Bloomberg: Thật khó mà cưỡng lại sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam!
Bài viết thể hiện quan điểm của bình luận viên Shuli Ren trên Bloomberg Gadfly
Dù đã tăng vọt 52% trong năm 2017, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Thật vậy, Việt Nam đang trên đường trở thành thị trường chứng khoán có thành quả tốt nhất châu Á trong 2 năm liên tiếp. Tính cho tới thời điểm này của năm 2018, chỉ số VN-Index đã nhảy vọt 22%.
Kể từ tháng 1/2018, nhà đầu tư nước ngoài đã chi ra hơn 440 triệu USD để mua cổ phiếu Việt Nam, sau khi mua vào tới 1 tỷ USD trong năm 2017 – cũng là một mức kỷ lục.
Nguồn: Bloomberg
|
Thật sự có rất nhiều thứ để cảm thấy thích thú về Việt Nam. Trong quý 1/2018, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tới 7.4%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số trong năm nay.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn sở hữu một lượng lớn cổ phần ở các công ty nước giải khát, dầu và tài chính lớn tại Việt Nam. Chịu gánh nặng từ nợ công, Việt Nam đang tìm kiếm cách để huy động thêm tiền mặt. Cơ quan chức năng đã thu về 4.8 tỷ USD trong năm 2017 chỉ bằng một đợt bán cổ phần tại Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB). Trong năm nay, Chính phủ Việt Nam dự tính bán một lượng cổ phần gấp 6.5 lần số cổ phần chào bán trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hồi tháng 1/2018.
Những nhà đầu tư đang nổi lên và một số nhà đầu tư cố gắng đón đầu các cơ hội từ khả năng MSCI thăng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi. Thanh khoản của Việt Nam đã cao hơn Philippines – một đất nước đã được MSCI xếp hạng là thị trường mới nổi. Các chuyên viên giao dịch (trader) cho biết điều này có thể giúp thị trường Việt Nam được thêm vào rổ chỉ số MSCI Emerging Markets Index.
Thậm chí, cho dù điều đó không xảy ra, Việt Nam vẫn thu hút vốn từ nước ngoài, nếu một số quốc gia cùng bậc nhận được tác động tích cực. Argentina đã nằm trong danh sách theo dõi của MSCI vì có khả năng nâng hạng từ “thị trường cận biên” sang “thị trường mới nổi”, trong khi nhà cung cấp chỉ số FTSE Russell đã đánh giá Kuwait là thị trường mới nổi trong năm 2017. Việt Nam hiện là quốc gia lớn thứ 3 trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index.
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư, đây có thể là một vụ đánh cược nguy hiểm. 15 cổ phiếu thuộc chỉ số MSCI Vietnam Index đã có giá rất “chát”. Chỉ số này hiện đang giao dịch ở mức P/E là 30.5 lần (dựa trên ước tính lợi nhuận 12 tháng), trong khi chỉ số VN-Index có P/E là 21 lần.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng dần trở nên ít bị tác động từ những sự kiện kinh tế mĩ mô, qua đó làm giảm tính hấp dẫn của việc đa dạng hóa danh mục đối với các nhà quản lý quỹ toàn cầu. Vào đầu năm nay, mối tương quan giữa tỷ suất sinh lợi của chứng khoán Việt Nam và Mỹ nhảy vọt lên tới 67%, nhưng cũng có những thời điểm, mối quan hệ này dường như nghịch chiều với nhau.
Pakistan đưa ra một lời cảnh báo kịp thời. Trong ít nhất là 1 năm rưỡi trước khi MSCI nâng hạng thị trường Pakistan lên thị trường mới nổi trong tháng 5/2017, những nhà đầu cơ đã rót rất nhiều tiền vào chỉ số Karachi Stock Exchange 100 Index,nhưng sau đó lại rút tiền ra và khiến chỉ số này giảm mạnh trước ngày MSCI chính thức nâng bậc Pakistan.
Dĩ nhiên, tình hình của Việt Nam hiện đang tốt hơn nhiều so với Pakistan, như tác giả bài viết đã nói trước đây. Tuy nhiên, với mức giá tăng vọt như hiện nay, thật dễ tìm ra lý do để bán.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|