân hàng. Vì vậy, tài chính là vấn đề phải thông suốt.
Khi xử lý được hai yếu tố đó rồi, các yếu tố về kinh doanh, thị trường thì đơn vị đó trước đây đã làm được rồi, bản thân mình không cần phải có nghề về lĩnh vực đó. Kinh nghiệm cho thấy cứ làm tốt hai điều đó thì mọi thứ sẽ ổn.
Vậy "khẩu vị" đầu tư của ông vẫn duy trì chiến lược mua những công ty có vấn đề về sức khỏe để tái cấu trúc hay sẽ đa dạng danh mục đầu tư?
Tôi phải khẳng định rằng công ty chúng tôi là đơn vị đầu tư tài chính, vì vậy sẽ có những nhóm ngành nghề nhất định nhắm tới, trong đó xác định những nhóm ngành nghề mà Việt Nam có thế mạnh.
Trong các nhóm đó, chúng tôi sẽ mua cả những công ty tốt và không tốt, tùy vào từng thương vụ. Trước tiên là chọn ngành hàng có lợi thế mà mình định hướng, sau đó là chọn các công ty mà mình nhìn thấy nhân sự và sự hợp tác. Sau đó mới chọn điều hành.
Ông Trần Anh Vương.
|
"Cứu sống một doanh nghiệp có khi còn hơn lập một doanh nghiệp mới"
Ông có thể chia sẻ quan điểm về ý nghĩa của việc cứu một doanh nghiệp khỏi phá sản khác với lập một doanh nghiệp mới?
Sau thời gian 20 năm làm doanh nhân, tôi thấy rằng ngày xưa doanh nghiệp được thành lập không nhiều như bây giờ. Vì thế, doanh nghiệp thành lập xong bị chết cũng ít. Còn bây giờ việc thành lập doanh nghiệp dễ hơn.
Khi một doanh nghiệp thành lập ra, có hoạt động kinh doanh, sau một thời gian có thể vì một lý do nào đó gặp khó khăn. Các vướng mắc có thể là nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ bảo hiểm, nợ lương công nhân. Chưa nói đến nợ khách hàng, bạn bè, nợ cá nhân chủ doanh nghiệp. Mọi thứ đều gắn với chữ nợ.
Khi một người phải gánh rất nhiều chữ nợ như vậy, có thể nói doanh nghiệp bi đát một thì chủ doanh nghiệp bi đát 10. Người lao động trong doanh nghiệp khổ một thì ông chủ khổ 10.
Trong 20 năm làm ăn, đã có lúc tôi rơi vào tình trạng như vậy nhưng nhờ bạn bè anh em giúp đỡ thì vượt qua, chứ ngày xưa chưa có chuyện mua bán nợ. Khi vượt qua rồi nhìn lại thì thấy rất kinh khủng.
Nếu vào những thời khắc như vậy mà không được cứu thì mấy trăm con người đi cùng mình bây giờ không biết đi về đâu, làm cái gì. Vì vậy, đối với cá nhân tôi, cứu sống một doanh nghiệp có khi còn hơn lập một doanh nghiệp mới.
Ý nghĩa của việc cứu một doanh nghiệp là rất lớn. Trong xã hội, tôi cho rằng cũng có nhiều người nghĩ như vậy.
Khi thành lập một doanh nghiệp ra mà chết sau 6 tháng đến 1 năm thì mọi thứ còn nhẹ nhàng. Nhưng cứu doanh nghiệp ở đây tôi đề cập đến những doanh nghiệp lớn có quá trình kinh doanh lâu. Có những doanh nghiệp lớn đến mức chính phủ phải đứng ra cứu. Những doanh nghiệp vừa vừa thì các doanh nhân, doanh nghiệp khác vào cứu. Còn các doanh nghiệp nhỏ thì có thể là bạn bè cùng nhau cứu.
Ý nghĩa của việc này không chỉ là giúp khôi phục sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả cho xã hội, mà còn giúp cho cả một hệ thống. Khi được cứu, những con người đó có lại niềm tin và mình cũng không cần thành lập doanh nghiệp mới mà tự họ có thể đi lập ra hàng trăm hàng chục doanh nghiệp khác.
Ba điểm khi đầu tư vào starup
Hiện nay ông đầu tư vào các startup rất nhiều. Để đưa ra quyết định trong một show truyền hình liệu ông có phải tìm hiểu trước hay không và vì sao có thể chuyển sang đầu tư vào startup - hướng đi được cho là mạo hiểm? Và yếu tố nào là quan trọng nhất để đưa ra một quyết định đầu tư startup?
Đầu tư startup và nhất là trên Shark Tank khác hẳn so với câu chuyện đầu tư tôi đang nói ở trên. Thứ nhất, số tiền đầu tư là không lớn. Thứ hai, thời gian đầu tư không dài so với các thương vụ khác. Thứ ba, vì tính chất riêng có của startup nên không phải ai cũng có thể đầu tư vào startup được. Dù gì trong con người tôi cũng phải có khát vọng như họ.
Đối với Shark Tank, một trong những luật chơi là trước đó mình không biết họ là ai. Những người đầu tư được phép biết 100 startup lọt vào là ai và làm về những gì nhưng chỉ là sơ bộ. Còn trong mỗi ngày quay, những ai sẽ vào thì người đầu tư không hề biết.
Với tôi, yếu tố quan trọng nhất để đưa ra quyết định đầu tư là con người. Với startup thì yếu tố ngành hàng sẽ bị xóa nhòa, bởi không thể biết trước ngày nào sẽ có những startup thuộc ngành nào, nếu cứ chờ chọn ngành hàng mình hướng tới thì có khi cả mùa không đầu tư được gì.
Ngoài ra, vì số tiền đầu tư không nhiều nên sẽ không ảnh hưởng nhiều tới danh mục đầu tư, khi mình là một doanh nghiệp đầu tư có danh mục đầu tư lớn.
Khi đánh giá về yếu tố con người, trước hết, các ông chủ startup phải thể hiện được sự quyết tâm và khát vọng với startup của mình. Đây là điều rất dễ nhận ra.
Thứ hai, họ phải thể hiện sự sát sao rằng hàng ngày họ sống với startup của mình. Tuy nhiên, không nhiều người thể hiện được điều này.
Ví dụ hỏi doanh thu tháng trước là bao nhiêu, startup có bao nhiêu người? Nếu như đau đáu với startup của mình thì sẽ nói được ngay.
Thứ ba là hiểu biết về thị trường, thị phần, đường hướng phát triển công ty của họ. Nhiều startup có đường hướng rất tù mù nhưng vấn đề này, chúng tôi có thể giúp họ.
Với các thương vụ đã đầu tư, ông kỳ vọng sẽ thành công bao nhiêu phần trăm?
Với mùa 1 tôi chỉ kỳ vọng thành công một nửa. Bởi thực tế và trên truyền hình rất khác nhau!
Duy Cường - Kim Tuyến
VNECONOMY
|