Thứ Hai, 30/04/2018 14:39

Bill Ackman: Thiên tài bán khống vụt tắt

Trích dẫn, dịch và tóm tắt từ nhiều bài báo, bài phỏng vấn William Albert Ackman tại Bloomberg, Reuters, Business Insider và Charlie Rose.

Ông tự cho mình là nhà đầu tư chủ động (activist investor) và là nhà bán khống (short seller) tích cực giúp thị trường tài chính Mỹ minh bạch hơn, trở về đúng giá trị thực của nó.

Đó là một buổi chiều mưa vào tháng 12/2014, ở ngoài hiên tòa nhà văn phòng của Pershing Square Capital, William Holmes – sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên khoa kinh tế đang cầm một cuốn sổ nhỏ.

“Xin lỗi, thưa ngài Ackman? Ngài có thể cho tôi xin chữ ký được không?”, cậu ta hổn hển. “Tôi đã nghiên cứu tất cả mọi thứ về ngài. Ngài quả xứng là Socrates của thời đại này vậy.”

Và người đàn ông tóc bạc trắng, diện bộ vest bảnh bao, quản lý quỹ đầu tư rủi ro (hedge fund) trị giá 20 tỷ USD ấy, cầm bút và viết cho cậu sinh viên một câu ngắn: “Tôi nói với cậu này, tôi có một lượng fan đông đảo lắm đấy.”

Như vậy, Bill Ackman rảo bước trở về công việc như thường lệ, tiếp tục với các khoản đầu tư làm cho ông trở thành top 20 nhà quản lý quỹ sinh lợi nhất mọi thời đại như Burger King, Canadian Pacific Railways, và cả những vụ bán khống lùm xùm khiến báo chí và cả Carl Icahn gọi ông là “gã đầu tư chủ động (activist investor) trịch thượng” của phố Wall…

Bill Ackman là ai?

Sinh ngày 11/5/1966 tại quận Chappaqua, New York, trong một gia đình Do Thái giàu có, William Albert (Bill) Ackman có vô cùng nhiều lợi thế khi vào đời. Ông đã đón nhận cơ hội đó một cách tích cực, ông học chăm, đọc nhiều, sớm trở thành kẻ mà bạn bè ông thường châm chọc là “gã nghĩ rằng hắn biết hết tất cả mọi thứ”.

Ackman tốt nghiệp cử nhân loại ưu (magna cum laude) vào năm 1988 tại Đại học Harvard với chuyên ngành lịch sử. Bốn năm sau, ông tiếp tục nhận bằng Thạc sĩ kinh doanh – MBA – tại trường kinh doanh Harvard Business School. Vừa ra trường, ông làm việc với cương vị Chủ tịch HĐQT cho bố ông trong hãng môi giới bất động sản “Ackman Brothers & Singer Inc” nổi tiếng thời ấy. Tấm hành trang ông mang vào đời thật đáng mơ ước!

Ấy vậy mà ông lại không thỏa mãn, định hướng nghề nghiệp của ông luôn luôn nằm ở lĩnh vực đầu tư. Ông kể lại rằng: “Lúc đấy, mọi người đều bảo tôi rằng ý tưởng vừa ra trường mà lại đi lập quỹ đầu tư của riêng mình thì thật là ngu xuẩn. Nghe vậy, tôi biết rằng ý tưởng này thật tuyệt vời.”

Năm 1992, lúc mới 26 tuổi, ông và bạn cùng phòng David Berkowitz thành lập quỹ Gotham Partners L.P, khởi đầu cho sự nghiệp trở thành vị tỷ phú quản lý quỹ (billionaire hedge fund manager) nổi tiếng toàn phố Wall.

Sai lầm đầu tiên sau chuyện lập quỹ năm ấy

Người ta mới bắt đầu thấy rằng tánh ông này có phần hơi khác người. Ông thích đi ngược đám đông, mà không phải dạng lặng lẽ, ông lại còn thích sự ồn ào và chú ý từ người khác.

Cũng giống như những scandal phát biểu với báo chí đến tận bây giờ, Gotham Partners ngày ấy cũng được báo giới và các nhà đầu tư theo dõi nhiệt thành.

Đầu tiên là vụ ông kết hợp với hãng Leucadia National – một hãng đầu tư bất động sản khổng lồ - vào năm 1995, muốn mua lại tòa nhà The Rockefeller Centre nhưng không thành. Nhờ vậy mà nhiều nhà đầu tư chú ý đến Gotham Partners LP của hai gã trẻ tuổi để rót vốn.

Sung sướng quá, Ackman và Berkowitz đưa luôn cả slide huy động vốn và ý tưởng đầu tư lên website, thu hút khá nhiều báo giới, trong đó có cả chánh công tố viên của New York. Song, chính trong quá trình phát triển tư duy đầu tư của mình, Bill Ackman đã gặp không ít, nếu không muốn nói là vô số các sai lầm khiến nhiều lúc phải tán gia bại sản.

Tờ New York Times viết năm 2003: “Việc xem xét danh mục đầu tư của Gotham L.P trong những năm gần đây cho thấy quỹ này đã lập nên một chuỗi các quyết định đầu tư tệ hại, cực kỳ thiếu sự đa dạng hóa, tập trung vào những cổ phiếu thiếu thanh khoản đến mức không thể bán được nếu nhà đầu tư cần tiền của họ.”

Trong số đó, có một công ty mà Bill Ackman bị ám ảnh. Nó có tên gọi là Gotham Golf, và nó đã “nuốt chửng” toàn bộ tài sản của các nhà đầu tư vào Gotham Partners. Từ 1997, Ackman bắt đầu mua vào Gotham Golf, một công ty điều hành sân golf tại New York. Thời gian trôi qua, giá trị tài sản của công ty giảm dần, song công ty này vẫn tiếp tục mua thêm nhiều sân golf nữa – với nợ nần ngày càng chồng chất.

Túng quẫn quá, Bill Ackman định bán Gotham Golf cho First Union Real Estate Equity & Mortgage, nhưng các cổ đông công ty này không đời nào đồng ý. Không còn thời gian nữa, Gotham Golf phá sản, trong khi mấy khoản đầu tư khác thì không có thanh khoản, Bill Ackman đóng cửa quỹ đầu tư của mình vào năm 2003 dưới sự kiện tụng của nhiều nhà đầu tư – ông thất bại ê chề.

Đỉnh cao nghề nghiệp

Vậy mà ông không hề từ bỏ. Đến năm 2004, ông lại lập một quỹ đầu tư Hedge Fund của riêng ông với tên gọi là Pershing Square Capital Management Ltd., với 54 triệu USD vốn gốc từ ba nhà đầu tư ẩn danh.

Trả lời phỏng vấn Reuters sau này, Bill Ackman nói rằng chiến lược đầu tư của ông rất đơn giản: một, tập trung vào chất lượng của doanh nghiệp – đòi hỏi sự phân tích kỹ lưỡng về mô hình kinh doanh; hai, định giá doanh nghiệp phải ở mức đủ hấp dẫn để ông quan tâm.

Song thay vì phó thác hoạt động kinh doanh cho ban lãnh đạo, Bill Ackman thích được “nhúng tay” vào hoạt động kinh doanh. Ông tự cho mình là nhà đầu tư chủ động (activist investor) và là nhà bán khống (short seller) tích cực giúp thị trường tài chính Mỹ minh bạch hơn, trở về đúng giá trị thực của nó.

Trước khi lập quỹ Pershing Square Capital, vào năm 2002, Ackman đã nghiên cứu về MBIA – công ty bảo hiểm cho các khoản vay thế chấp nhà rủi ro với bảng cân đối tài chính kém, song lại được xếp hạng AAA. Ông nhanh chóng mua CDS và bán khống công ty này một cách quyết liệt – hành động chẳng mấy người nghĩ đến. Đến 2007, ông đã kiếm hằng trăm triệu USD nhờ bán hợp đồng swaps này.

Pershing Square của Ackman còn nổi tiếng với thương vụ mua lại cổ phần hãng chuỗi fast-food Wendy’s International và buộc công ty này phải bán lại cổ phần chuỗi donuts “Tim Hortons”. Ackman đã lãi hơn 50% từ giá cổ phiếu Wendy’s.

Thời kỳ đỉnh cao của Pershing Square Capital Management Ltd. là khi Bill Ackman sinh lợi kỷ lục với một loạt các hãng tiêu dùng và bán lẻ lớn như Burger King, Mondelez International, Kraft Foods, JC.Penney, Target và Air Products and Chemicals Inc, …

Song, trong số đó, hai thương vụ đem lại lợi nhuận lớn nhất khiến Bill Ackman vô cùng tự hào chính là General Growth Properties (NYSE: GGP) và Canadian Pacific Railways (NYSE: CP). Hai khoản này chiếm tỷ trọng chủ đạo trong tổng danh mục của ông, lại tăng giá vô cùng ấn tượng.

General Growth Properties (NYSE: GGP)

GGP là thương vụ kinh điển của Bill Ackman ở phong độ tốt nhất của ông. Ông đặt cược phần lớn danh mục vào GGP khi cổ phiếu này được giao dịch ở mức 25 cents/cp vào tháng 10/2008, trong khi đa số thị trường lo sợ cổ phiếu này sẽ phá sản sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2008.

GGP là quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT – real estate investment trust). Rất nhiều công ty dạng này đã phá sản trong giai đoạn này, dẫn đến mức giá thấp kỷ lục. Không một chút lo sợ, Bill Ackman dành phần lớn danh mục để thâu tóm GGP, đồng thời tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ cho GGP. Sau nhiều động thái cứu trợ của FED cho ngành tài chính – bất động sản và giảm lãi suất, GGP hồi phục mãnh liệt.

Đến tháng 08/2015, giá thị trường của GGP là $27.50, tương ứng với mức tăng hơn 10,000% so với cách đó 7 năm.

Canadian Pacific Railways (NYSE: CP)

CP là công ty đường sắt hoạt động giữa Hoa Kỳ và xứ Canada, vận chuyển hàng tấn các loại vật liệu thô và phân bón giữa hai nước. Thật ra, Ackman có được ý tưởng này nhờ việc “bắt chước” ý tưởng của ngài Buffett khi Berkshire đã rất thành công với khoản đầu tư vào công ty Burlington, Northen & Santa Fe chuyên vận chuyển dầu đá phiến.

Hơn vậy, ông nhận ra rằng CP đang được vận hành khá yếu, thua kém hầu hết các hãng đường sắt khác. Ông tranh đấu trong đại hội cổ đông và loại được ban lãnh đạo hiện hữu. Sau khi CEO mới được thay thế, lợi nhuận của hãng đường sắt này tăng trưởng mạnh. Trong vòng vỏn vẹn 3 năm, cổ phiếu CP đã tăng 450% từ mốc $40 lên $220 vào tháng 12/2014, tạo gia tài hàng tỷ USD cho quỹ Pershing Square.

 

Thiên tài bán khống vụt tắt

Thành công nhanh và phi thường vậy, cũng không khó hiểu khi Bill Ackman bắt đầu tự hào và chủ quan. Ông thường xuyên lên báo giới, đặt mục tiêu đứng số 1 top 20 quỹ đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nhất cho nhà đầu tư mọi thời đại (trong khi quỹ ông mới đứng hạng 19 – thua nhiều tên tuổi huyền thoại như Ray Dalio, Seth Klarman, Dan Loeb).

Ông lại bắt đầu từ bỏ các nguyên tắc cẩn trọng trong đầu tư. Năm 2015, ông đầu tư đến 40% của danh mục trị giá 19 tỷ USD vào Valeant Pharmaceuticals (NYSE: VRX), một công ty thương mại dược phẩm gốc Canada. Ông sai lầm lớn bởi vì: (1) Dược là một ngành ông chưa bao giờ am hiểu, trước đây ông lãi lớn với bất động sản và tiêu dùng, giờ lại bước ra ngoài vòng tròn hiểu biết của mình (2) Ông đầu tư danh mục quá tập trung, đôi khi chỉ có 4-5 cổ phiếu, một sai lầm đã giết chết quỹ Gotham L.P của ông lúc trước (3) Ông đầu tư bất chấp việc đánh giá kĩ đạo đức và khả năng của ban lãnh đạo Valeant – CEO Michael Pearson.

Ủy ban quản lý Dược & Thực phẩm (FDA) của Mỹ đi vào điều tra Valeant, và giá cổ phiếu cứ thế rơi không phanh một cách bất ngờ với Ackman. Ackman liên tục chống chế trước báo chí, thậm chí còn mua thêm cổ phiếu VRX, bất chấp đạo đức của ban lãnh đạo Valeant “thuộc hạng cống rãnh” như lời của ngài Munger.

Cổ phiếu VRX giảm 95% xuống còn $11 trong vòng 1 năm rưỡi, Ackman đành phải bán cắt lỗ (!) Trong thời gian từ năm 2013 – 2017, quỹ Pershing Square lại còn làm nhiều vụ lùm xùm như bán khống 800 triệu USD Herbalife, rồi đầu tư vào chuỗi Chipotle Mexican Group. Hai khoản này để hẳn 5 năm nhưng chẳng mang lại lợi lộc gì, chỉ có thêm tiếng xấu cho Bill Ackman.

Cuối năm 2017, Bill Ackman trả lời phỏng vấn, thừa nhận rằng “Tôi chẳng tìm thấy niềm vui nữa. Mất tiền của cổ đông không phải là một việc dễ chịu chút nào.” Từ năm 2016 – 2017, quỹ Pershing Square mất tổng cộng -50% NAV của các nhà đầu tư, và có lẽ còn một thời gian dài – nếu không muốn nói là không bao giờ có thể quay trở lại mức tài sản ròng như trước được nữa…

Bài học cho các nhà đầu tư năng động

Có lẽ Bill Ackman là một ví dụ kinh điển cho các nhà đầu tư năng động trẻ tuổi: thông minh, tích cực, song có phần tự hào quá mức về bản thân. Mặc dù không có nhiều câu chuyện về sai lầm của Bill Ackman, chúng tôi cũng muốn đúc kết đôi điều:

Thứ nhất, một danh mục càng lớn, càng cần sự đa dạng hóa (diversification) vào những ngành nghề ta am hiểu rõ nhất. Sự tập trung sẽ dẫn đến rủi ro vi mô bất ngờ như case của Valeant.

Thứ hai, nên lắng nghe ý kiến trái chiều và không nên bảo vệ quan điểm bằng mọi giá trước báo chí và công chúng. Điều này chỉ càng làm ta trở nên bảo thủ một cách ngốc nghếch.

Cuối cùng, khi đã mắc sai lầm, thì hãy chấp nhận và hành động nhanh chóng thay vì lún sâu vào nó.

Những bài học căn bản trên chưa bao giờ là mới, song cũng chưa bao giờ là cũ nếu nhà đầu tư năng động chúng ta không biết giữ kỷ luật và trở nên khiêm tốn.                        

Hà Hùng Anh

FILI

Các tin tức khác

>   Người giàu nhất thế giới có thêm 12 tỷ USD sau 1 ngày (27/04/2018)

>   Nữ tỷ phú bí ẩn của công ty IT hàng đầu tại Mỹ (26/04/2018)

>   Bức tranh chung về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam (26/04/2018)

>   Người giàu nhất thế giới "bỏ túi" gần 8 tỷ USD trong tuần qua (23/04/2018)

>   Triệu phú tự thân: Nỗi lo sợ về cảnh nghèo đói đã giúp tôi thành công (23/04/2018)

>   Làm lãnh đạo VFF: Cần đề án, đừng nói suông! (20/04/2018)

>   Ngành chuyển hàng theo yêu cầu “nóng” trở lại (19/04/2018)

>   VFF mong bầu Đức không bỏ bóng đá (19/04/2018)

>   3 lời khuyên từ nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới (18/04/2018)

>   Gia đình đại gia Korean Air đang bị ‘truy sát’ (18/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật