Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại dâng cao
Sau một thời gian tạm lắng ngắn ngủi, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại bắt đầu dâng cao một lần nữa.
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/4 tuyên bố cấm các công ty nước này bán linh kiện cho ZTE, một công ty sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc, trong vòng 7 năm. Còn Trung Quốc cho biết họ đang áp một mức phí lớn lên lúa miến (Sorghum) nhập khẩu từ Mỹ, với lý do Mỹ đã bán phá giá mặt hàng này trên thị trường Trung Quốc. Sau đó, Donald Trump cũng đưa ra một dòng tweet thể hiện sự giận dữ.
“Tôi do dự khi gọi đây là chiến tranh thương mại… Nó giống với một cuộc xung đột về thương mại hơn tại thời điểm này, nhưng căng thẳng đang leo thang”, Ian Mitchell, Chuyên gia thương mại và quan chức chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), cho hay.
Trung Quốc đã thể hiện quan điểm rõ ràng trong ngày thứ Ba (17/04) rằng họ sẵn sàng chống trả lại trong cuộc đấu tranh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Nếu Mỹ tiếp tục hành động hấp tấp… thì chúng tôi sẵn sàng đáp trả, và đấu tranh để giành chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do”, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hua Chunying, cho biết trong một động thái đáp trả lại việc Mỹ cấm bán linh kiện cho công ty sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc, ZTE.
Khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại đã dần nhen nhóm từ tháng 4/2017, khi ông Trump chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ điều tra xem việc nhập khẩu thép từ Trung Quốc và các quốc gia khác có phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hay không.
Gần 1 năm sau đó, trong tháng 3/2018: Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% lên thép từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Đáp trả lại động thái này, Bắc Kinh cũng áp thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 3 tỷ USD. Căng thẳng đã leo thang tới mức ông Trump đe dọa áp thuế bổ sung tới 150 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc.
Sau đây là các động thái mới nhất về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Áp phí lên lúa miến từ Trung Quốc
Trong ngày thứ Ba (17/04), Trung Quốc cho biết họ đang áp một mức phí lớn lên lúa miến (Sorghum) nhập khẩu từ Mỹ, với lý do Mỹ đã bán phá giá mặt hàng này trên thị trường Trung Quốc. Lúa miến là một loại ngũ cốc sử dụng để nuôi gia súc và chế biến một loại rượu rất phổ biến với người Trung Quốc.
Kể từ ngày thứ Tư (18/04), các quan chức hải quan sẽ thu phí khoảng 179% giá trị lô hàng lúa miến nhập khẩu từ Mỹ, sau khi một cuộc điều tra phát hiện ra rằng sản phẩm này đã được trợ cấp không công bằng và gây thiệt hại tới các nhà sản xuất Trung Quốc.
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu các sản phẩm lúa miến từ Mỹ nhiều nhất. Giá trị nhập khẩu lúa miến của Trung Quốc từ Mỹ lên tới 960 triệu USD, theo số liệu từ cục hải quan Trung Quốc.
Lệnh cấm bán linh kiện cho ZTE của Mỹ
Hôm thứ Hai (16/04), Mỹ tiến hành kiểm soát chặt chẽ công ty ZTE, một trong những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty nước này bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Mỹ đã từng đe dọa áp đặt lệnh cấm trên trong năm 2017 sau khi ZTE vận chuyển bất hợp pháp thiết bị tới Iran và Triều Tiên. Ngày càng xuất hiện nhiều hành vi sai trái từ phía ZTE đã khiến Bộ Thương mại Mỹ phải áp đặt lệnh cấm, dựa trên tuyên bố từ Cơ quan này.
ZTE mua vi mạch từ Qualcomm và kính từ Corning. Hiện ZTE là nhà cung cấp điện thoại di động lớn thứ 4 ở Mỹ.
Cổ phiếu của ZTE đã bị tạm ngừng giao dịch ở Hồng Kông trong ngày thứ Ba (17/04), sau tuyên bố của Mỹ.
Cáo buộc phá giá tiền tệ
Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump liên tục cáo buộc Bắc Kinh vì đã giữ đồng Nhân dân tệ ở mức yếu nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Trong tháng 5/2017, ông Trump cho biết hoạt động thao túng tiền tệ của Trung Quốc đã ngừng lại.
Vậy mà giờ đây ông Trump lại thay đổi quan điểm. Trong một bài đăng trên Twitter hôm thứ Hai (16/04), ông cho biết nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới lại đang chơi trò “Phá giá Tiền tệ”.
Vào đầu ngày thứ Hai (16/04), ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng: “Nga và Trung Quốc đang chơi trò Phá giá Tiền tệ trong lúc Mỹ liên tục nâng lãi suất. Không thể chấp nhận được!”.
Dẫu vậy, nhận định của ông Trump về Trung Quốc lại mâu thuẫn với quan điểm của Bộ Tài chính Mỹ trong báo cáo bán niên công bố hôm thứ Sáu tuần trước (13/04). Báo cáo này cho thấy không có quốc gia nào thao túng tiền tệ dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể của họ. Nga không phải là một trong 12 đối tác thương mại lớn nhất được đánh giá trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, đồng USD đã suy yếu so với các đồng tiền khác, bao gồm cả đồng Nhân dân tệ.
“Dường như Tổng thống Donald Trump đang chuyển sự tập trung sang tiền tệ để gây ảnh hưởng tới cuộc xung đột thương mại”, Hussein Sayed, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại FXTM, cho hay.
Sẽ có thêm nhiều động thái?
Tờ The Wall Street Journal ghi nhận trong ngày thứ Hai (16/04) rằng Đại diện Thương mại Mỹ đang xem xét các biện pháp trả đũa mới chống lại Bắc Kinh vì các giới hạn mà họ áp đặt lên các công ty dịch vụ công nghệ và đám mây của Mỹ.
Các chuyên gia đang thực sự lo ngại về diễn biến của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Từ quan điểm của các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc, vẫn chưa đủ để hiểu được chính quyền Donald Trump đang tìm kiếm điều gì, Roberto Azevêdo, Tổng Giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho hay.
Ông Roberto Azevêdo cho biết việc yêu cầu các bên hành xử “có qua có lại” có thể chỉ là một câu khẩu hiệu chính trị dễ chấp nhận, nhưng đối với một nhà đàm phán ở phía bên kia, mọi thứ vẫn chưa rõ ràng… Họ cần thêm nhiều thông tin chi tiết hơn.
Ông Mitchell cũng lưu ý rằng động thái từ Mỹ và Trung Quốc không hề tuân theo các quy tắc quốc tế.
“Từ một góc nhìn rộng hơn, Mỹ và Trung Quốc đang ngó lơ các quy định của hệ thống thương mại toàn cầu và liên tục đưa ra các biện pháp thương mại mang tính trả đũa lẫn nhau”, ông Mitchell.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|